THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:48

Học sinh cần chọn nghề theo nhu cầu thị trường lao động

Học sinh cần chọn nghề theo nhu cầu thị trường lao động - Ảnh 1.

Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cho học sinh, sinh viên những cơ hội và thách thức nhất định trong vấn đề việc làm.

Theo khảo sát, xu hướng lựa chọn nghề nghiệp hiện nay của học sinh đã có sự thay đổi tích cực, biết cách tìm hiểu thông tin về nhu cầu việc làm theo thực tế xã hội, chọn nghề dựa trên năng lực bản thân và sở thích. Những ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao trong tương lai để theo học như: Máy tính, công nghệ thông tin, dịch vụ xã hội, nhà hàng, khách sạn, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, du lịch, ẩm thực, dịch vụ cá nhân, kiến trúc và xây dựng, sản xuất và chế biến, nông, lâm và thủy sản, dịch vụ vận tải, thú y…

Bên cạnh đó, nhiều học sinh đã chọn phương án học nghề hoặc trung cấp ngay sau khi tốt nghiệp THCS và THPT để tiết kiệm chi phí học tập và thời gian, có trình độ chuyên môn vững chắc và quan trọng là đáp ứng được các yêu cầu về công việc thực tiễn của doanh nghiệp.

Năm học 2021 - 2022, trước việc một số trường đại học công bố mở thêm ngành học mới, TS Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác Chính trị - Sinh viên, Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội lưu ý, những ngành mới mở phải có công bố về cam kết đào tạo, kiểm định chương trình.

Ngoài ra, học sinh tuyệt đối không nên chạy theo phong trào ngành "hot" mà cần tìm hiểu để trả lời câu hỏi: Yêu cầu đầu vào, đầu ra là gì? Năng lực của người học sau tốt nghiệp ra sao? Còn với chương trình được công bố công khai, học sinh cần tham chiếu với năng lực cá nhân, nhu cầu thị trường lao động, nhất là ở địa phương nơi mình dự kiến sẽ làm việc khi ra trường.

ThS Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông, Thường trực Ban Tư vấn tuyển sinh (Đại học Mở Hà Nội) cho biết, hiện một số ngành học mới với tên gọi "thời thượng" nhận được sự quan tâm của số đông học sinh và phụ huynh, như: Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data)… Có thể thấy, các ngành mới ra đời theo xu thế của xã hội, song nó vừa là cơ hội vừa là thách thức bởi không phải thí sinh nào cũng phù hợp và có thể theo học. Do vậy, học sinh và phụ huynh cần có cái nhìn toàn diện. Các em cần nghiêm túc nhận định đam mê của mình là gì? Ngành học định chọn có liên quan gì đến đam mê đó không? Không nên lựa chọn một ngành học mà bản thân còn chưa hiểu gì về nó.

Còn theo ThS Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, trong xu thế phát triển của khoa học công nghệ, việc mở ngành mới để đào tạo đón đầu là phù hợp. Tuy nhiên, học sinh cần tìm hiểu kỹ, tổng hợp các dự báo nhu cầu của thị trường lao động về ngành đó để cân nhắc đăng ký xét tuyển; đặc biệt cần chú ý năng lực, sở thích của bản thân.

Để giảm bớt sự phân vân, lo lắng khi chưa biết nên lựa chọn ngành nghề nào, học sinh nên tham gia các chương trình tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh để được các thầy, cô giải đáp kỹ lưỡng nhất. Lựa chọn nghề nghiệp chính là việc hoạch định ra trình độ, khả năng của bản thân so với những đặc điểm cũng như đòi hỏi và yêu cầu của nghề nghiệp, để từ đó có thể lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

Hòa Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh