Học đại học hay học nghề?
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:32 - 12/07/2023
Nguyễn Nhật Minh (Gia Lộc, Hải Dương) đam mê lập trình từ nhỏ, học giỏi tự nhiên, kinh tế gia đình cũng dư dả, nên em đăng ký vào Đại học FPT để theo đuổi giấc mơ của mình.
Còn Quách Phương Nga lại có lựa chọn khác. Sinh ra và lớn lên ở vùng Mường Bi (Tân Lạc, Hòa Bình), kinh tế gia đình chỉ trông vào quả đồi trồng gần trăm cây bưởi ruột hồng và chăn nuôi cho nên Quách Phương Nga nói rằng, em đăng ký học cao đẳng nghề, thời gian học ngắn hơn học đại học, đỡ gánh nặng chi phí cho bố mẹ. Theo tìm hiểu, Phương Nga thấy rằng, học cao đẳng nghề thì cái lợi dễ thấy nhất là học nhanh, đi làm được ngay, thời gian đào tạo ngắn, tiết kiệm được thời gian và chi phí hơn so với học đại học. “Em thấy các anh chị khóa trước, nhiều người học đại học, có tấm bằng mà vẫn không tìm được việc làm đúng ngành học”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Quang Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Cao đẳng Hà Nội chia sẻ: Khác với đại học là tập trung nhiều vào lý thuyết với những kiến thức hàn lâm, chương trình đào tạo của Trường Cao đẳng Hà Nội cũng như các trường nghề khác thường sát với thực tế, chú trọng việc thực hành đến 70% thời lượng, tập trung dạy những kỹ năng, kiến thức chuyên môn gắn với thực tiễn, cung cấp cho sinh viên những kỹ năng để thuần thục công việc để sinh viên có thể đi làm được ngay sau khi tốt nghiệp.
Theo ông Thịnh, nếu thí sinhh nào muốn học nhanh, có việc làm sớm, ưa thích trải nghiệm, thực hành, không muốn học các kiến thức quá hàn lâm và kinh tế gia đình chưa được dư dả, thì con đường học nghề là lựa chọn phù hợp. Học nghề xong, cơ hội việc làm khá rộng mở, vì hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đang thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao.
Không phủ nhận rằng, tấm bằng đại học là một minh chứng tự hào cho trình độ học vấn của mỗi người. Tuy nhiên tấm bằng chỉ thực sự có ý nghĩa khi bạn vận dụng được những kiến thức để phát triển sự nghiệp, phục vụ cuộc sống.
Thực tế cho thấy, các nhà tuyển dụng hiện nay không quá coi trọng bằng đại học hay cao đẳng mà chủ yếu yêu cầu nghiệp vụ chuyên môn đáp ứng công việc thực tế, kỹ năng và tác phong làm việc chuyên nghiệp. Nghĩa là, năng lực thực sự mới là yếu tố quyết định đến việc nhân lực đó có được lựa chọn hay không chứ không phải tấm bằng mà bạn có.
Số liệu thống kê hàng năm của Tổng cục Thống kê và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, số người tốt nghiệp đại học trở lên thất nghiệp chiếm một tỷ lệ cao, hàng năm có hơn 400.000 sinh viên tốt nghiệp, có khoảng 1/2 không có việc làm.
Trong hàng ngàn ngành nghề ở Việt Nam hiện nay, không phải nghề nào cũng cần tới trình độ đại học. Đại học bây giờ không phải là con đường duy nhất, càng không phải là thước đo để đánh giá một con người. Dù bạn học đại học hay cao đẳng nghề, thì mục tiêu cuối cùng vẫn là học lấy một nghề để gắn bó lâu dài, phát triển sự nghiệp của mình, phục vụ cho cuộc sống.
Do vậy, quan trọng là các bạn trẻ xác định rõ mình muốn làm gì trong tương lai, khả năng của bản thân có thể đáp ứng đến đâu, kinh tế gia đình có thể chu cấp ngắn hạn hay dài hạn để chọn cấp học phù hợp với bản thân.
Một khi bạn có ước mơ, có khát vọng, có đam mê với một ngành nghề nào đó thì với lựa chọn đúng và quyết tâm học nghề thành thạo, chắc chắn bạn sẽ thành công.