Học sinh học qua truyền hình: Cần sự vào cuộc của phụ huynh
- Giáo dục nghề nghiệp
- 02:39 - 13/03/2020
Dịch Covid-19: Học sinh học tập qua truyền hình
Nhằm giúp các em chủ động ôn luyện, học tập trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo kiến thức cho kỳ thi vào lớp 10 và thi THPT quốc gia, chương trình học trên truyền hình của TP. Hà Nội được xây dựng cho học sinh khối 9 với 3 môn: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh; học sinh lớp 12 với 9 môn, gồm: Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh.
Em Nguyễn Thủy, học sinh lớp 12A, Trường THPT Trần Phú cho biết, bài học đầu tiên trên truyền hình sẽ tiếp nối bài học trước khi học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch nên không bị gián đoạn. Cô giáo dạy chậm và kiến thức được chắt lọc, tổng hợp nên dễ tiếp thu.
Em Trần Đỗ Phương Ngọc, học sinh lớp 9, Trường THCS Ngô Sỹ Liên cho rằng, bài giảng dễ hiểu, có ví dụ, dẫn chứng sinh động, cụ thể. Giáo viên giảng đúng trọng tâm, bám sát chương trình học. Tiết học đã hệ thống lại kiến thức của học kỳ 1 để buổi sau bắt đầu học bài mới.
Theo chia sẻ của một số học sinh lớp 12, sau buổi học đầu tiên với hai môn Ngữ văn và Tiếng Anh, học sinh thấy dễ hiểu, nhất là môn Ngữ văn. Cách giáo viên hệ thống kiến thức, một số ý dạy theo sơ đồ tư duy, dễ hiểu, dễ nhớ. Hơn nữa, giáo viên dạy khá truyền cảm khiến học sinh hứng thú học hơn.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, thực tế việc dạy và học trên truyền hình cũng còn nhiều điểm hạn chế so với phương thức học truyền thống, đó là: Giáo viên và học sinh không có cơ hội tương tác; giáo viên không thể kiểm tra được mức độ tiếp thu của học sinh đối với bài giảng để điều chỉnh nội dung hay cách thức truyền đạt; kiến thức các bài giảng chưa thực sự phù hợp với phần lớn học sinh thành phố. Bên cạnh đó, hiệu quả của việc dạy và học phụ thuộc vào tinh thần tự giác của chính học sinh, nhiều em còn chưa chủ động khiến bố mẹ phải đôn đốc, nhắc nhở.
Cần sự đồng hành của phụ huynh
Ủng hộ việc học qua truyền hình, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, phương án này có nhiều ưu điểm như nội dung giảng bài được lưu lại. Vì thế, học sinh có thể vào đường link của đài truyền hình để nghe giảng lại bất cứ khi nào thuận tiện. Đội ngũ giảng dạy là những thầy, cô giáo vững chuyên môn, phương pháp và nhiều kinh nghiệm trong việc luyện thi nên phụ huynh và học sinh hoàn toàn yên tâm. Nhất là với khối lớp 9 và 12, chắc chắn các em và gia đình đang rất lo lắng nên đây sẽ là một cách bổ trợ cho việc học online đang diễn ra ở trường hiện nay nhưng còn một số hạn chế.
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, dạy học từ xa (dạy học trên truyền hình hay trực tuyến) chỉ phù hợp ở một số trường học và một số địa phương. Do đó, nếu áp dụng đại trà sẽ không khả thi, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo. "Chúng ta không thể thay thế một lớp học truyền thống mà ở đó có thầy – trò tương tác trực tiếp với nhau. Vì thế, ở thời điểm này, vẫn cho học sinh nghỉ học tạm thời, chờ khi ổn định sẽ đón các em trở lại trường để học tập", PGS.TS Vũ Trọng Rỹ chia sẻ, đồng thời đề xuất: Các trường có thể cắt bỏ những hoạt động không cần thiết để tập trung vào dạy - học cho học sinh nhằm bảo đảm chất lượng và khung chương trình đã đề ra.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh không chỉ nhắc nhở mà còn dành thời gian để theo dõi việc học tập của con em mình tại nhà, bởi không phải học sinh nào cũng chủ động việc học, tránh việc "khoán" cho con muốn làm gì thì làm. Dù sao việc học trên truyền hình vẫn là cách dạy học một chiều, khó kiểm soát được mức độ tiếp nhận của học sinh, các thầy cô sẽ hỗ trợ bằng cách giao bài tập tương ứng, sửa bài cho học sinh qua hình thức online sau đó. Vì vậy, lúc này sự đồng hành của phụ huynh với việc học trên truyền hình của con rất quan trọng.