Học sinh cân nhắc, chọn lựa nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân
- Giáo dục nghề nghiệp
- 21:19 - 23/11/2020
Coi công tác tư vấn hướng nghiệp là hoạt động thường xuyên
Theo chia sẻ của các em học sinh lớp 12, do là năm học cuối cấp nên việc xác định ngành nghề dự định theo học hoặc công việc mình định theo đuổi sau khi tốt nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng với các em bởi nó ảnh hưởng tới cả tương lai sau này. Song được các thầy cô trong trường tư vấn, cung cấp thông tin, giải đáp những băn khoăn, vướng mắc nên chúng em cũng đã có hướng để lựa chọn ngành nghề phù hợp mà cả bản thân và gia đình cùng mong muốn.
Trên thực tế, khi chọn nghề, chọn trường, nhiều học sinh và gia đình các em phải đứng trước nhiều áp lực. Đó không chỉ là áp lực đầu vào mà còn nặng nề hơn với đầu ra. Nhiều học sinh ấp ủ ngành nghề trong tương lai ngay từ khi bước chân vào trường THPT và phấn đấu học tập, rèn luyện tốt để đạt được ước mơ ấy. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, tình trạng cử nhân, thạc sĩ tốt nghiệp không có việc làm chiếm tỷ lệ cao ở hầu hết các địa phương. Tâm lý không xin được việc, không vào được biên chế Nhà nước đè nặng sự lựa chọn của người học và gia đình.
Từ thực tế đó, các nhà trường THPT, các trung tâm hướng nghiệp, giáo dục thường xuyên cần coi công tác tư vấn hướng nghiệp là hoạt động thường xuyên và đẩy mạnh vào thời điểm trước kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng. Cần coi trọng chất lượng, mục đích của hoạt động tư vấn hơn là phong trào hay tuyên truyền. Trước thực trạng thừa nhân lực như hiện nay, trong khi tư vấn, các nhà trường cần đi sâu tư vấn về các con đường lập nghiệp, giúp các em và phụ huynh xóa bỏ tâm lí và cách nghĩ phải vào đại học mới lập nghiệp được hay phải vào được biên chế Nhà nước mới tốt.
Nên chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục chỉ rõ những sai lầm thường gặp của học sinh trong chọn nghề như chỉ dựa vào duy nhất năng lực học tập, chọn nghề theo trào lưu, chọn nghề vì lí do kinh tế, chọn nghề được xã hội trọng vọng. Ngoài ra, việc dành ít thời gian để tìm hiểu, tư tưởng học gì cũng được miễn là đại học… cũng khiến học sinh sai lầm.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, một người chọn sai nghề sẽ không phát huy được hết năng lực, tố chất của mình trong công việc, giảm năng suất và hiệu quả lao động. Từ đó, sẽ gây tâm lý chán nản, thất vọng, thiếu tự tin và mất đi động lực để làm việc. Cuộc sống tinh thần trở nên căng thẳng, mệt mỏi và lâu dần chuyển thành bệnh mãn tính, làm giảm sút chất lượng sống và hiệu quả công việc. Khi nhận ra những sai lầm thì thường đã muộn, muốn bắt đầu đào tạo lại nghề khác thì cũng tốn kém thời gian, chi phí.
"Một số nguyên tắc để chọn nghề mà học sinh cần chú ý như chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân; không nên chọn nghề mà bản thân không có đủ điều kiện đáp ứng như về sở thích, tính cách, năng lực; không chọn nghề mà xã hội không có nhu cầu. Mỗi em chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân và chọn được nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng và có ý nghĩa", PGS.TS Trần Thành Nam lưu ý.
Theo các chuyên gia hướng nghiệp, muốn có nghề nghiệp hợp lý phải thỏa mãn cả ba đỉnh của tam giác chọn nghề. Đỉnh thứ nhất là đam mê, yêu thích, muốn sống chung cả đời với nghề nghiệp đó. Thứ hai là năng lực, khả năng và thế mạnh của bản thân. Thứ ba là cơ hội nghề nghiệp của ngành mình lựa chọn, là sự hiểu biết về nhu cầu thị trường lao động và xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp ngay từ khi còn học.
Theo đó, để tránh sai lầm trong hành trình chọn nghề tương lai, học sinh cần tìm hiểu thông tin dự báo nhân lực trong tương lai gần, nhất là 4 - 5 năm sau khi tốt nghiệp. Trong xu hướng toàn cầu hóa, thị trường lao động ngày càng mở rộng hơn, nhưng thách thức, cạnh tranh về nguồn lao động có chất lượng, kỹ năng cao cũng khốc liệt hơn. Do đó, chuẩn bị hành trang tay nghề kỹ thuật đạt chuẩn, nhất là có ngoại ngữ tiếng Anh, tin học thì sẽ mở cánh cửa việc làm nhanh hơn. Các em học sinh cần cân nhắc, chọn lựa nghề nghiệp tương lai phù hợp với năng lực, sở trường và đam mê của mình, không nên chạy theo những ngành nghề hot, thời thượng hoặc chỉ nhắm đích đến duy nhất là tấm bằng đại học. Tỷ lệ có việc làm không phân biệt nhóm ngành nghề, mà phụ thuộc vào năng lực sở trường từng người, khả năng thích ứng với các vị trí việc làm đòi hỏi kỹ năng cao.
Cô giáo Phạm Lệ Thanh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên chia sẻ: Một trong những giải pháp được Trường chú trọng triển khai là việc chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, bộ môn tích hợp liên môn lồng ghép vào trong nội dung bài học, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, sân chơi trí tuệ có nội dung hướng nghiệp cho học sinh. Ðồng thời, Trường phối hợp với Tỉnh đoàn và các trường chuyên nghiệp tổ chức các buổi nói chuyện, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Từ đó, giúp các em có những kiến thức cơ bản về nghề nghiệp và việc làm, những yêu cầu khi lựa chọn nghề; xác định các bước khi chọn nghề; thông tin về các địa chỉ, chuyên gia tư vấn, hỗ trợ các em trong hướng nghiệp...
Ngoài ra, Trường tổ chức tuyên truyền hướng nghiệp cho học sinh thông qua tiết chào cờ; thông tin về ngành nghề của các trường, thông tin tuyển sinh, nhu cầu việc làm trên bảng thông báo của nhà trường. Ðặc biệt, Trường còn thành lập tổ tư vấn hướng nghiệp giúp học sinh khối 12 đăng ký, lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân; cung cấp thông tin, giải đáp những thắc mắc của các em về ngành nghề, công việc mình định lựa chọn.