Nguồn tiền trong dân lớn nhưng lại rơi vào cá độ bóng đá, kinh doanh đa cấp
- Tây Y
- 13:43 - 02/07/2016
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên họp chiều 1/7.
Đặc biệt qua một loạt các vụ án cá độ bóng đá mùa Euro ở 5-6 tỉnh phía Bắc cho thấy, số tiền phát hiện lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy hậu quả rất phức tạp, gây ra tâm lý bất an.
“Rồi vấn đề kinh doanh đa cấp. Một công ty với lời chào mời hấp dẫn, lãi suất hời một tý mà lôi kéo được nhiều người dân tham gia, cả người dân ở vùng quê nghèo, vùng sâu vùng xa, Tây nguyên cũng có tình trạng này rồi…”, Bộ trưởng Tô Lâm đề cập.
Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị Chính phủ, các cơ quan tài chính, ngân hàng có biện pháp đánh giá, quản lý, huy động vốn trong nhân dân bởi tiềm lực trong dân cũng rất lớn. “Người ta không có điều kiện kinh doanh để sinh lời nhưng lại muốn tiết kiệm, tích luỹ, đóng góp cho xã hội. Chúng ta không đưa được nguồn tiền này vào hệ thống nhà nước mà lại để rơi vào tay của các tổ chức tội phạm rất đáng tiếc. Bên cạnh đó là tình trạng vỡ hụi, tín dụng đen gây bức xúc trong nhân dân”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Trao đổi về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết: Trước đây tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán chiếm khoảng 20% nhưng trong vài năm gần đây đã được duy trì ổn định ở mức 11-12%. “Đây là con số bình thường và không cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên Việt Nam là quốc gia đang phát triển, tốc độ tổng phương tiện thanh toán hàng năm tăng tương đối cao, dẫn đến số tiền mặt lưu thông trong nhân dân tăng cao”, ông Hưng lý giải.
Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước hiện đang triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, có các giải pháp cụ thể để tăng cường các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên việc thực hiện còn vướng ở vấn đề pháp lý, chẳng hạn Bộ luật dân sự quy định việc giao dịch nhà ở cho phép người dân dùng tiền mặt; bên cạnh đó là tập quán sử dụng tiền mặt trong nhân dân.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng đưa ra một số giải pháp cụ thể để giảm thiểu tác động tiêu cực từ tín dụng đen: Thứ nhất, đối với hệ thống ngân hàng cần mở các mạng lưới ngân hàng thương mại ở vùng sâu vùng xa. Thứ hai tới đây thị trường tài chính cần phát triển các công cụ để huy động vốn, giảm bớt các hoạt động tín dụng đen. Thứ ba là đẩy mạnh thực hiện các chương trình tài chính vĩ mô, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tiếp cận người nghèo, người thu nhập thấp để hỗ trợ họ tiết kiệm, sử dụng vốn vay…
Chỉ đạo về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, xử lý. “Tín dụng đen bây giờ hoành hành ở nông thôn, đặc biệt nó không chỉ liên quan một vài địa phương mà ảnh hưởng đến cả hệ thống, do đó các địa phương cần tăng cường rà soát, chú ý thêm”, Thủ tướng nêu rõ.