Học sinh đi học trở lại: Khoảng cách ngồi học tối thiểu 1,5m có khả thi?
- Giáo dục nghề nghiệp
- 21:23 - 24/04/2020
Sau khi nới lỏng việc cách ly xã hội, nhiều địa phương đã công bố kế hoạch hoặc bắt đầu cho học sinh đi học trở lại sau thời gian dài nghỉ vì dịch Covid-19. Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trước khi đón học sinh trở lại trường, các nhà trường phải triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh; tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch Covid-19. Đáng chú ý, các nhà trường phải bảo đảm giãn cách xã hội, bố trí học sinh ngồi học cách nhau tối thiểu 1,5m; mỗi lớp học không quá 20 học sinh.
Các tiêu chí này được đưa ra trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế về việc triển khai phòng chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục. Đó là tất cả học sinh, sinh viên, giáo viên và người lao động trong các cơ sở giáo dục phải đeo khẩu trang trên đường đến trường và trở về nhà, trong thời gian ở trường. Quá trình học tập ở trường, học sinh, sinh viên phải được bố trí chỗ ngồi bảo đảm khoảng cách giữa tối thiểu 1,5m. Trên cơ sở đó, căn cứ tình hình thực tế từng phòng học, từng bàn học có thể bố trí 1 học sinh/bàn hoặc 2 học sinh/bàn hoặc ngồi so le cho phù hợp, bảo đảm khoảng cách tối thiểu trong các hoạt động chung của học sinh, giáo viên.
Thực tế tại đa phần các trường học ở thành phố, sĩ số học sinh trong lớp học thường rất đông, vượt xa quy định, thậm chí gấp đôi theo chuẩn. Như tại Hà Nội, số học sinh của 1 lớp khoảng 45 em, thậm chí lên tới 60 học sinh. Với tiêu chí sắp xếp không quá 20 học sinh/lớp thì sẽ phải tổ chức học 2 - 3 ca/ngày. Do đó, bảo đảm giãn cách khi bố trí chỗ ngồi cho học sinh trong lớp học theo tiêu chuẩn như trên thực sự là việc khó khăn đối với hầu hết các trường. Theo một số hiệu trưởng, chỉ số ít trường có cơ sở vật chất rất tốt mới có thể sắp xếp được. Còn lại đa phần các nhà trường hiện nay, nhất là những trường đang phải học chia ca sáng và chiều thì không thể. Hoặc chỉ khối 12 đi học trở lại cũng thực hiện được yêu cầu giãn cách chỗ ngồi nhưng lại thiếu giáo viên, hoặc phải bố trí tăng ca hoặc bù, điều này rất khó.
Một số giáo viên cho biết, nếu chia lớp thì đồng nghĩa giáo viên phải tăng công suất lên gấp 2, 3 và cũng khó xếp thời khoá biểu; đồng thời, giáo viên không thể đảm đương nổi, dẫn đến khó đảm bảo chất lượng dạy và học.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh học sinh cũng băn khoăn về tính khả thi của tiêu chuẩn bố trí học sinh ngồi học giãn cách, mà còn là vấn đề các thầy cô cũng không thể kiểm soát được học sinh ở ngoài không gian lớp học. Theo phản ánh của các trường đã cho học sinh đi học trở lại như: Gia Lai, Thanh Hóa, Hải Phòng…, quy định này sẽ gây nhiều khó khăn khi học sinh tại đồng loạt các khối học trở lại trong khi cơ sở vật chất các trường không đủ để đáp ứng yêu cầu giãn cách, chia nhỏ sĩ số lớp. Do vậy, các trường đề nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế xem xét lại việc quy định này để không đẩy cái khó cho các địa phương và trường học.