THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:19

Hoài niệm Tết quê

Quanh năm vắt kiệt sức mình, cuối năm nỗi nhớ Tết lại cuộn trào tâm can tôi những đêm mê ngủ. Nhớ lắm những cái Tết mà gia đình tôi còn đầy đủ ông bà, cha mẹ. Qua rằm tháng Chạp là cha đã nhắc chúng tôi lau dọn bàn thờ chuẩn bị cho ngày cúng ông Táo về trời. Đời người nông dân lam lũ, giàu hay nghèo, hàng xóm láng giềng của tôi ai ai cũng gắng tích trữ vài chục cân gạo nếp để gói bánh chưng, bánh tét.

Cuộc sống gia đình tôi tuy nghèo nhưng hạnh phúc chứa chan. Nhiều đêm cha thở dài rồi thì thầm với mẹ: Có ít tiền cha tích trữ trong rương định đầu năm mua lúa giống... Thôi thì mẹ lấy ra mua đồ Tết cho mấy đứa. Mẹ trầm tư: Cha mi tính răng thì tính. Ra năm không có giống lại đi mua chịu người ta à. Lại nữa, chừng ấy tiền răng mà đủ mua đồ cho bốn đứa. Giọng cha buồn tênh: Cha nói rứa, nhưng tùy mẹ mày thôi. Theo cha cứ mua lấy hai bộ, đứa lấy quần thì khỏi lấy áo. Tỵ nhau thì cho nó bốc thăm, chứ biết răng chừ... Rồi Tết cũng đến, chị em tôi có đồ mới nhưng đứa có áo thì áo rộng thùng thình, đứa được quần thì quần ngắn cũn cỡn. Thấy các con không hài lòng, mẹ quát mà mắt ngấn lệ: Áo rộng mặc được nhiều năm, đứa mô cũng mặc được. Quần ngắn để tụi bay chạy đỡ vướng. Đứa mô chê không mặc thì đưa tao, tao cho con dì Thủy hết. Nhắc đến dì Thủy, tôi lại thương dì. Dì là con út của ông bà ngoại tôi, dì cũng đông con, nghèo xơ xác. Vậy nhưng Tết đến thế nào dì cũng dành mấy đồng xu mới coong mừng tuổi để tụi tôi chơi đáo.

Ảnh minh họa

Thẳm sâu trong tâm khảm tôi là những cái Tết quê một đời mẹ cha cực nhọc. Năm nào cũng vậy, cứ gần Tết, việc đồng áng đã rỗi, chị em tôi lại cùng mẹ chạy chợ bán hàng. Tết quê lam lũ nhưng đầm ấm tình người. Sau ngày cúng ông Táo là làng trên xóm dưới xôn xao Tết. Thời gian này, Nhà nước chưa cấm đốt pháo nên pháo do dân làm cũng như pháo Nhà nước, pháo lậu tràn từ thành phố về tận các thôn làng. Tai nạn về pháo hầu như năm nào cũng có, làng nào cũng lãnh đủ. Lũ trẻ con chúng tôi thích nhất là các loại pháo tép, to gần bằng ngón tay út được kết thành dây, mỗi dây dài khoảng 50 đến 100 centimet, giá khoảng 5 - 6 đồng/ dây. Loại pháo tép này tụi nhỏ mua xong, châm lửa và cầm trên tay đốt cho nổ đì đùng tí tách...

Mấy ngày áp Tết, chợ quê lúc nào cũng đầy ắp người. Tranh Đông Hồ, câu đối Tết, quần áo mới trưng đầy các sạp chợ quê, người mua kẻ bán lao xao, hối hả... Làm ăn khó nhọc, túng bấn kiểu gì, cuối năm nhà nào cũng gắng mua thêm vài bộ câu đối Tết để treo song song trước bàn thờ tổ tiên. Nhà nào khá giả hơn thì mua thêm tranh Đông Hồ hoặc ảnh các vị lãnh tụ trong, ngoài nước về treo. Khoảng 25 - 27 tháng Chạp, các hợp tác xã bắt đầu mở kho lương thực và làm thịt lợn phân phối cho các nhà. Tùy theo năm, mỗi nhân khẩu có thể được vài ba cân gạo tẻ, vài ba lít dầu hỏa và 5 đến 7 lạng thịt lợn, thịt bò đón Tết.

Ảnh minh họa

Tết quê cũng là dịp để anh em ở xa quây quần đoàn tụ bên ông bà cha mẹ. Ngay từ chiều 30, hầu hết các nhà đều đun sẵn nồi nước thơm bằng các loại thảo dược trong vườn nhà và cho các thành viên trong gia đình tắm. Mẹ tôi nói làm như vậy là để đuổi hết cái xui rủi của năm cũ, đồng thời đón năm mới được may mắn bình an. Tối 30 Tết, mẹ tôi thế nào cũng nấu một nồi cháo kê mật để cúng giao thừa. Việc làm này được mẹ duy trì nhiều năm, nhưng bẵng đi một thời gian mẹ tôi không làm nữa. Tôi hỏi mẹ thì mẹ bảo, đầu năm ăn kê cả năm rắc rối như kê. Chị gái tôi kéo tôi vào góc nhà, cốc nhẹ vào đầu tôi rồi cười: Thầy mẹ nói rứa nhưng thực ra là nỏ có tiền mua kê, mua mật mô em! Thường thì sáng mồng Một cha tôi gọi mấy chị em tôi lại rồi mừng tuổi mỗi đứa vài đồng xu bằng nhôm còn mới. Mừng tuổi xong cha bảo hai anh em tôi đi nhà thờ họ và dặn hai chị gái đừng mò đến nhà ai trong sớm mồng Một. Làm ăn ngon lành thì không sao. Nhỡ may xui rủi họ đổ tội cho mình thì ân hận lắm.

Chúng tôi lớn lên, chị em mỗi người mỗi ngả. Đời sống kinh tế khó khăn, nhiều năm chị em tôi phải thay phiên nhau về Tết với cha mẹ vì chẳng có tiền tàu xe. Nhiều cái Tết nằm một mình trong phòng trọ nơi đất khách quê người, tôi cuộn tròn chăn và khóc rấm rứt từ đầu hôm đến sáng. Khóc cho cảnh thất nghiệp của mình thì ít, khóc vì thương cha nhớ mẹ thì nhiều... Trông cho cái Tết chóng qua để được đi làm kiếm thêm chút tiền, lại dành dụm gửi về biếu cha, biếu mẹ.

Sự nghiệp con cái chưa thành thì cha mẹ đã bỏ chúng tôi đi. Những cái Tết đi dọc cuộc đời chị em chúng tôi buồn dần vì thiếu cha thiếu mẹ... Giờ đây, mỗi dịp Tết đến Xuân về, trước mâm cơm đầy đủ sơn hào hải vị trong thời khắc thiêng liêng, tôi lại se thắt nghĩ về công lao dưỡng dục của các đấng sinh thành. Đã hàng trăm, hàng ngàn lần, ngày thường cũng như lễ Tết, tôi xót xa nhìn sâu vào di ảnh mẹ cha rồi gục khóc trước bàn thờ. Đi dọc cuộc đời, lòng dạ tôi luôn ngổn ngang trăm mối. Xuân về lại bồn chồn hoài niệm Tết quê.

BÙI LÂM ANH/ Lao động & Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
2 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh