Hoãn phiên tòa xét xử vụ chạy thận khiến 8 người tử vong ở Hòa Bình
- Pháp luật
- 21:05 - 07/05/2018
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh Trí Thức Trẻ
Sáng 7/5, Tòa án Nhân dân thành phố Hòa Bình sẽ tiến hành xét xử sơ thẩm ba bị cáo liên quan đến sự cố chạy thận làm 8 người chết ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Theo đó, phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 11/5.
Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng đã khởi tố, truy tố với 3 bị can là Bùi Mạnh Quốc (sinh năm 1986, thường trú phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn xử lý nước Trâm Anh).
Trần Văn Sơn (sinh năm 1990, thường trú phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) - Cán bộ Phòng vật tư, trang thiết bị y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Hoàng Công Lương (sinh năm 1986, có hộ khẩu thường trú Quốc Oai, Hà Nội, ở xã Sủ Ngòi, thành phố Hoà Bình) là bác sỹ Khoa hồi sức tích cực – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Theo cáo trạng, các bị cáo Hoàng Công Lương và Trần Văn bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.” Bùi Mạnh Quốc bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người”.
Trước việc bị đưa ra xét xử, ngày 20/4, Hoàng Công Lương đã có tâm thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ cho rằng đã thực hiện công việc của mình "theo đúng quy trình chạy thận nhân tạo chu kỳ được Bộ Y tế ban hành năm 2014" và khi đã được bàn giao từ phòng Vật tư để sử dụng thì có nghĩa "nguồn nước đã đảm bảo an toàn".
Hoàng Công Lương mong muốn vụ án được xét xử công khai, đúng người, đúng tội.
"Bác sĩ phải chịu trách nhiệm về công tác khám chữa bệnh nếu bệnh nhân tử vong, nhưng không thể buộc chúng cháu phải gánh trách nhiệm không thuộc về chuyên môn, nghiệp vụ của mình" - bị cáo Lương viết trong tâm thư.
Do vậy, khi bị truy tố về "Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", Lương cảm thấy đau xót "vì hậu quả nghiêm trọng đó do những người có trách nhiệm gây ra, trách nhiệm đó không thuộc về mình".
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định không đủ căn cứ để xử lý về trách nhiệm hình sự các cá nhân trong Ban Giám đốc Bệnh viện là ông Trương Quý Dương (giám đốc BVĐK Hòa Bình), ông Hoàng Đình Khiếu (phó giám đốc BVĐK Hòa Bình), ông Trần Văn Thắng (trưởng phòng vật tư BVĐK Hòa Bình), ông Đỗ Anh Tuấn (GĐ công ty Thiên Sơn).
Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã có văn bản kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét xử lý về trách nhiệm hành chính đối với các cá nhân trên.
Sự cố chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình xảy ra sáng 29/5 khiến 8 người lần lượt tử vong. Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân do nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo không đảm bảo, các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình.
Ngày từ sáng sớm 7/5, khoảng 7h sáng đã có rất đông người thân của các bị cáo đã có mặt tại cổng TAND TP. Hoà Bình để làm các thủ tục vào phiên xét xử.
Tại phiên toà, bị cáo Hoàng Công Lương mặc sơ mi xanh, không bị còng tay, ngồi cùng hai bị cáo còn lại. Chủ tọa thẩm phán Nghiêm Hoài Anh công bố mở phiên toà, điểm danh các bị cáo, người liên quan, luật sư bào chữa cho những người liên quan vụ án.
Theo đó, bác sỹ Hoàng Công Lương có 4 luật sư bào chữa nhưng đều vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên toà. Luật sư của các bị cáo Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc cũng vắng mặt và có đơn xin hoãn. Khi được thẩm phán hỏi, cả 3 bị cáo đều không đồng ý toà xét xử khi vắng luật sư bào chữa.
Ông Trương Quý Dương - Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình thời điểm xảy ra vụ tai biến vắng mặt và có đơn đề nghị xử vắng mặt.
Sau cùng, Chủ tọa phiên tòa đã tuyên bố hoãn phiên tòa.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Cảnh báo bệnh tay chân miệng bùng phát mùa hè: cha mẹ cần biết gì?
Tay chân miệng – cơn ác mộng mùa hè của bé yêu nhà bạn? Đừng chủ quan! Bệnh có thể biến chứng nguy hiểm chỉ trong tích tắc. Cùng tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách...
5 tháng trước
Tin nên đọc