Học nghề để sớm quay lại thị trường lao động sau COVID-19
- Bài thuốc hay
- 02:19 - 17/06/2020
Theo Sở LĐ - TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, dẫn đến tạm ngừng kinh doanh, giải thể. Nhiều doanh nghiệp đã cho người lao động tạm nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, nhiều lao động tự do không có việc làm.
Số người lao động tại Thừa Thiên - Huế đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHTN tăng 103% so với cùng kỳ năm 2019. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 3.529 người với tổng số tiền chi là 50,815 tỷ đồng, trong đó có 66 người đề nghị được hỗ trợ học nghề, với số tiền chi là 254,7 triệu đồng.
Từ ngày 1/5/2020 đến nay, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hộ gia đình đã tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại, qua đó đã thu hút nhiều lao động quay lại làm việc; lao động tự do đã tích cực tìm kiếm việc làm, tạo thu nhập. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của nhiều đơn vị kinh doanh còn gặp khó khăn nên nhu cầu tuyển lao động còn hạn chế, ảnh hưởng đến công tác giải quyết việc làm của tỉnh.
Trước sức ép của thị trường lao động đang bị bó hẹp bởi dịch bệnh, đồng thời tranh thủ quảng thời gian chưa tìm được công việc mới, nhiều lao động đã chủ động đăng ký tham gia các khoá học nghề. Một mặt, họ mong muốn đa dạng, nâng cao kỹ năng tay nghề, qua đó tìm kiếm được công việc phù hợp, với nguồn thu nhập ổn định. Mặt khác, học để mở rộng thêm vốn kiến thức trong thời gian rỗi. Chị Ngô Phan Bảo Uyên (36 tuổi, trú TP. Huế) là một trường hợp như thế.
Trước ngày 15/3/2020, chị Uyên có thâm niên 10 năm làm nhân viên thu ngân, phục vụ nhà hàng tại khách sạn Hoàng Đế (TP. Huế). Khi dịch viêm đường hô cấp do virus SARS - CoV-2 gây ra (COVID-19) bùng phát và Chính phủ có các Chỉ thị về tạm dừng hoạt động kinh doanh một số dịch vụ không thiết yếu, chị Uyên cùng nhiều nhân viên khác được thông báo nghỉ việc. Trong thời gian vừa qua, giống nhiều lao động khác, chị Uyên đã tích cực đi tìm, nhưng vẫn chưa kiếm được vị trí việc làm mới phù hợp.
"Trong lúc đang rảnh vì chưa xin được việc làm mới; rồi khi làm hồ sơ đề nghị hưởng chế độ BHTN, tôi được các anh chị cán bộ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Thừa Thiên - Huế tư vấn, giới thiệu về các khoá học nghề ngắn hạn dành cho lao động BHTN. Nhận thấy khoá học về chế biến món ăn và vệ sinh an toàn thực phẩm khá thú vị và có thể mang lại nhiều điều bổ ích nên tôi quyết định đăng ký học", chị Ngô Phan Bảo Uyên tâm sự. Hiện, chị Uyên là 1 trong 25 học viên của lớp Kỹ thuật chế biến món ăn và vệ sinh an toàn thực phẩm, khoá 25 do Trung tâm Dịch vụ việc làm Thừa Thiên - Huế mở.
Tương tự chị Uyên, anh Võ Quang Vinh (34 tuổi, TP. Huế) cũng đã tham gia lớp học nói trên. Qua trao đổi, anh Vinh cho biết, trước đó anh tốt nghiệp Cao đẳng Dược và làm việc cho một công ty dược trong TP. HCM. Khi xảy ra dịch COVID-19, anh nghỉ việc và trở về quê hương. "Tôi là một người rất thích các món ăn, nhất là các món ăn truyền thống của Việt Nam, của Huế. Tham gia lớp học này, tôi vừa mong muốn được tìm hiểu cách thức chế biến chúng, đồng thời nếu có cơ hội, tôi cũng muốn trở thành đầu bếp trong một nhà hàng, khách sạn lớn", anh Vinh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên - Huế, bên cạnh khoản tiền hỗ trợ cho người lao động khi họ chưa kiếm được việc làm mới khi nghỉ việc chỗ cũ, bản chất của BHTN là trợ giúp người lao động trở lại thị trường lao động thông qua các hoạt động: tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ đào tạo nghề. Nhà nước thường xuyên tăng cường đầu tư để phát triển đào tạo nghề, có chính sách bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề cho người lao động nói chung, lao động hưởng BHTN nói riêng.
Ông Thông khẳng định, đào tạo nghề cho lao động là một nhiệm vụ đa mục tiêu, vừa nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, giải quyết việc làm, sớm đưa người lao động thất nghiệp trở lại thị trường lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho họ. Mặt khác, nó vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo, ổn định đời sống người dân.
Ông Lê Văn Quang, Phó trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên - Huế) cho biết, qua nắm bắt số liệu, hàng năm trên địa bàn tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 300 - 350 đối tượng lao động hưởng BHTN với nhiều ngành, nghề khác nhau, như: kỹ thuật chế biến món ăn, may công nghiệp, lái xe,…Sau khi kết thúc khoá học, người lao động đã nhanh chóng trở lại thị trường lao động và kiếm được vị trí việc làm ổn định với nguồn thu nhập tương xứng.
Chiều 16/6, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức lễ khai giảng lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng: "Kỹ năng chế biến món ăn và vệ sinh an toàn thực phẩm" khoá 25. Đây là lớp học về chế biến món ăn thứ 2 với 25 học viên dành đối tượng lao động BHTN do Trung tâm tổ chức sau dịch COVID-19. Khoá học kéo dài trong 2,5 tháng.
Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thừa Thiên - Huế, khoá học được xây dựng phù hợp với nhu cầu thực tế và trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về nghề, về Bộ Luật Lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình chế biến món ăn. Sau khi kết thúc khoá học, học viên có thể nhận biết được cách lựa chọn thực phẩm tươi và các phương pháp làm chín thực phẩm bảo đảm đủ chất dinh dưỡng; trình bày được các quy trình chế biến món ăn truyền thống Việt Nam, đãi tiệc thông dụng. Học viên cũng được trang bị kiến thức trình bày, trang trí món ăn; xây dựng được những thực đơn cho các món ăn theo yêu cầu của khách hàng.