Hoảng hồn với cuộc gọi lừa đảo và tờ lệnh bắt giam gửi qua đường bưu điện
- Pháp luật
- 23:24 - 25/04/2019
Tờ lệnh bắt tạm giam được gửi đến nhằm uy hiếp chị Hoa cùng thông tin về cuộc gọi của những kẻ lừa đảo.
Theo phản ánh của chị Hoàng Oanh (Biên Hòa, Đồng Nai), ngày 19/4 vừa qua, chị nhận được cuộc gọi từ một số máy lạ nghi ngờ thuộc về một đường dây lừa đảo.
Tự nhận mình là nhân viên của Bưu cục Biên Hòa, người bên phía đầu dây cho biết chị Oanh có thư mời triệu tập của toà án Đống Đa (Hà Nội). Sau khi đọc thông tin số tài khoản và số CMTND nhằm xác nhận đúng là chị Oanh, người này nói rằng chị đang nợ một ngân hàng ở Hà Nội với số tiền hơn 960 triệu đồng.
Quá bất ngờ trước thông tin trên, chị Oanh một mực khẳng định mình không hề liên quan đến khoản nợ. Trước phản ứng đó, người bên phía đầu dây đã đề nghị chuyển cuộc gọi của chị Oanh đến đường dây nóng của cơ quan Công an.
Lúc này, xuất hiện một nhân vật khác tên Minh, kẻ tự xưng mình là một thiếu tá Công an. Người này cho biết, chị Oanh có liên quan đến một đường dây rửa tiền và buôn bán ma tuý xuyên quốc gia từ Campuchia, Lào, Việt Nam, Singapore... và các quốc gia khác.
Phía đầu dây khẳng định chị đang mắc nợ ngân hàng Đông Á với số tiền 25 tỉ đồng, điều này đã được xác nhận bởi nhiều đồng phạm khác trong vụ án. Để gây thêm sức ép, nhóm đối tượng này đã gửi đến chị Oanh một tờ lệnh bắt tạm giam có chữ ký của chính kẻ tự xưng là thiếu tá công an.
Trước sự hoang mang của nạn nhân, nhóm người này yêu cầu chị Oanh hợp tác một cách thành khẩn bằng việc cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm,...trong trường hợp khẳng định mình vô tội. Khi liên hệ với một người thân đang làm trong ngành Công an, chị Oanh mới té ngửa khi biết rằng lệnh bắt giam này là giả và chị suýt trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo.
Chị Oanh chỉ là một trong vô vàn những nạn nhân của tình trạng lừa đảo đang ngày càng phổ biến. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và thiếu hiểu biết của nhiều người dân, những kẻ lừa đảo đã giả danh lực lượng thi hành pháp luật, từ đó bịa ra nhiều câu chuyện để uy hiếp nạn nhân nhằm tìm cách trục lợi.
Cơ quan chức năng ghi nhận ngày càng nhiều vụ việc lừa đảo trên mạng và đường dây qua điện thoại. Do vậy, người dân cần hết sức cảnh giác trước loại tội phạm này.
Thực tế cho thấy, trong nhiều vụ việc tương tự, kẻ xấu sẽ yêu cầu bị hại chuyển hết tiền cá nhân của mình vào tài khoản ngân hàng của chúng để phục vụ điều tra, chứng minh nguồn tiền trong sạch cùng với lời hứa hẹn sẽ gửi trả. Trong trường hợp nạn nhân cả tin, cung cấp thông tin cho kẻ giả danh lực lượng chức năng, nhóm người này sẽ ngay lập tức rút tiền và hủy số điện thoại
Tại hội nghị An ninh, an toàn thông tin 2019 vừa được tổ chức tại Hà Nội, theo nhận định của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), bọn tội phạm thường tập trung vào các hành vi như lừa đảo qua tin nhắn rác, tin nhắn trúng thưởng, giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen và gửi quà tặng về Việt Nam, giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản.
Do vậy, người dân cần hết sức cảnh giác trước loại tội phạm này. Trong trường hợp gặp phải những vụ việc khuất tất, đáng nghi, người dân cần liên lạc trực tiếp với những cá nhân, tổ chức có liên quan để xác thực thông tin, tuyệt đối không đưa thông tin cá nhân hay chuyển tiền cho những đối tượng không rõ lai lịch.
Khi phát hiện đối tượng có biểu hiện nghi vấn, người dân cần kịp thời trình báo với cơ quan Công an để xác minh, điều tra, xử lý, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc.