Trao cơ hội, tạo tương lai từ dạy nghề thành công
- Bài thuốc hay
- 21:09 - 18/03/2015
Những chuyển biến tích cực
Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là tiền đề quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đưa kinh tế địa phương phát triển, trong thời gian qua, lãnh đạo các cấp, các ngành tỉnh Sóc Trăng luôn chú trọng đến công tác đào tạo nghề, trong đó, đặc biệt chú trọng đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Theo thống kê, số lao động có nhu cầu học nghề giai đoạn 2010 - 2014 là 53.871 người; nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp: 45.878 người (trong đó lao động qua đào tạo: 10.560 người). Quy mô đào tạo của 11 cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn là 11.065 người/năm. Tính đến nay, tỉnh đã tổ chức đào tạo cho lao động nông thôn được 51 nghề, trong đó có 25 nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp và 26 nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Đây là những kết quả khả quan cho thấy sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành địa phương nói chung và UBND tỉnh nói riêng trong việc chú trọng triển khai công tác đào tạo nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn.
Mô hình nuôi bò sữa phát triển mạnh ở Sóc Trăng (Ảnh K.V)
Các mô hình dạy nghề của tỉnh luôn gắn với giải quyết việc làm tại chỗ và hỗ trợ vốn vay tạo việc làm sau học nghề. Điển hình như các mô hình dạy nghề cho ngành nông nghiệp nuôi bò sữa, nuôi heo, nuôi ếch, nuôi cá lóc trong vèo, trồng nấm bào ngư, nấm rơm, trồng lúa năng suất cao… Qua khảo sát các mô hình trên, các lao động sau học nghề đã tổ chức sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả rất thiết thực; các hộ gia đình ở huyện Trần Đề tham gia học nghề kỹ thuật nuôi bò sữa được Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức đầu năm 2013 và 2014. Sau khi học nghề được nhà nước hỗ trợ vay 30 triệu đồng xây chuồng và mua bò về nuôi (trong đó 04 triệu đồng dùng để làm chuồng, tổ chức trồng cỏ nuôi bò, 26 triệu mua bò giống), thời gian cho vay là 3 năm với lãi suất 0,08% tháng. Hiện nay mô hình nuôi bò sữa được địa phương xem là mô hình xóa nghèo bền vững và được nhân rộng ra các huyện như Mỹ Tú (trong năm đã có 54 hộ vay vốn nuôi bò, mỗi hộ vay từ 32 đến 35 triệu đồng), Mỹ Xuyên (đã có 237 hộ được vay vốn nuôi bò mỗi hộ vay 30 triệu đồng), các chương trình này đạt hiệu quả tốt bà con rất phấn khởi…
Nuôi bò sữa tại huyện Long Phú (Sóc Trăng)
Bên cạnh dạy nghề, các hoạt động thí điểm mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Cụ thể, các hộ gia đình tại ấp Long Phước (xã Long Bình, thị xã Ngã Năm) tham gia học nghề chăn nuôi heo thịt, heo nái. Qua trao đổi với các hộ gia đình cho thấy trước khi chưa học lớp dạy nghề thì khi heo nuôi có bệnh phải mời cán bộ thú y đến chữa trị, mỗi đợt nuôi (khoảng 3,5 - 4 tháng) chi phí thuốc và trả công cho cán bộ thú y khoảng 200 ngàn đồng/con/đợt, nhưng từ khi tham gia học nghề đến nay các gia đình đã không phải tốn khoảng chi phí trên, ngoài ra còn nắm được kỹ thuật xây chuồng, biết phòng ngừa, chuẩn đoán bệnh, biết phối giống và tự chăm sóc gia súc, gia cầm của mình.
Thực hiện công tác tuyên truyền hiệu quả
Có thể nói, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng góp phần vào sự thành công của các chương trình đào tạo nghề. Việc tuyên truyền các chính sách về học nghề và việc làm; lợi ích của việc học nghề; tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn trước và sau khi học nghề giúp người lao động tự nhận thức và lựa chọn, tự nguyện đăng ký tham gia học nghề.
Thành công từ các chương trình đào tạo nghề của tỉnh đã phản ánh nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh nhà trong tương lai. Chủ trương phát triển nguồn nhân lực của tỉnh phải luôn đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu lao động trên mọi lĩnh vực.
Tuy gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các đề án, chương trình đào tạo nghề, nhưng với phương châm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, công tác đào tạo nghề tỉnh Sóc Trăng bước đầu đạt được kết quả tốt. Từ đó, tạo được chuyển biến cơ bản quan trọng trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và người lao động về vai trò quan trọng của dạy nghề và đào tạo nghề. Hiệu quả đào tạo nghề được nâng lên, người học nghề đã tiếp cận, phổ biến được kiến thức mới về lĩnh vực mình được đào tạo, tiếp cận được khoa học kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự hành nghề để kiếm sống từ đó nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, từ đó tạo dựng tương lai, ổn định cuộc sống.
Để các chương trình đào tạo nghề tiếp tục mang lại hiệu hiệu quả thiết thực, trong thời gian tới, các cấp, các ngành của tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ, khắc phục được những mặt yếu kém còn tồn tại trong quá trình triển khai các đề án, chương trình đào tạo nghề. Đồng thời rà soát lại từng khâu thực hiện và từng bước chỉnh đốn những mặt hạn chế còn tồn tại để công tác đào tạo nghề, dạy nghề cho người lao động nhằm mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa.