CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:49

Rút ngắn thời gian thông quan nông sản Việt Nam - Trung Quốc

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, do tác động của dịch Covid-19, thương mại nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc những tháng đầu năm nay đã giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để phòng chống dịch bệnh, hai bên đã tăng cường thắt chặt kiểm soát nên tốc độ thông quan hàng hóa rất chậm. Ngoài thương mại nông sản, các đoàn làm việc cấp cao giữa hai Bộ của hai nước cũng đang bị gián đoạn so với kế hoạch. Các hoạt động về mở cửa thêm các sản phẩm cũng như các hội chợ lớn về nông, lâm, thủy sản ở Trung Quốc đang bị gián đoạn.

Rút ngắn thời gian thông quan nông sản Việt Nam - Trung Quốc - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam.

Hiện Trung Quốc đã cấp phép xuất khẩu cho 9 mặt hàng rau quả của Việt Nam. Hai bên đang hoàn thiện thủ tục ký cấp phép thêm cho 8 mặt hàng nông sản. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam đã gửi hồ sơ sang phía Trung Quốc và đề nghị Đại sứ tiếp tục hỗ trợ tích cực để trong hoàn cảnh hiện nay chưa làm việc được trực tiếp thì có những hình thức trao đổi gián tiếp, thông qua online, văn bản giải quyết những vấn đề kỹ thuật, đáp ứng mong muốn chung của hai bên.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong muốn, những thủ tục hành chính làm sao được nhanh nhất để có thêm các nông sản Việt Nam được chính thức vào thị trường Trung Quốc. Từ đó, góp phần thúc đẩy thương mại hai chiều cũng như thúc đẩy nông nghiệp của hai bên.

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho biết, Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng và lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN, chiếm 25% tỷ trọng thương mại của Trung Quốc với ASEAN. Hai bên cần tăng cường hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chế biến sâu, thương mại điện tử để nâng cao nguồn thu cho nông dân. Do đó, Trung Quốc mong muốn nâng cao thương mại nông nghiệp giữa hai nước theo ngành nghề.

Với những khó khăn về thông quan hàng hóa, tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu những ngày gần đây, Đại sứ cho biết, Trung Quốc cũng rất coi trọng vấn đề này và tin tưởng chỉ mang tính tạm thời. Hai bên cùng nỗ lực sẽ vượt qua thời điểm khó khăn này.

Đại sứ Hùng Ba đồng ý quan điểm, một mặt nghiêm ngặt kiểm soát dịch bệnh, một mặt thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế. Hiện áp lực của Trung Quốc với tình hình dịch bệnh lây lan từ ngoài vào cũng như trong nước vẫn rất cao nên việc kiểm soát tại các cửa khẩu biên giới giữa Trung Quốc với các nước đều được thực hiện nghiêm ngặt.

Đại sứ Hùng Ba cho biết, ngành hải quan Trung Quốc cũng có nhiều biện pháp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Đại sứ đề xuất Việt Nam có thể mở rộng bãi xe hàng hóa để có đủ không gian điều phối xe đi lại; phân luồng, giảm sức ép tại các cửa khẩu như Tân Thanh, Hữu Nghị. Hàng hóa không nên tập trung vào một cửa khẩu mà có thể sử dụng đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường. Kênh đường sắt có nhiều ưu thế với sức chứa hàng hóa lớn, chi phí thấp.

Để nâng cao tính hiệu quả thông quan, Đại sứ đề xuất Việt Nam nên thực hiện kiểm soát bằng cách gắn chip điện tử vào các xe chuyển hàng. Các lái xe Việt Nam có thể khai báo điện tử. Hiện thời gian làm việc có hạn, trong khi thời gian khai báo sức khỏe chiếm khá lâu. Các lái xe có thể khai báo trước giờ để nâng cao hiệu quả hơn, tránh phải xếp hàng lâu do khai báo bằng giấy.

Đại sứ Hùng Ba cũng đề nghị Việt Nam tăng thêm các lối cho các xe đi vào, hiện Trung Quốc đang áp dụng đường xe là "3 nhập 3 vào" còn Việt Nam là "1 nhập 1 vào".

Trước những kiến nghị của Đại sứ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam sẽ phải làm tốt hơn những vấn đề từ sân bãi, quy trình kỹ thuật về thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin… để quá trình hải quan được thông quan nhanh nhất.

Bộ trưởng cũng kiến nghị với phía Trung Quốc kéo dài thời gian thông quan một số cửa khẩu vì hiện cá biệt một vài cửa khẩu thông quan 5 - 6 tiếng. Bên cạnh đó, hai bên cần đầu tư nguồn nhân lực bởi nếu thời gian thông quan kéo dài trong khi nguồn nhân lực các khâu của hai bên không đảm bảo thì vẫn chậm tiến độ. "Các cơ quan chuyên ngành, địa phương hai bên liên quan cần tiếp tục có sự kết hợp chặt chẽ, cố gắng tháo gỡ nhanh nhất những khó khăn tạm thời trước mắt, thúc đẩy thông thương về nông sản", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Trong thời gian qua, thương mại nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc có bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2019 đạt 2,21 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 1,65 tỷ USD (giảm 10,2%), nhập khẩu đạt 561,7 triệu USD (tăng 4,3%).

V.KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh