THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:58

Thủ tướng: Sử dụng minh bạch, hiệu quả tiền bồi thường của Formosa

 

Đề cập việc công bố kết luận về nguyên nhân cá chết bất thường dọc biển miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định,chúng ta đấu tranh có bài bản, khoa học, đảm bảo chứng lý nên Formosa đã phải nhận trách nhiệm và chấp nhận bồi thường. Thủ tướng cũng yêu cầu Formosa phải xử lý nghiêm sự cố này, cam kết không tái diễn và Chính phủ sẽ giám sát việc thực hiện các cam kết. “Nếu đơn vị tái diễn gây huỷ hoại môi trường thì phải xử lý nghiêm, kiên quyết đóng cửa. Phát triển kinh tế thì phải chú ý đến môi trường, không phải vì kinh tế, vì thu hút đầu tư mà bỏ qua môi trường, nhất là môi trường sống của người dân”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Kiến quyết đóng cửa nếu Formosa tái phạm..."

Về việc sử dụng khoản tiền 500 triệu USD phía Formosa đã cam kết đền bù thiệt hại do gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng tại miền Trung, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT xây dựng dự thảo chủ trương chính sách để cùng Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT để giải quyết, sử dụng cho các mục đích khác nhau.

Thủ tướng lưu ý chú trọng hỗ trợ theo hướng đầu tư cho chương trình đánh bắt xa bờ để mang lại hiệu quả dài lâu, bền vững hơn. “Khoản tiền này để giúp hạ lãi suất cho vay với người dân đầu tư tàu để đánh bắt xa bờ. Đồng thời tính toán phần để hỗ trợ trực tiếp cho những người dân bị thiệt hại qua sự cố”, Thủ tướng gợi ý và yêu cầu việc hỗ trợ cho ngư dân bao nhiêu, hỗ trợ đánh bắt xa bờ mức nào, cho quỹ bảo vệ môi trường bao nhiêu...  phải được công bố cụ thể, minh bạch nhằm sử dụng hiệu quả số tiền đó.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế  Nguyễn Văn Cao đề xuất, ngư dân đánh bắt gần bờ, thường nằm các xã ven biển do không có đất, không chuyển sang các hình thức sản xuất nông nghiệp khác. Vì vậy đề nghị Chính phủ có chính sách cho chuyển đổi sang đóng tàu để đánh bắt xa bờ hoặc tăng cường xuất khẩu lao động, tháo gỡ một phần khó khăn cho họ.

“Ngoài ngư dân, các cơ sở du lịch cũng ảnh hưởng lớn, nhiều nhà đầu tư mới xây dựng xong khách sạn, resort nhưng khách du lịch “sợ” không đến. Nên đề nghị ngị Chính phủ có chính sách tín dụng, giảm thuế giúp các nhà đầu tư vượt qua khó khăn, bởi nhiều cơ sở du lịch khách đăng ký nhưng đã huỷ hết từ lúc đó đến hết năm…”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất.

Hiện tượng cá chết hàng loạt xuất hiện vào ngày 6/4 gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Ngư dân 4 tỉnh lao đao vì cá biển không tiêu thụ được, hoặc bán với giá rẻ, không đủ bù chi phí đánh bắt.

Tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt tối 30/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định, với chứng cứ khoa học khách quan, chính xác, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng các bộ, ngành, và 4 địa phương khẳng định cá chết là do chất thải độc từ nhà máy Formasa Hà Tĩnh.

Ngày 28/6, Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường trên, công khai xin lỗi Chính phủ, nhân dân Việt Nam đồng thời cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, xử lý môi trường biển với số tiền 500 triệu USD, tương đương 11.500 tỷ đồng

Formosa cũng cam kết khắc phục các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo xử lý triệt để chất thải độc trước khi thải ra môi trường; không để tái diễn sự cố môi trường như vừa qua.

Đây là sự cố môi trường lớn nhất xảy ra ở Việt Nam. Số tiền 500 triệu USD cũng là khoản bồi thường chưa từng có.

Trước đó, Chính phủ cũng đã có một loạt biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân các tỉnh nhằm giảm thiểu khó khăn do thảm họa cá chết gây ra.

NGỌC ƯỚC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh