THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:47

Nỗi lo mất ATVSLĐ ở thủ phủ “đồng nát” Quan Độ

 

Trở lại thôn Quan Độ gần 1 năm sau khi vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra, cuộc sống của người dân nơi đây đã trở lại bình thường. Nhưng khi được hỏi về vụ nổ hồi đầu năm nhiều người dân cho biết, họ không thể quên cái đêm định mệnh ngày 3/1/2018. Khi cả làng đang chìm trong giấc ngủ thì những tiếng nổ lớn phát ra san phẳng nhiều ngôi nhà, lấy đi mạng sống của 2 em nhỏ và làm bị thương 8 người khác. Thảm kịch trên khiến cho cả ngôi làng vốn nổi danh với nghề thu gom phế liệu cả chục năm qua gặp một phen chao đảo.

Mỗi ngày vẫn có hàng chục xe tải đưa hàng về Quan Độ, với hàng trăm tấn phế liệu được phân loại, vẫn đang chờ tiến hành xử lý. Qua quan sát của chúng tôi, khắp các con đường, ngõ xóm trong làng đều là những bãi phế liệu từ những máy phát điện cũ hỏng, chiếc điều hòa, dây cáp điện đến những chiếc máy biến áp công suất lớn… Khi được mang tới Quan Độ dưới bàn tay người thợ sẽ được tháo ra những bộ phận riêng biệt. Những chi tiết còn tốt sẽ gom và bán lại, những thứ không dùng được sẽ gom thành sắt vụn.

 

Làng nghề Quan Độ vẫn đang phải đổi mặt với nhiều nguy cơ mất ATVSLĐ và ô nhiễm môi trường.


Anh Đặng Văn Giang, Trưởng thôn Quan Độ cho biết, cả thôn có gần 400 hộ dân thì quá nửa tham gia nghề "đồng nát" với hàng trăm doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Làng nghề đồng nát mang lại cuộc sống sung túc cho nhiều gia đình và cũng là kinh tế chủ lực của địa phương, thu hút số lượng lao động lớn làm việc. Tuy nhiên, nó cũng để lại nhiều hệ lụy về ATVSLĐ, ô nhiễm môi trường và rác thải.

Tại nhiều khu xưởng, hay ngay trên các con đường làng nhiều lao động nữ vẫn đang xử lý các loại dây cáp điện, cáp mạng internet, cáp truyền hình. Bằng cách "mổ"  hoặc dùng lửa đốt để lấy phần lõi đồng, còn phần vỏ nhựa giá trị thấp sẽ chất thành đống ven đường chờ tiêu hủy.  

Trong khi đó, các lao động nam thường tham gia các công việc như xử lý tái chế các mặt hàng máy móc điện tử, khoan cắt các mảng kim loại để lấy ra những chi tiết còn tốt. Tuy nhiên có một điểm chung, là đa phần các lao động tại đây đều không được trang bị đồ bảo hộ như quần áo, mũ, hay khẩu trang chuyên dụng trong quá trình làm việc.

 

Đa phần người lao động không được trang bị thiết bị bảo hộ  


Cũng theo người dân nơi đây, nghề thu mua và tái chế phế liệu đã khiến không ít người trong làng gặp tai nạn nghiêm trọng, bởi trước khi xảy ra vụ nổ kinh hoàng vào 3/1 thì đã từng có người tử vong vì xử lý bom mìn lấy sắt thép. Thi thoảng, người dân vẫn chứng kiến cảnh tai nạn khi lao động, trong quá trình mổ xẻ sắt vụn.

Khi được hỏi về vấn đề đảm bảo ATVSLĐ nhiều người lao động và chủ sử dụng lao động còn tỏ ra rất chủ quan, ông Quang -  một chủ cơ sơ thu mua phế liệu cho biết: “Các lao động tại đây đa số là làm tạm thời cho mình ngày nào biết ngày đấy- chứ không phải làm liên tục, nên cơ sở không trang bị bảo hộ lao động. Mà công việc trước giờ cũng không cần bảo hộ, cứ quần áo lao động bình thường là được, chỉ các công ty người ta mới cần đến các đồ bảo hộ đấy”.

Trong khi đó, những kho phế liệu nguy hiểm, ẩn chứa tử thần cứ nằm rải rác lẫn với khu dân cư. Bà Nga - một người làng Quan Độ cho biết, hơn ai hết người dân địa phương là người cảm nhận rõ ràng nhất về những rủi ro và nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường trầm trọng khi hàng nhìn tấn phế liệu, sắt thép hoen gỉ tàng trữ ngay tại gia đình. Tuy nhiên, do lợi nhuận cao nên nhiều chủ cơ sở bất chấp.

 

Cũng theo anh Đặng Văn Giang - Trưởng thôn Quan Độ, sau vụ nổ lớn hồi đầu năm, lực lượng chức năng địa phương cũng đã tiến hành đi kiểm tra xử lý các cơ sở kinh doanh phế liệu để phát hiện vật liệu nổ. Đến nay, các hộ gia đình tại đây cũng không còn thu mua các vật liệu có nguồn gốc quân sự gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân nữa. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn xuất hiện rất nhiều vật dụng gây nổ, cháy khác cũng được thu gom chất đầy các khu kho xưởng phế liệu.

Để không còn những thảm kịch từ những kho phế liệu đồng nát xảy ra như đã xảy ra như vụ nổ do cưa bom ở khu phế liệu tại Văn Phú (Hà Đông) tháng 3/2016 làm 5 người vô tội chết oan, 8 người bị thương, hàng chục ngôi nhà vỡ nát; vụ nổ kinh hoàng vào 3/1/2018  ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có những quy định chặt chẽ về điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh với các hộ làm nghề thu gon phế liệu, đồng thời các cấp ngành cần có sự kiểm tra theo dõi chặt chẽ hơn. Cần có những biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động và chủ sử dụng lao động trong làng nghề để họ tuân thủ và đảm bảo quy định về ATVSLĐ... như vậy mới có thể phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe người lao động.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh