Học nghề Hàn điện phù hợp với lao động nông thôn
- Giáo dục nghề nghiệp
- 06:44 - 11/12/2021
Để tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân, nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn tai tỉnh Cao Bằng đã được mở, mang lại lợi ích thiết thực cho các địa phương trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có nghề hàn điện là một trong những nghề đào tạo phi nông nghiệp hiện nay đang thu hút khá nhiều lao động có nhu cầu theo học.
Tại một trong những lớp hàn điện sơ cấp được tổ chức tại trường Trung cấp Nghề của tỉnh Cao Bằng, sau 3 tháng học nghề, ai cũng phấn khởi khi kiến thức, tay nghề được nâng cao hơn trước rất nhiều. Anh Mai Mạnh Cửu, công nhân Công ty TNHH Thương mại Nhung Đối là một trong những học viên đã tham gia khóa đào tạo nghề phi nông nghiệp (hàn điện) cho biết, trước đây anh làm nghề hàn chủ yếu theo kinh nghiệm, tuy nhiên, qua lớp học, với sự hướng dẫn của giáo viên, anh đã biết thêm nhiều kiến thức mới để khi ra làm nghề cũng thuận tiện hơn với nhiều kỹ năng được áp dụng vào thực tiễn. Hầu hết các học viên như anh Cửu sau khi tốt nghiệp lớp đào tạo nghề trở về làm việc tại các xưởng cơ khí đều được đánh giá chất lượng tay nghề đạt khá cao.
Căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, hoạt động đào tạo nghề cũng có những điều chỉnh cho phù hợp. Năm 2019, Trường Trung cấp Nghề tỉnh đã hợp đồng mở lớp đào tạo nghề theo mô hình thí điểm cho lao động nông thôn với sự tham gia của 30 học viên dưới hình thức đào tạo trình độ sơ cấp nghề. Nắm bắt nhu cầu của thị trường và người lao động, nhà trường đã lựa chọn, xây dựng các modun học như chế tạo phôi hàn, hàn điện hồ quang tay, hàn điện MAG/MIG cơ bản Bên cạnh đó, trong quá trình học, cùng với việc được trang bị kiến thức, học viên đã được nhà trường tăng cường các giờ thực hành để sau khi hoàn thành khóa học có khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải thiện năng suất lao động. Những lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn như nghề hàn điện luôn thu hút đông đảo nhu cầu học của người lao động. Tỷ lệ học viên kết thúc khóa học có việc làm thường đạt trên 90%.
Có thể thấy, công tác xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm đã có những kết quả tích cực, tạo điều kiện cho người dân tại địa phương có việc làm và ổn định cuộc sống. Điều này góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trong độ tuổi lao động, từ đó cho thấy hiệu quả của Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được thể hiện rõ rệt và ngày càng được nâng cao trong việc thực hiện các mô hình sau học nghề.