THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:08

Học sinh cả nước khai giảng năm học mới 2019 – 2020

Học sinh cả nước khai giảng năm học mới 2019 – 2020 - Ảnh 1.

Học sinh trường Tiểu học Bình Minh (Hà Nội) trong buổi khai giảng.

Nhiều đổi thay bắt đầu từ lễ khai giảng

Trước ngày khai giảng, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn triển khai hoạt động nhà trường đầu năm học mới 2019 - 2020. Theo đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT lưu ý các trường học trên cả nước không đọc báo cáo về tình hình hoạt động của nhà trường, đảm bảo sức khỏe của học sinh và bảo vệ môi trường trong lễ khai giảng. Cụ thể, chương trình khai giảng có các nghi thức: Đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước; tổ chức một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với điều kiện nhà trường và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh để tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày Khai giảng năm học mới - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Đặc biệt, đối với cơ sở giáo dục mầm non, cần tổ chức khai giảng dưới hình thức "Ngày hội đến trường của bé" một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT lưu ý đến hai vấn đề quan tâm nhắc nhở các cơ sở giáo dục trong năm học mới, đó là tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học; quan tâm đến các giải pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối trong việc đưa đón học sinh. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục ổn định và duy trì nền nếp học tập ngay sau Lễ khai giảng; ban hành kế hoạch giáo dục nhà trường trong cả năm học. Việc tổ chức các hoạt động đầu năm học cần phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tạo được niềm tin, động lực học tập cho học sinh. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục thực hiện công khai các khoản thu, chi đầu năm học theo đúng các quy định hiện hành; không để xảy ra tình trạng "lạm thu"; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm trong thu, chi đầu năm học.

Học sinh cả nước khai giảng năm học mới 2019 – 2020 - Ảnh 3.

Học sinh trong ngày khai giảng.

Trước lễ khai giảng năm học 2019 - 2020, bức thư của cô bé học sinh lớp 5 Nguyệt Linh trường Marie Curie Hà Nội đã truyền cảm hứng và "đánh thức" người lớn về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay. Với đề nghị ngừng thả bóng bay trong ngày khai giảng, cô học trò nhỏ đã không chỉ bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình trước một vấn đề nóng của xã hội mà còn thể hiện ý thức, trách nhiệm đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Bức thư của em đã nhận được sự hoan nghênh và biểu dương của Bộ GD&ĐT. Nhiều trường nhận được bức thư kêu gọi của Nguyệt Linh đã hồi đáp em về việc cân nhắc ngừng thả bóng bay. Bộ GD&ĐT mong muốn có nhiều hơn những ý tưởng tốt đẹp về bảo vệ môi trường của các em học sinh.

Lo mưa lũ, ngành giáo dục cho phép lùi khai giảng nếu chưa an toàn

Trước tình hình mưa lũ phức tạp do ảnh hưởng của hai áp thấp đã và đang tiếp tục gây mưa lớn tại nhiều địa phương, trước ngày khai giảng, Bộ GD&ĐT cũng đã có công điện khẩn gửi các sở GD&ĐT, trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm và các đơn vị trực thuộc Bộ tại các tỉnh, thành phố khu vực ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên về việc phòng, chống mưa bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Bộ G&ĐT yêu cầu các sở giáo dục, các trường học chủ động phòng chống mưa lũ, sạt lở. Trong điều kiện không đảm bảo an toàn có thể xem xét lùi ngày khai giảng năm học mới.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu giám đốc các sở, hiệu trưởng các trường trực tiếp chỉ đạo, điều động cán bộ, giáo viên tổ chức túc trực, kiểm tra sẵn sàng ứng phó và phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác ứng phó bão lũ. Nhà trường cũng cần lên phương án vệ sinh trường lớp, khắc phục hậu quả, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp cho khai giảng năm học mới, xem xét lùi ngày khai giảng nếu chưa an toàn.

Hòa Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh