THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:44

Học nghề - xu hướng mới của lao động trẻ

 

 - Ảnh 1Nghề Hàn học xong có việc làm ngay 

Đáng chú ý, tại tỉnh Lai Châu, tỷ lệ đăng ký dự thi chỉ xét tốt nghiệp THPT lên tới hơn 70%, một số tỉnh miền núi phía Bắc như: Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai tỷ lệ này cũng ở mức trên 50%… Tại một số tỉnh, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT học tiếp lên ĐH, CĐ chỉ chiếm khoảng 40%, số còn lại đi làm hoặc tham gia học nghề. Đây được xem là tỷ lệ học sinh THPT dự thi để xét công nhận tốt nghiệp cao nhất trong những năm trở lại đây.

Đánh giá về thực tế này, ông Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho rằng, các em chỉ đăng ký thi xét tốt nghiệp THPT nhưng không đăng ký thi ĐH là một xu hướng khá mới trong vài năm trở lại đây. Xu hướng này phản ánh thị trường lao động đang tạo ra nhiều nhiều hơn những cơ hội việc làm cho NLĐ, đặc biệt là lao động trẻ. “Tất nhiên, không phải NLĐ phải có bằng tốt nghiệp THPT thì mới có việc làm, nhưng đây cũng không phải là một xu hướng tích cực, mà chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt. Về lâu dài, trong thị trường lao động mới, NLĐ rất cần phải có trình độ và kiến thức, kỹ năng, vì vậy các em cần phải qua đào tạo một cách bài bản, dù ở một trình độ nào”, ông Trương Anh Dũng khuyến cáo.

Thực tế trong những năm qua, sau các kỳ thi tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghề, các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng ngay tại trường rất đông. Có những ngành nghề, học sinh sinh viên còn chưa học xong, doanh nghiệp đã đến đặt vấn đề tuyển dụng. Tại những buổi lễ tốt nghiệp, thường có từ 80 - 90% học sinh sinh viên được tuyển dụng ngay. Thậm chí, doanh nghiệp đến chậm còn không tuyển được lao động theo yêu cầu. Đây cũng là xu hướng có được dựa trên những chính sách về hướng nghiệp, phân luồng của Nhà nước qua đã phát huy hiệu quả. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ GD&ĐT và các địa phương, tập trung tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh THPT, THCS để các em có thêm những thông tin bổ ích trong việc lựa chọn con đường nghề nghiệp tương lai của mình, mà không chỉ vào ĐH mới là con đường duy nhất.

Hệ thống GDNN đã được Nhà nước đầu tư khá mạnh mẽ, các điều kiện bảo đảm chất lượng được nâng lên, chất lượng và hiệu quả của các trường nghề đã có khởi sắc rõ nét. Trong 2 năm vừa qua, tuyển sinh GDNN luôn đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. 6 tháng đầu năm 2019, hệ thống GDNN đã tuyển sinh học nghề khoảng 1.081 nghìn người, đạt 48% kế hoạch; trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 112 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 969 nghìn người. Cũng trong 6 tháng đầu năm, có khoảng 200 nghìn lao động nông thôn, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số... được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. 

 Theo ông Trương Anh Dũng, năm 2018, có tới 85% học sinh, sinh viên hệ thống GDNN ra trường có việc làm, thu nhập ổn định từ 6 triệu đồng/tháng trở lên. Thực tế trên cho thấy, nhu cầu của thị trường về lực lượng lao động có tay nghề đã tăng lên. Nhiều doanh nghiệp rất khan hiếm và khó tuyển dụng lao động có kỹ năng, tay nghề. Đây là một lực hút hấp dẫn đối với lao động trẻ tham gia vào GDNN trước khi bước vào thị trường lao động.

 Trong thời gian tới, hệ thống GDNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn hướng nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt những trường trung cấp, cao đẳng ở vùng khó khăn, công tác tuyển sinh còn nhiều hạn chế. Triển khai Nghị quyết số 617-NQ/BCSĐ ngày 28/12/2018 của Ban cán sự đảng Bộ LĐ-TB&XH về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2021 và định hướng đến năm 2030, ngành đã tích cực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng đòi hỏi cuộc CMCN 4.0; hoàn thành các thủ tục triển khai đào tạo thí điểm theo các chương trình chuyển giao từ CHLB Đức; rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN;…đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền tuyển sinh GDNN. Tăng cường tổ chức các hoạt động gắn kết GDNN với doanh nghiệp, việc làm bền vững năm 2019, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh