THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:35

Hoài Đức (Hà Nội): Làng nghề miến Dương Liễu còn nhiều bất cập về ATVSLĐ

Có mặt tại xã Dương Liễu vào những ngày cuối năm, luôn là một khung cảnh sản xuất tấp nập chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp tết nguyên đán đang cận kề. Theo quan sát của chúng tôi dọc con đường làng la liệt các đống dong riềng, sắn được chở về chở sản xuất nằm vương vãi, bụi bẩn khắp các ngõ ngách trong xã.

Theo tìm hiểu, củ dong, sắn sau khi được vận chuyển về các xưởng thủ công, không cần qua khâu cọ rửa, được các công nhân múc từng sọt đổ thẳng vào máy xay, tạo ra loại bột dong đẫm nước có màu trắng đục. Loại bột này được đổ vào các bao tải, buộc kín rồi chất dọc đường làng ngõ xóm cho ráo nước. Sau đó, các tải bột sẽ được công nhân đem đổ vào các bể ngâm để lọc cặn bẩn và làm trắng màu. Toàn bộ lượng lớn nước thải, đất, bã thải dong riềng, sắn không qua xử lý được thải trực tiếp ra môi trường qua hệ thống mương thoát nước hai bên đường. Hàng ngày mùi hôi thôi bốc lên nồng nặc, nhất là mỗi khi xã vào mùa chế biến tinh bột, người dân đành sống chung cùng ô nhiễm.

Phương pháp sản xuất thủ công còn nhiều bất cập về ATVSLĐ ở làng nghề miến Dương Liễu

Chia sẻ với chúng tôi ông Nguyễn Văn H, thôn Đồng, xã Dương Liễu cho biết: “ Để hạn chế bụi, mùi hôi thối từ hệ thống mương nước thải bốc vào nhà, các hộ sống ven đường phải đóng cửa im ỉm suốt ngày; còn khi trời mưa, trục đường chính luôn nhầy nhụa bùn, đất do quá trình tập kết, vận chuyển dong riềng, sắn... gây ra. Thực trạng trên diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng ý thức bảo vệ môi trường chung của các hộ sản xuất vẫn còn rất kém”.

Bà Nguyễn Thị Ng, người dân xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức bức xúc nói: “Cả thôn, cả xã bị ô nhiễm khủng khiếp. Nước thải từ cống rãnh làng nghề xả trực tiếp ra ngoài, nhất là vào những ngày nắng to hoặc mưa thì bốc mùi hôi thối, khiến cuộc sống của người dân càng trở nên ngột ngạt, khó chịu”.

Hiện nay, toàn xã Dương Liễu có 168 hộ chế biến tinh bột (126 hộ chế biến tinh bột sắn, 42 hộ chế biến tinh bột dong riềng). Các hộ chế biến dong riềng tập trung nhiều ở các thôn: Đình Đàu, Thống Nhất, Đồng và 4 thôn vùng bãi, gồm: Me Táo, Mới, Hòa Hợp, Đồng Phú. Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Dương Liễu, mỗi ngày có khoảng 4 nghìn tấn dong riềng, sắn được đưa vào để chế biến tinh bột.

Hệ thống kênh mương ô nhiễm, đặc quánh chất thải

Tình trạng ô nhiễm môi trường do nghề chế biến tinh bột gây ra trên địa bàn xã Dương Liễu đang ở mức báo động, gây bức xúc cho người dân trong xã. Tuy nhiên, việc xử lý các hộ xả nước, đất, bã thải trực tiếp ra môi trường lại khó thực hiện vì chế biến tinh bột là một trong những nghề truyền thống của địa phương, chỉ sản xuất theo mùa vụ (từ tháng 10 năm trước đến hết tháng Hai âm lịch năm sau) và các hộ đều chế biến tại gia đình, do đất chật nên không đầu tư hệ thống xử lý nước, bã thải.

Chính vì thế mà nhiều năm qua, 100% số hộ chế biến tinh bột dong riềng vẫn xả thẳng ra kênh mương, nhiều hộ còn xả cả ra đường đi. Thực trạng này kéo dài khiến hệ thống kênh mương, thậm chí cả hồ điều hòa rộng hơn 4.000m2 của xã cũng luôn trong tình trạng tắc nghẽn, quá tải.

Các công đoạn sản xuất được thực hiện thủ công ngày trên đường làng, gây mất ATVSLĐ

Để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề của huyện Hoài Đức, cuối năm 2016, UBND TP Hà Nội đã chính thức đưa vào vận hành Nhà máy Xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà (đặt tại xã Dương Liễu) với công suất thiết kế 20.000m3/ngày - đêm. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, do lượng nước thải kèm theo bã thải, bùn đất đổ ra hệ thống mương quá lớn, thường xuyên gây tắc nghẽn dòng chảy, khiến việc xử lý chưa triệt để.

Thiết nghĩ, để giải quyết các bất cập về vấn đề ATVSLĐ các cơ quan chức năng của huyện Hoài Đức và TP Hà Nội cũng cần có những giải pháp căn cơ như: tuyên truyền, vận động nhân dân không xả rác thải, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường của hộ sản xuất kinh doanh, yêu cầu các hộ phải thực hiện việc thu gom chất thải ngay trong khu vực sản xuất, làm hố ga và lưới chắn rác để thu gom triệt để rác thải trong quá trình sản xuất, giảm thiểu tối đa việc xả thải chất thải và nước thải chưa qua xử lý ra hệ thống tiêu thoát nước chung, phát huy hiệu quả của Nhà máy Xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà. Có như thế thì mới mong nghề truyền thống mang lại lợi ích lâu dài, bền vững cho người dân nơi đây.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh