THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:52

Thừa Thiên – Huế: Số lượng người lao động nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp tăng vọt

Thừa Thiên – Huế: Số lượng người lao động nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp tăng vọt - Ảnh 1.

Người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thừa Thiên - Huế (trụ sở chính số 12 Phan Chu Trinh, TP. Huế)

Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, tính đến hết quý I/2020, toàn tỉnh có 1.923  lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 30% so với cùng kỳ năm trước). Trung tâm đã giải quyết hồ sơ trợ cấp thất nghiệp cho 1.268 lao động đủ điều kiện với tổng số tiền hơn 19,176 tỷ đồng. Lao động nghỉ việc chủ yếu là do đơn vị giải thể, thay đổi cơ cấu tổ chức, thu hẹp sản xuất; do ảnh hưởng của dịch COVID -19.

Theo ông Thông, số lượng người lao động đến các địa điểm tiếp nhận thuộc đơn vị để nộp hờ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bắt đầu tăng mạnh từ tháng 3/2020. Riêng trong tháng 3 đã có 1.200 người nộp hồ sơ, tăng 150% so với tháng 2, trong đó lao động làm việc ở địa phương khác nộp hồ sơ chiếm 25%.

Căn cứ theo hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp, số lượng người lao động ở độ tuổi dưới 35 chiếm 63,1%, trong đó nữ chiếm 32,4%; lao động từ 35 tuổi trở lên chiếm 36,9%, trong đó nữ chiếm 20,5%. Người lao động không có bằng cấp chứng chỉ nộp hồ sơ chiếm số lượng nhất với 50,3%; có chứng nhận, chứng chỉ nghề chiếm 14,4%; trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp chiếm 12,7%; cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp chiếm 6,3%; trình độ đại học và sau đại học chiếm 16,3%.

Ngành làm việc của người lao động trước khi hưởng trợ cấp thất nghiệp chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống, giáo dục và đào tạo, vận tải, kho bãi, lao động làm việc tại doanh nghiệp nhỏ,…

Đến tháng 4/2020, số lượng người đăng ký hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tại Thừa Thiên – Huế đã tăng vọt, tăng 201% só với cùng kỳ tháng 3/2020. Tính đến ngày 18/4/2020, đã có 1.048 hồ sơ được nộp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thừa Thiên – Huế thông qua hệ thống bưu điện công ích và nộp trực tiếp tại các điểm tiếp nhận hồ sơ truyền thống. Đa số đều nghỉ việc chủ yếu vì lý do thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Cũng đến thời điểm này, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thừa Thiên – Huế đã tư vấn giới thiệu việc làm mới cho 2.834 lượt người đến nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp; số người được quyết định hỗ trợ học nghề là 55.

Thừa Thiên – Huế: Số lượng người lao động nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp tăng vọt - Ảnh 2.

Người lao động đến giao dịch hồ sơ phải đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19

Ông Thông cho biết, trước tình hình người lao động đến nộp hồ sơ ngày càng đông, Trung tâm đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể, từ ngày 1 – 15/4, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị đã tiến hành tiếp nhận hồ sơ thông qua đường bưu điện công ích và nộp trực tuyến. Trước và sau thời điểm 1 – 15/4, Trung tâm cũng yêu cầu người cầu người lao động khi đến giao dịch, nộp hồ sơ phải đeo khẩu trang đảm bảo an toàn. Tại các địa điểm nhận hồ sơ, Trung tâm cũng bố trí dung dịch rửa tay khô sát khuẩn và có người đo thân nhiệt tại khu vực cổng vào. Người lao động khi vào bên trong sẽ được bố trí sắp xếp để không tập trung quá 20 người trong phòng làm việc và đảm đảm khoảng cách 2m.

"Người lao động vẫn có thể nộp hồ sơ qua đường bưu điện và chúng tôi sẽ giải quyết nhanh nhất có thể khi hồ sơ bảo đảm đủ điều kiện. Trong khi đó, nếu đến giải quyết thủ tục trực tiếp tại các điểm tiếp nhận hồ sơ, chúng tôi mong người lao động sẽ thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19", ông Thông nói.


Doanh nghiệp nợ BHXH, người lao động điêu đứng

Phản ánh với phóng viên, chị N.P. H. N. (26 tuổi, TP. Huế) cho biết, hiện gia đình chị đang rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, khi cả 2 vợ chồng chị đều đang thất nghiệp. Chồng chị là lao động tự do nên khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID đã phải tạm dừng công việc không lương. Trong khi đó, bản thân chị đã nghỉ việc từ thời điểm trước Tết Nguyên đán 2020 vì bị chủ sử dụng lao động chậm tiền lương và tiền chế độ thai sản, phải gây sức ép liên tục mới được trả.

Mất việc làm, không có thu nhập dẫn đến thiếu hụt tiền chi tiêu sinh hoạt gia đình, mua sữa cho 2 con nhỏ (1gần 4 tuổi, 1 gần 1 tuổi), gia đình chị N. đã nhiều lần phải nhờ cha mẹ chồng, cha mẹ vợ "cứu viện".

Người lao động tố khách sạn Midtow Huế bảo hiểm xã hội của họ, khiến họ gặp nhiều khó khăn

Chị N. cho biết, trước khi nghỉ việc (tháng 1/2020) chị có thâm niên 7 năm làm nhân viên tại bộ phận Buồng phòng của khách sạn Midtow Huế (thuộc Công ty TNHH Thanh Trang, phường Phú Hội, TP. Huế), với tiền lương thoả thuận 5 triệu đồng/tháng. Tại thời điểm quyết định nghỉ việc, chị bị người sử dụng lao động nợ tiền lương tháng 11 và 12/2019 và 1 triệu tiền chế độ thai sản cùng nửa tháng làm việc của tháng 1/2020. Sau nhiều lần gây sức ép, trước Tết Nguyên đán 2020, chủ khách sạn Midtow Huế mới chịu thanh toán tiền lương tháng 11 và 1 triệu tiền thai sản cho chị N.; còn lương tháng 12 mới được trả gần đây, nhưng chị N. chỉ nhận được 3,5 trong tổng số 5 triệu đồng. "Họ nói là để trả tiền bảo hiểm xã hội", chị N. cho biết.

Điều đáng nói khách sạn Midtow Huế không chỉ thường xuyên nợ tiền lương, mà theo người lao động ở đây, chủ khách sạn còn chưa đóng tiền bảo hiểm cho họ trong suốt thời gian dài vừa qua; trong khi vẫn trừ tiền này vào lương hàng tháng của người lao động. "Vừa rồi tôi có đi nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp để có thêm đồng ra vào lúc khó khăn vì dịch bệnh này. Nhưng phía bảo hiểm thông báo không đủ điều kiện, do chủ sử dụng lao động của tôi đang nợ tiền bảo hiểm xã hội, không chốt sổ được", chị N. cho biết.

Tại thời điểm trước Tết Nguyên đán 2020, trả lời phóng viên, bà Đỗ Thị Xuân Thanh – Tổng Giám đốc khách sạn Midtow Huế cho biết, bản thân bà đang đi "xoay tiền" để có nguồn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Có lẽ, đây chỉ là lời hứa hảo có "bề dày" của bà chủ khách sạn này, bởi lẽ.

Theo ông Hà Quang Lộc – Chánh Văn phòng Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế, khách sạn Midtown Huế có tổng số lao động tính đến ngày 30/3/2020 là 35 người. Tổng quỹ tiền lương tham gia bảo hiểm xã hội là: 148.140.300 đồng; số tiền phát sinh tháng phải nộp là 47.404.919 đồng.

Tính đến tháng 3/2020, khách sạn Midtow Huế nợ tiền bảo hiểm xã hội 2.898.939.463 đồng ( tương ứng với số tháng nợ là 34 tháng). Theo Bảo hiểm xã hội Thừa Thiên – Huế, khách sạn này chỉ mới đóng bảo hiểm xã hội cho 35 người lao động đến hết tháng 6/2017 và đơn vị cố tình nợ kéo dài chưa chấp hành theo đúng quy định của luật BHXH.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, danh sách các đơn vị nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội từ 1 tháng trở lên của người lao động tại Thừa Thiên – Huế đã kéo dài lên vài trang A4. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nên việc chuyển nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN không kịp thời, dẫn đến nợ đọng. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp cố tình trốn đóng, thường xuyên nợ đọng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN dẫn đến nợ kéo dài, số tiền nợ lớn. Điều đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hàng vạn lao động trong việc đảm bảo các quyền lợi, các chế độ BHXH của người lao động đến tuổi nghỉ hưu, nghỉ ốm đau thai sản, nghỉ việc, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 này.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh