THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:25

Học sớm không có lợi cho trẻ mầm non về lâu dài

 

Vai trò làm cha mẹ thực ra lại đang hủy hoại sự phát triển lành mạnh của con

Theo báo Dân Trí và Gia đình & Xã hội: Tiến sĩ Laura Markham (người sáng lập trang AhaParenting.com - một website nổi tiếng về tư vấn và đào tạo kỹ năng làm cha mẹ) cho rằng, các ông bố bà mẹ nhiều khi thích nắm quyền kiểm soát con và nhiều điều chúng ta làm trong vai trò làm cha mẹ thực ra lại đang hủy hoại sự phát triển lành mạnh của con. Một ví dụ của tình trạng này là việc cha mẹ “ép” con học từ nhỏ.

 

Nghiên cứu của Sebastian Suggate cho thấy không có lợi ích từ việc trẻ học đọc lúc 5 tuổi.

 

Tiến sĩ Nancy Carlsson-Paige, giáo sư danh dự về giáo dục sớm tại ĐH Lesley (bang Massachusetts, Mỹ) cho biết: “Chưa từng có bất kì một bằng chứng tin cậy nào về việc những trẻ em từng được học đọc ở trường mẫu giáo sẽ được hưởng lợi từ việc này về lâu dài.”

Một trong những nghiên cứu của Suggate so sánh những đứa trẻ ở các trường học theo phương pháp giáo dục của nhà giáo dục, triết gia người Áo Rudolf Steiner, thường bắt đầu học đọc từ năm 7 tuổi, với những đứa trẻ theo học các trường công lập ở New Zealand, bắt đầu học đọc từ năm 5 tuổi.

Nghiên cứu cho thấy, đến khi lên 11 tuổi, những học sinh từ nhóm 7 tuổi đã bắt kịp với nhóm 5 tuổi, thể hiện khả năng đọc tương đương nhau.

 Hại tương lai, hỏng hai bán cầu đại não

ThS. Nguyễn Mạnh Quân, chuyên gia Nghiên cứu Thần kinh và Não bộ, chuyên gia tâm lý Hội Tâm lý học Việt Nam cho rằng: “Nói về vấn đề này khá tốn giấy mực. Tuy nhiên, có thể hiểu một cách đơn giản như sau, việc dạy trẻ học chữ, học toán trước 6 tuổi là trái nguyên tắc của bộ  não khiến não bộ không phát triển được.

“Việc học chữ, học toán trước sẽ làm mất thăng bằng và sự hoạt động của hai bán cầu đại não. Nên hiện nay số người trầm cảm rất nhiều mà nguyên nhân chủ yếu là do hai bán cầu đại não không còn làm việc đồng bộ vì bị ép học từ lúc nhỏ”, ông Quân phân tích.

 

Ảnh minh họa.

 

4 – 5 tuổi là độ tuổi trẻ phát huy tính sáng tạo tiềm ẩn bên trong tất cả mọi đứa trẻ một cách tối đa. Nếu cha mẹ biết hướng đến những cơ hội tiếp xúc và khám phá thế giới xung quanh cho trẻ đó mới là cách giúp trẻ có tương lai tốt sau này. Ép con học sớm chỉ mang đến lợi ích trước mắt, vô tình làm hại tương lai của con.

Trẻ đang hiếu động mà bắt trẻ ngồi im một chỗ để học thì vô tình ép trẻ đi ngược lại với quy luật phát triển tự nhiên của cơ thể. Khi bị ép buộc học sẽ không có một sáng kiến nào được nảy sinh, thậm chí còn làm ảnh hưởng đến việc phát triển trí tuệ, khiến trẻ ghét học.

Bắt học chữ, làm toán sớm vượt ngoài khả năng lứa tuổi của trẻ có thể khiến trẻ tự ti, lo sợ không làm được như mong muốn của bố mẹ, dễ khiến trẻ chán nản, xuất hiện nhiều cảm xúc tiêu cực. Bên cạnh đó, biết chữ sớm khi đến lớp lại phải học lại những thứ đã biết sẽ khiến trẻ chủ quan, không tập trung học bài, thậm chí  chán nản, thấy việc học không thú vị.

TS. Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cũng khẳng định, không nên cho con đi học sớm, học trước trẻ chỉ có thế mạnh trong 1 năm đầu, sau đó bé bị chê liên tục dẫn đến chán nản, đau khổ vì đã quen với việc khen. Người ta chỉ nản khi không thể làm được hoặc phải học, phải làm những thứ đã nhàm chán. Còn với trẻ càng mọi thứ càng mới lạ càng hấp dẫn.

Nếu trẻ học kém cô giải sẽ phải để ý đến con. Các bài học được thiết kế theo tuần, cô sẽ có đủ thời gian để dạy từng bài nên học trước không ích lợi gì. Tay trẻ con cũng rất yếu, cha mẹ cho cầm bút trước 6 tuổi có thể cầm sai cách làm hỏng tay trẻ, dễ sinh tật tay khi đến lớp cô giáo sẽ khó nắn lại.

HÒA THANH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh