THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:50

Hoa thiên lý

 

Trong nhà, ông Vinh chạc 70 tuổi, dáng người cao gầy, trong bộ quần áo dệt kim, ngoài mặc chiếc áo cánh bằng lụa màu mỡ gà, đứng cúi đầu, khom lưng, chắp tay làm lễ, miệng lầm rầm khấn vái trước bàn thờ, nơi có di ảnh chân dung Liệt sĩ Quang và tấm Bằng Tổ quốc ghi công đang chìm trong khói hương trầm lan tỏa. Đoạn ông Vinh quay lại nhìn mọi người, chậm rãi và từ tốn nói:

- Hôm nay, nhân ngày giỗ chú Quang. Tôi mời các cụ, các ông bà, anh chị em và con cháu hai bên gia đình nội ngoại, cùng đại diện các gia đình hàng xóm láng giềng thân thiết đến đây, để dự lễ và uống chén rượu mừng cho gia đình chúng tôi. Chợt ông Vinh lúng túng, dừng lại giây lát, như có ý muốn cải chính lại từ “mừng” không đúng chỗ. Rồi ông đưa tay lên đầu vuốt mái tóc bạc trắng, làm cho những nếp nhăn trên trán càng hằn sâu và ngước đôi mắt nhìn lên nóc nhà đã ám khói bụi thời gian ngả màu nâu bóng, như lục tìm những  kỷ niệm đã trôi về quá khứ xa xăm. Ông Vinh mỉm cười và trầm ngâm nói tiếp:

- Sự thể là như thế này, bấy giờ là đầu mùa hè 1965, tôi đang học Đại học năm thứ 2 ở Hà Nội, về nghỉ hè. Còn chú Vinh, đang ôn thi tốt nghiệp lớp 10 cuối cấp III, chú nổi tiếng là đẹp trai, thông minh, học giỏi, tính nết lại hiền lành, thật thà, chăm chỉ và ngoan ngoãn, nên được mọi người yêu mến. Nhất là bà mẹ của anh em tôi, luôn tự hào và hy vọng vào tương lai tốt đẹp của chú. Nhưng bỗng một tai họa bất ngờ giáng xuống đầu chú và gia đình chúng tôi, khi các bạn bè học sinh cùng lớp chú, tối tối kéo đến nhà tôi học nhóm, nhờ chú giúp đỡ kèm cặp ôn thi. Trong số đó có cô Kim, con gái đầu lòng của bà dì em gái kết nghĩa với bà mẹ tôi. Cô Kim vừa đẹp người, đẹp nết, khuôn mặt trái xoan, nước da trắng, đôi má lúc nào cũng ửng hồng, mái tóc đen buông dài óng ả, vừa chấm chiếc lưng ong uyển chuyển. Cô Kim như một đoá hoa khôi, được các chàng trai để mắt tới và thầm yêu trộm nhớ. Vì vậy, bà dì tôi rất tự hào, nhưng cũng rất lo xa những điều không tốt sẽ đến với cô. Nên bà thường nhắc nhở mẹ tôi và chú Quang phải quan tâm đến cô Kim hơn. Bà dì tôi còn dặn: “Nếu đêm nào phải học quá khuya, hoặc gặp trời mưa gió, cho cô Kim ngủ lại với bà chị gái”. Tôi cũng xin nói thêm: hồi đó trước cổng nhà tôi có trồng một dàn hoa thiên lý xanh tốt, lan rộng ra ngoài bờ ao, lại đúng dịp mùa hoa nở rộ, tỏa hương thơm ngan ngát khắp nhà. Mỗi tối cô Kim đến học, chú Quang thường hái mấy chùm hoa thiên lý to nhất, cài lên mái tóc cô và mỗi lần như thế, tôi lại bắt gặp ánh mắt chú nhìn cô rất khác lạ và cô cũng tỏ ra thích thú, yêu mến, thân thiết với chú hơn.

 

 

Tôi lớn hơn chú Quang mấy tuổi, có suy nghĩ chín chắn hơn, nên thấy hiện tượng của chú Quang và cô Kim như thế, thường lo xa chuyện: “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, nên đã mách bảo với mẹ tôi ý nghĩ của mình, liền bị bà mắng át đi: “Hai đứa chúng nó  còn trẻ con, đùa nhau cho vui, chứ làm gì có chuyện quan hệ yêu đương nam nữ mà lo”. Chỉ đến khi chú Quang báo tin với mẹ tôi: “Con đã trót dại, làm cho cô Kim có chửa, xin mẹ thương tình cho chúng con được lấy nhau”. Mẹ tôi mới kêu trời, ngã lăn ra đất, đau khổ vật vã, nhịn ăn mấy ngày liền. Từ đó, hai gia đình đã cắt đứt quan hệ tình cảm. Chú Quang và cô Kim liền bị nhà trường kỷ luật đuổi học, khai trừ khỏi Đoàn thanh niên, bạn bè xa lánh, hàng xóm chê cười. Cả hai người cùng lâm vào cảnh tuyệt vọng, định quyên sinh. Nhưng nhờ gia đình sớm phát hiện, kịp thời cứu chữa, nên qua khỏi. Rất may, đúng dịp địa phương có đợt tuyển quân, chú Quang xin vào bộ đội, đi Nam chiến đấu, rồi hy sinh. Còn cô Kim, cũng bỏ nhà ra đi từ đó không về, tôi chẳng hay tin tức và chưa một lần gặp lại.

Tôi năm nay đã ở cái tuổi gần đất xa trời, nếu tôi có mệnh hệ gì, phải ra đi là chuyện bình thường, không có gì phải băn khoăn suy nghĩ, vì dù sao tôi cũng đã có một đàn con cháu lo việc nối dõi tông đường. Lâu nay, tôi suy nghĩ chỉ thương chú Quang, không vợ, không con, khi hy sinh vẫn mang theo mối hận khổ đau  của mối tình đầu tuổi trẻ xốc nổi, trái ngang, dang dở và để lại trên đời giọt máu của mình còn chưa rõ hình hài. Rất may mắn cho gia đình tôi và cho chú Quang, vừa qua đã gặp được phúc đức lớn, hơn mọi bạc vàng của cải mang đến.  Ấy là tháng trước, nhờ ơn trời phật và phúc ấm tổ tiên, nhờ hương hồn thiêng liêng của chú Quang dẫn đường chỉ lối cho cháu Đức là con trai của chú, do mẹ Kim sinh ra, bị bỏ rơi và lưu lạc suốt 50 năm qua, nay tìm về gặp tôi, xin nhận bác cháu, anh em ruột thịt. Tôi xin giới thiệu và nhường lời cho cháu Đức đứng lên thưa chuyện tiếp.

Tất cả mọi người có mặt đều bất ngờ sửng sốt, cùng hân hoan đưa mắt nhìn theo cánh tay ông Vinh chỉ về phía cuối dãy bàn ghế kê giáp hiên nhà. Thấy một người đàn ông cỡ tuổi trung niên, dáng cao lớn, khỏe mạnh, khuôn mặt chữ điền giống di ảnh liệt sĩ Quang, da sạm nắng, đứng lên nhìn mọi người, cúi đầu chào lễ phép, giọng thật thà chất phác, nhưng rắn rỏi:

