THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:46

Hoàn thiện thể chế, tháo bỏ rào cản, tạo môi trường đầu tư kinh doanh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ

Loại bỏ rào cản, tạo môi trường đầu tư kinh doanh

Về xây dựng pháp luật, Chính phủ đã nghe báo cáo, thảo luận về: tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh Quý II năm 2016; dự án Luật Đường sắt (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi);…

Phát biểu kết luận nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, nhất là Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật, trong đó đã ban hành 49/50 nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh; đồng thời hoan nghênh sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), các tổ chức, đoàn thể, các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan báo chí, truyền thông, chuyên gia, người dân đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, tâm huyết, trách nhiệm giúp các cơ quan chủ trì trong quá trình soạn thảo và hoàn thiện các văn bản pháp luật.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng thể chế, pháp luật, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm; bố trí cán bộ, phân công rõ người chủ trì, phối hợp, chịu trách nhiệm chính; yêu cầu Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ thường xuyên đôn đốc, đẩy nhanh thẩm tra văn bản; yêu cầu các Bộ ngành tăng cường bố trí cán bộ pháp chế; ưu tiên nội dung thảo luận xây dựng thể chế trong các cuộc họp giao ban định kỳ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh vừa phải bảo đảm tiến độ, vừa phải bảo đảm chất lượng các văn bản pháp luật. Trong xây dựng, ban hành các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, Thủ tướng yêu phải nghiêm túc thực hiện quan điểm doanh nghiệp được làm những việc mà pháp luật không cấm. Cắt giảm triệt để giấy phép con theo đúng tinh thần đổi mới của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; khẳng định, sự đổi mới này rất quan trọng đối với việc giải phóng sức sản xuất, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, loại bỏ tư duy cũ vốn đang kiềm chế sự phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Trong phiên họp trực tuyến với các địa phương về kinh tế - xã hội, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương đã nghe và thảo luận về: Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2016, những khó khăn, thách thức và một số kiến nghị, giải pháp thời gian tới; Báo cáo tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2016; Báo cáo về tình hình kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2016; Báo cáo đánh giá tác động, ảnh hưởng sự kiện Vương quốc Anh rời khỏi EU đến nền kinh tế Việt Nam;…

Tăng trưởng thấp, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; lãi suất tương đối ổn định và có xu hướng giảm; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định; huy động vốn đầu tư phát triển đạt nhiều kết quả tích cực; thu hút vốn FDI tăng cao hơn nhiều so với năm trước; phát triển doanh nghiệp có bước chuyển biến mạnh mẽ; các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực; an ninh chính trị và trật tự xã hội được bảo đảm;…

Tuy nhiên, nhiều thành viên Chính phủ, lãnh đạo địa phương cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, tình hình kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế phục hồi chậm; tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; lạm phát được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có khả năng tăng cao trở lại; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt thấp hơn mục tiêu đề ra; việc phòng chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái còn nhiều yếu kém; đời sống nhân dân ở các vùng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, vùng bị ô nhiễm môi trường biển, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn;…

Quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ, không tham nhũng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là phiên họp Chính phủ trực tuyến đầu tiên với các địa phương trên toàn quốc sau khi Chính phủ được kiện toàn; các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn, đề ra các giải pháp cần thiết phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016 mà Trung ương và Quốc hội đã giao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần chủ đạo mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nêu tại 2 phiên họp Chính phủ thường kỳ trước để các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện - Đó là quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển; Chính phủ trong sạch, liêm chính, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; hoạt động với tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, phải tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, người dân có thể làm những gì mà pháp luật không cấm. Tập trung hơn nữa cho công tác cải cách thể chế, xây dựng chính sách; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường minh bạch và trách nhiệm thực thi công vụ; hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho ở tất cả các ngành, lĩnh vực; tránh lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm trong xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện. Thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải chịu trách nhiệm giải quyết, không đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên; thực hiện tốt công tác phối hợp trong xử lý, giải quyết những vấn đề liên ngành, liên vùng.

Đẩy mạnh xã hội hóa trên các lĩnh vực; những gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm thay vì Nhà nước; coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong tăng trưởng, tạo việc làm cho người lao động.

“Tôi đề nghị các thành viên Chính phủ, chính quyền các cấp quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo nêu trên. Việc tăng cường kỷ luật kỷ cương phải được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách hàng đầu của Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, bộ, ngành, địa phương.”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Chủ động đổi mới trong chỉ đạo, điều hành để hoàn thành các mục tiêu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nhiệm vụ còn lại từ nay đến cuối năm là hết sức nặng nề; đòi hỏi từng địa phương, bộ ngành với tinh thần đổi mới, chủ động, năng động sáng tạo, tập trung chỉ đạo quyết liệt đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả lĩnh vực theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần chung là phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân, của các ngành các cấp và cộng đồng doanh nghiệp; kiên quyết không lùi bước trước khó khăn thách thức; phát huy dân chủ, năng động sáng tạo, tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính. Tăng cường kỷ luật kỷ cương, thượng tôn pháp luật gắn với phát huy dân chủ sẽ tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra, thanh tra, giám sát, thống kê, báo cáo. Có chế tài xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm ban hành chỉ thị về tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai, thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết tốt các vấn đề xã hội, tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh thông qua tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cả trước mắt và trong trung và dài hạn.

Tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, trong đó hết sức lưu ý rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật; ban hành các Nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; xóa triệt để giấy phép con.

Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và xã hội hóa, tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập. Coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, ưu tiên của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương trong năm 2016 và giai đoạn 2016-2020. Các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty có kế hoạch, lộ trình cụ thể đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành, trong đó thể hiện rõ chủ trương tăng tỷ lệ vốn bán ra, bán cả doanh nghiệp lãi cao, bán hết phần vốn nhà nước đối với doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ.

Hà Huy Linh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh