THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:31

Học sinh bị thương tích, ngộ độc tại trường học: Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường

 

Các em học sinh ăn nhầm bột thông bồn cầu đang nằm điều trị tại bệnh viện.

 

Ngày 4/3/2019, 44 học sinh trường Tiểu học Bắc An (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đã phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc bột thông bồn cầu, nguyên nhân do một cô giáo trong trường đã mua 4 gói hóa chất thông tắc bồn cầu dạng viên để dưới gầm cầu thang trong trường. Tưởng nhầm là kẹo, một học sinh lớp 5 đã lấy ăn và chia cho nhiều học sinh khác cùng ăn. Vì sự bất cẩn của giáo viên này, 44 học sinh đã phải nhập viện, 32 em phải chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương để theo dõi. Rất may, do được cấp cứu kịp thời và sự phối hợp chuyên môn với Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhi T.Ư, các em đã dần ổn định sức khỏe. Đây không phải trường hợp trẻ nhỏ ăn nhầm bột thông bồn cầu đầu tiên. Tháng 7/2015, tại trường mầm non Đông Mai (Chỉ Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên) cũng đã xảy ra vụ ngộ độc do các em học sinh ăn nhầm hóa chất thông cống trong trường học, 5 em học sinh này bị ngộ độc nặng nên đều phải chuyển đến Bệnh viện Nhi TƯ để điều trị. Vào cuối tháng 4/2018, một cháu bé tại Hà Nội cũng đã phải nhập viện cấp cứu do ăn nhầm bột thông bồn cầu.

Ngày 2/3/2019, trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) tổ chức hội thi nấu ăn tại trường. Mặc dù nhà trường quy định học sinh chuẩn bị thức ăn ở nhà và mang đến trường trang trí, song một nhóm học sinh vẫn mang bếp gas mini đến trường để nấu ăn. Không kiểm soát chặt điều này, một học sinh đã bị bỏng do bình gas mini phát nổ. Giữa tháng 1/2019, gần 90 em học sinh trường Tiểu học Khánh Bình (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cũng phải nhập viện sau khi tham gia chương trình súc miệng bằng dung dịch fluor phòng ngừa sâu răng do nhà trường tổ chức. Sự việc đã được làm rõ, trong ngày thực hiện chương trình, cán bộ y tế trường học nghỉ nhưng lại bàn giao cho một cán bộ khác chưa được tập huấn. 2 cán bộ y tế khác của Trung tâm y tế huyện Trần Văn Thời cũng bị kỷ luật do xử lý ngộ độc sai quy trình và thiếu trách nhiệm trong công việc. Nguyên nhân được xác định do học sinh súc miệng bằng dung dịch fluor không đúng cách nên bị tác dụng phụ gây khó chịu, đau bụng, nôn ói.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến, vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh trong trường học thường xuyên được Sở GD&ĐT Hà Nội quán triệt đến từng nhà trường từ cấp mầm non đến THPT. Bên cạnh đó, nhà trường cần chủ động trang bị cho trẻ các kỹ năng, kiến thức về phòng chống tai nạn, thương tích, vui chơi an toàn, lồng ghép vào các tiết học và hoạt động ngoại khóa. Đồng thời, nhà trường cần tuyên truyền đến phụ huynh học sinh để phối hợp với nhà trường giáo dục, trang bị cho trẻ những kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích.

PGS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) nhận định, việc để trẻ ăn phải bột thông bồn cầu không phải hành động cố tình, nhưng qua đó thể hiện sự cẩu thả của người lớn. Bởi lứa tuổi học sinh tiểu học, các em thường hiếu động, tò mò và việc thiếu hiểu biết về những mối nguy hại quanh mình. Sự bất cẩn của cha mẹ, thầy cô trong nhiều trường hợp sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhỏ.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội, những sự vụ liên quan đến bạo lực học đường, tai nạn thương tích trong trường học xảy ra thời gian qua đều là những sự cố đau lòng. Dù ở cấp học nào thì vấn đề an toàn học đường đều được đặt lên hàng đầu. Thực tế cho thấy, việc giáo dục kỹ năng sống trong các nhà trường còn một số hạn chế, như: Đa phần là lồng ghép, tích hợp các môn học, chưa được xây dựng thành môn học riêng trong chương trình phổ thông nên việc thực hiện chưa thực sự mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết bị trong trường học mới chỉ đáp ứng nhu cầu giảng dạy kiến thức cho học sinh, chưa đáp ứng được hoạt động giáo dục kỹ năng sống.

Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, về phía gia đình, giáo dục kỹ năng sống dường như không được chú trọng vì các bậc phụ huynh đều rất bận rộn. Việc đáp ứng cho con đầy đủ về mặt vật chất, gửi con đến trường là chưa đủ và chưa tròn trách nhiệm. Bởi vì giáo dục kỹ năng sống không phải là bắt đầu từ khi con cái đến trường mà nó phải bắt đầu từ gia đình, ngay khi đứa trẻ đã biết nhận thức.

HÒA CÙ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh