CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:07

Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học – Nên hay không?

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ra Thông tư 32 về điều lệ trường THCS, THPT, trong đó có quy định "Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng chỉ phục vụ học tập, với sự đồng ý của giáo viên… đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận thời gian qua. Nhiều ý kiến cho rằng, việc cho học sinh sử dựng điện thoại trong giờ học phục vụ trong học tập là cần thiết, phù hợp với xu thế công nghệ 4.0 hiện nay. Tuy nhiên, cũng rất nhiều người phản đối nội dung này, vì việc cho học sinh dùng điện thoại sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường như làm sao nhãng việc học, giáo viên không thể quản nổi học sinh…

Để có cái nhìn đa chiều hơn, buổi tọa đàm "Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học – Nên hay không?" được tổ chức có sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP. HCM và các giáo viên, học sinh các trường phổ thông trên địa bàn... sẽ đưa ra nhiều ý kiến, quan điểm về vấn đề đang được quan tâm này.

Học sinh được sử dụng điện thoại – Nên hay không? - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Phát biểu khai mạc tại buổi tọa đàm, Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết, khi Thông tư 32 này ra đời, phản ứng đầu tiên là người dân có vẻ không tán thành. Chúng tôi cũng bỏ công tìm hiểu thì nhận thấy hầu hết các ý kiến đồng ý cho rằng, điện thoại di động kết nối internet sẽ giúp học sinh học hỏi được nhiều kiến thức quý báu. Do đó, chúng ta cần định hướng, hướng dẫn cho học sinh sử dụng điện thoại di động đúng cách.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản đối lại cho rằng, hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới đều cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học, do bị phân tâm trong giờ học, lười vận động, chát chít. Ngoài ra, học sinh giao lưu trên mạng, dễ nảy sinh tình trạng bắt nạt, ẩu đả…

"Sau khi nghiên cứu kỹ, chúng tôi thấy ý kiến phản đối đều xuất phát từ việc học sinh được sử dụng điện thoại di động mà chưa hiểu là phải được sự đồng ý của giáo viên. Báo Tiền Phong nhận thấy cần phải có sự nghiên cứu, thảo luận dưới nhiều góc độ khác nhau để cùng nhau có góc nhìn thấu đáo ". Nhà báo Lê Xuân Sơn cho hay!

Học sinh được sử dụng điện thoại – Nên hay không? - Ảnh 2.

Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong phát biểu khai mạc buổi tọa đàm

 Chia sẻ dưới góc nhìn từ chuyên gia giáo dục, bà Tô Thụy Diễm Quyên - Chuyên gia giáo dục toàn cầu (CEO Innedu STEAM) cho biết, trên thế giới hiện có 5 tỷ người đang sử dụng điện thoại di động. Cho nên những đứa trẻ được sử dụng điện thoại thông minh từ rất sớm, nghiên cứu chỉ ra là lúc 12 tuổi. 92% người Mỹ tin rằng, nghiện điện thoại di động là có thật trong khi 86% người sử dụng điện thoại thường xuyên kiểm tra điện thoại di động, dù đang nói chuyện với nhau…

Theo bà Quyên, hiện nay, học sinh chỉ cần 1 chiếc điện thoại là biết tất cả thông tin trên thế giới. Do đó, 10 học sinh ra trường thì 8 bạn phải giỏi về Công nghệ thông tin, nếu không các bạn sẽ bị đào thải. Nếu các bạn chỉ ôm điện thoại chỉ để chát chít thì sẽ tạo ra thách thức rất lớn. Việc kiểm soát công nghệ là chìa khóa cho tương lai"

"Hãy biến thách thức thành cơ hội. Điện thoại thông minh hay ngu ngốc, tùy thuộc vào việc chúng ta sử dụng", bà Quyên cho hay!

Học sinh được sử dụng điện thoại – Nên hay không? - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương - Trưởng bộ môn Luật (Đại học Quốc tế Hồng Bàng) phát biểu tại buổi tọa đàm

Còn theo, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương - Trưởng bộ môn Luật (Đại học Quốc tế Hồng Bàng) cho biết, không nên hiểu quy định theo Thông tư 32 về Điều lệ trường THCS, THPT do Bộ GD&ĐT ban hành là cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động một cách thoải mái trong giờ học. Thay vào đó, quy định mới trao quyền chủ động cho giáo viên trong việc quản lý và định hướng học sinh sử dụng điện thoại hiệu quả, đúng mục đích.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Phương trên thế giới, việc sử dụng điện thoại trong giờ học cũng quy định khác nhau. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, mang điện thoại đến trường đề phòng thảm họa thiên nhiên để tiện liên hệ. Tại Mỹ, không phải tại Bang nào cũng cho phép cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học…

Và ngay tại Việt Nam, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để trang bị cho con em mình một chiếc điện thoại thông minh để sử dụng trong giờ học.

Học sinh được sử dụng điện thoại – Nên hay không? - Ảnh 4.

Thầy Lê Quang Huy, Phó Hiệu trưởng trường THPT Hùng Vương phát biểu tại buổi tọa đàm

Nêu ý kiến về vấn đề trên, thầy Lê Quang Huy - Phó Hiệu trưởng (trường THPT Hùng Vương) cho rằng, có thể khuyến khích các em sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin. Tuy nhiên, thời gian để các em sử dụng điện thoại để phục vụ học tập là nhiều hay ít hơn các hoạt động khác như xem phim, lướt Facebook mới là điều đáng quan tâm. Nếu các em sử dụng điện thoại để phục vụ giải trí nhiều hơn thì nên tự xem lại mình.

Còn trên phương diện của một chuyên gia về giáo dục thể chất, Phó Giáo sư Lương Thị Ngọc Ánh – Trưởng bộ môn giáo dục thể chất ( Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng) cho rằng, con người không chỉ chăm lo sức khỏe về thể chất mà còn có sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội.

Việc sử dụng điện thoại di động quá nhiều sẽ ảnh hưởng rất lớn về mặt tinh thần, thể chất, làm cho con người vô cảm. Học sinh cũng vậy, không là ngoại lệ, nên cũng cần tự ý thức sử dụng điện thoại di động một cách hiệu quả nhất ".Bà Lương Thị Ngọc Ánh, nhấn mạnh!

Tại buổi tọa đàm, có thể thấy đa số các ý kiến từ các chuyên gia và các thầy cô cho rằng, bên cạnh những phân tích về lợi ích của việc sử dụng điện thoại, cũng còn có nhiều lo lắng về tác hại của việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp.

Để có cái nhìn nhiều chiều hơn, khi được hỏi về quan điểm của mình trong việc sử dụng điện thoại trong lớp học, một số học sinh cũng đã chia sẻ thành thật về vấn đề này, về tác hại cũng như lợi ích khi sử dụng điện thoại ở trong lớp.

Học sinh được sử dụng điện thoại – Nên hay không? - Ảnh 5.

Em Tống Ngọc Thảo My (Lớp 12A10 - Trường THPT Nguyễn An Ninh, Quận 10) chia sẻ quan điểm của mình trong việc sử dụng điện thoại trong lớp học

Em Tống Ngọc Thảo My (Lớp 12A10 - Trường THPT Nguyễn An Ninh, Quận 10) chia sẻ: Trong lớp, tiết học đi quá nhanh, không hiểu hết thì trên Youtube hoặc Google có nhiều người giảng, em vào đó xem. Trên internet cũng có nhiều kiến thức giúp em tự học ở nhà bằng điện thoại.

Ngoài ra, thỉnh thoảng em có kết hợp giải trí, chơi game, nghe nhạc và tán gẫu với bạn bè nhưng phần lớn thời gian vẫn tập trung vào việc học.

Còn theo quan điểm của lãnh đạo Bộ giáo dục và đào tạo, ông Lê Thắng Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển GD&ĐT phía Nam (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Thông tư 32 tạo cơ sở pháp lý giúp nhà trường, giáo viên sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin phục vụ việc giảng dạy. Còn việc sử dụng như thế nào, tùy vào các trường.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có phát ngôn chính thức về vấn đề này, bởi nó liên quan đến thế hệ tương lai của đất nước. Trước khi đưa ra quyết định này, Bộ GD&ĐT đã tham vấn các nhà chuyên môn, chuyên gia về vấn đề nay, ông Lợi cho biết thêm!

Kết thúc buổi tọa đàm, "Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học – Nên hay không?". Nhiều chuyên gia đều đồng ý nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học nhưng sử dụng như thế nào cho thông minh?

Tuy nhiên, sẽ bằng cách nào để làm được việc này, đây là câu hỏi rất lớn. Nên chăng Bộ GD-ĐT cần có các khóa tập huấn cho giáo viên về quản lý, hướng dẫn cho học sinh sử dụng điện thoại một cách có ích trong giờ học?

Theo Thông tư 32/2020/TT- BGDĐT Điều lệ trường THCS và THPT toàn cục: Điều 37. Các hành vi học sinh không được làm: Nội dung 4: Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.


DIỆU LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh