CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:31

Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu phát triển KT-XH là yêu cầu cấp thiết

Mặc dù chủ đề Hội thảo hẹp và chuyên sâu về hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, nhưng đã thu hút được sự quan tâm tham gia viết bài của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý. Hội thảo đã tập trung được 33 bài viết xoay quanh chủ đề hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở cả cấp quốc gia, cấp ngành và cấp địa phương.

GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá các chỉ tiêu, phương pháp tính giữa Trung ương và địa phương chưa nhất quán về số liệu

Phát biểu tại cuộc hội thảo, GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: "Hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là một bộ phận của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia trong điều kiện nền kinh tế thị trường, là cơ sở để Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, chiến lược, kế hoạch và lãnh đạo chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ".

 GS.TS Vương Đình Huệ cũng cho biết thêm: "Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia hiện hành được ban hành theo Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 2/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 02/2011/TT-BKHĐT ngày 10/01/2011 quy định về nội dung hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, danh mục và nội dung hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã. Theo đó, hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia được chia thành 21 nhóm với 350 mã chỉ tiêu. Quốc hội thông qua các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và quyết định các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm".

Quang cảnh Hội thảo

 

 Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hiện nay đã và đang bộc lộ nhiều bất cập. Ví dụ như đối với hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hiện vẫn còn thiếu các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế cũng như đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế như: Năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp - TFP, năng lực cạnh tranh quốc gia, chỉ số HDI, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ICOR của nhà nước, cơ cấu lao động...

Một số chỉ tiêu phương pháp tính giữa trung ương và địa phương chưa thống nhất, dẫn đến sự không nhất quán về số liệu. Bên cạnh đó, phương pháp tính một số chỉ tiêu chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, làm hạn chế khả năng so sánh chỉ tiêu của quốc gia với các quốc gia khác...

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đã tập trung đánh giá lại toàn bộ hệ thống các chỉ tiêu đang áp dụng hiện nay trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm, chỉ tiêu nào tiếp tục sử dụng; chỉ tiêu nào loại bỏ; chỉ tiêu nào không phù hợp với thông lệ quốc tế; chỉ tiêu nào cần bổ sung.

Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp cụ thể để xây dựng và tổ chức thực hiện hệ thống các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sẽ được ban hành như: Vị trí, vai trò của cơ quan kế hoạch, thống kê; phương pháp tính toán các chỉ tiêu; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành cơ quan có liên quan; việc theo dõi, rà soát và đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các chế tài xử lý những vi phạm trong việc cung cấp thông tin số liệu thống kê...

Đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho biết, các ý kiến trong buổi hội thảo này sẽ được chắt lọc, tiếp thu, đồng thời tiếp tục khảo sát thêm một số bộ, ngành địa phương để xin ý kiến tham vấn trước khi hoàn thiện báo cáo cuối cùng trình Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

B.D.S

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh