Học sinh nhiều tỉnh, thành trở lại học trực tiếp phù hợp với diễn biến dịch Covid-19
- Giáo dục nghề nghiệp
- 17:16 - 26/03/2022
Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, đã có văn bản về việc thông báo học sinh tiểu học và mầm non trên địa bàn tỉnh học trực tiếp từ 28/3.
Theo đó, Sở GD&ĐT bảo đảm điều kiện tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục nên thông báo cho học sinh tiểu học, trẻ mầm non trở lại trường học trực tiếp từ ngày 28/3 nhằm hoàn thành mục tiêu năm học 2021-2022 đúng kế hoạch và bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Trước đó, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh tiểu học và trẻ mầm non tại địa phương này đã tạm dừng đến trường từ ngày 21/2.
Tỉnh Phú Thọ ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức dạy học phù hợp với tình hình, diễn biến dịch Covid-19.
Theo đó, đối với giáo dục tiểu học, THCS và THPT, UBND tỉnh Phú Thọ giao UBND các huyện, thị, thành phối hợp với Sở GD&ĐT chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trực thuộc phối hợp với cơ quan y tế đánh giá thực trạng về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn.
Các đơn vị quyết định hình thức tổ chức dạy học phù hợp (trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến từ ngày 28/3/2022). Ưu tiên bố trí dạy học trực tiếp đối với học sinh lớp 9 và lớp 12.
Trong khi đó, tại Nghệ An, Sở GD&ĐT tỉnh có văn bản hướng dẫn về kế hoạch dạy học của tỉnh trong giai đoạn mới. Theo đó, từ ngày 4/4, học sinh thuộc các bậc học từ mầm non, tiểu học, THCS cho đến THPT sẽ trở lại trường học trực tiếp từ ngày 4/4.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường, Sở GD&ĐT Nghệ An yêu cầu các cơ sở giáo dục cần điều chỉnh chương trình chăm sóc, dạy học để đảm bảo kế hoạch năm học.
Với giáo dục phổ thông, các trường cần tiếp tục rà soát để bổ sung thiết bị thu phát, đường truyền, bố trí bộ phận kỹ thuật hỗ trợ các tiết dạy ở lớp học trực tuyến - trực tiếp khi có học sinh, giáo viên thuộc diện phải cách ly y tế.
Tập trung ôn tập cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đảm bảo kiến thức, kỹ năng để tham gia các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT năm 2022.
Tại TP. HCM, Sở GD&ĐT có văn bản hướng dẫn biện pháp y tế với F1 đi làm, đi học. Theo đó, F1 đã được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc đã từng mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng được phép tiếp tục đi làm, đi học, phải tự theo dõi sức khỏe ít nhất 10 ngày kể từ ngày tiếp xúc gần lần cuối với F0.
Riêng với học sinh từ 12 tuổi trở xuống bao gồm học sinh khối 6 chưa tiêm vaccine, học sinh tiểu học, nếu rơi vào đối tượng F1 vẫn phải thực hiện cách ly y tế theo quy định với thời gian cách ly là 7 ngày, trừ những em đã từng mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng.
Ở Hà Nội, với tình hình dịch vẫn còn phức tạp dù số ca F0 đã giảm mạnh, UBND thành phố đề nghị Sở GD&ĐT thường xuyên cập nhật văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT để có hướng dẫn cụ thể các địa phương chủ động hơn nữa trong công tác bảo đảm phòng, chống dịch cho học sinh từ lớp 7 đến 12 học trực tiếp tại trường.
Về việc tổ chức bán trú, thành phố thống nhất chủ trương giao Sở GD&ĐT xem xét bảo đảm phù hợp tình hình thực tế trong công tác phòng, chống dịch hiện nay và điều kiện cụ thể của từng địa phương, trường, lớp, được sự đồng thuận của gia đình, phụ huynh học sinh. Nhiều trường tại Hà Nội dự kiến tổ chức học bán trú từ đầu tháng 4.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã gửi văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội về việc tổ chức học bán trú khi học sinh đi học trực tiếp trở lại. Trong đó, cần đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch trong cơ sở giáo dục để tổ chức ăn bán trú khi trẻ mầm non, học sinh đến trường học trở lại.
Khi tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ mầm non, học sinh các lớp, cơ sở giáo dục cần thực hiện theo nguyên tắc: Hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các lớp, ưu tiên ăn nghỉ tại lớp, học sinh ăn trưa tại trường theo suất ăn riêng, không dùng chung đồ dùng cá nhân, đảm bảo vệ sinh khử khuẩn khu vực nhà ăn, bếp ăn và an toàn thực phẩm.