- Nhà cháu đang ở xã Quyết Tiến, liền kề xã đây. Hai vợ chồng chúng cháu đều là nông dân, có 2 đứa con, 1 trai và 1 gái. Tuy cuộc sống gia đình khó khăn vất vả, nhưng vợ chồng cháu vẫn luôn cố gắng nuôi dạy các con ăn học nên người. Từ nhỏ đến lớn, cháu chỉ biết có ông bố nuôi tên là Chung, mà cháu vẫn đinh ninh tin theo lời ông nói: “Là bố đẻ, còn mẹ con đã chết ngay sau khi sinh ra con, chẳng may bị bệnh sản hậu”. Bố nuôi cháu là thương binh hạng 1/4, cụt chân phải, từ thời chống Pháp, quê ở miền Nam, tập kết ra Bắc 1954, về an dưỡng ở Trại thương binh của tỉnh ta. Năm 1978, Nhà nước có chủ trương cho các thương binh nặng, theo nguyện vọng được về các địa phương an dưỡng dài hạn. Chẳng biết nghĩ sao, bố nuôi cháu lại xin về ở xã Quyết Tiến, gần với xã Thành Công này. Sau khi chuyển về, ông được địa phương tận tình giúp đỡ, chăm sóc theo đúng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trước tiên là: cấp đất thổ cư gần mặt đường, làm cho ngôi nhà ngói 4 gian để ở, về sau lại làm thêm cho một cái quán nhỏ để bán hàng vặt, có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, nuôi con trai ăn học.

Thương bố, cháu học hết cấp II, xin nghỉ ở nhà giúp làm ruộng, chăn nuôi. Tháng trước, bố nuôi cháu ốm nặng, biết mình tuổi cao sức yếu, không qua khỏi, ông mới kể hết cho cháu nghe rõ về lai lịch của cháu. Đó là: Tháng 6/1965, do vết thương cũ tái phát, ông phải tới bệnh viện thị xã điều trị. Tại đây, ông gặp một cô gái tuổi đời còn trẻ, ngồi ôm mặt khóc tức tưởi. Ông động lòng thương, quên mình đang bị vết thương cũ hành hạ, ông đến ngồi cạnh cô gái, động viên vỗ về an ủi. Cô gái thấy ông là một thương binh cụt chân phải, nói tiếng miền Nam, đáng tin cậy, nên đã kể hết về tình yêu dang dở, và hoàn cảnh khó khăn của mình. Hơn 1 tháng nay cô đã bỏ nhà ra đi không nơi nương tựa, đói khát cùng đường.

Cô xin làm việc không công cho một quán cơm bình dân, để có miếng ăn và tối có chỗ ngủ. Nhưng khi chủ quán biết cô đang bụng mang dạ chửa, không thể tiếp tục làm việc lâu dài, họ bắt cô đến bệnh viện phá thai, nếu không sẽ bị đuổi việc luôn. Cô được các bác sĩ thăm khám và kết luận, cái thai trong bụng giờ đã được 4 tháng tuổi, không thể tiến hành phá thai được nữa, nên khuyên cô về nghỉ ngơi, chờ ngày sinh con. Cô lại nghĩ đến bước đường cùng quyên sinh. Ông bố nuôi cháu vô cùng xúc động, chia sẻ và cảm thông, động viên cô gái hãy bình tĩnh, tìm cách giải quyết tốt nhất, vì tương lai lâu dài của hai mẹ con cô. Ông đã chủ động kể cho cô gái nghe về cuộc đời mình, mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống nhờ vào sự đùm bọc cưu mang của bà con cô bác, chịu bao nỗi cơ hàn, tủi nhục.

Cách mạng tháng Tám, ông tham gia vào cuộc khởi nghĩa và đi theo du kích, rồi làm thiếu sinh quân khi 12 tuổi. Ông bị thương trong chiến đấu, đến nay đã 32 tuổi, nhưng không có gia đình vợ con, sống nhờ vào chế độ chính sách của Nhà nước. Ngoài bị cụt chân  phải, ông còn bị thương nặng hơn ở bộ phận kín của người đàn ông, mất khả năng làm chồng. Nhưng không phải vì thế mà ông không có khát vọng làm cha, bao lâu nay ông thầm ao ước có một đứa con nuôi, để làm chỗ dựa khi tuổi về già. Ông bảo nếu cô gái đồng ý, sẽ nhận ông làm anh trai kết nghĩa, rồi theo ông về trại thương binh, cùng các thương binh nặng khác, các đồng đội thân thiết của ông, sống như một gia đình, hàng ngày cô phục vụ giúp đỡ họ những việc tùy theo khả năng của cô.

Ngược lại các thương binh nặng sẽ cưu mang cô đến lúc sinh nở, mẹ tròn con vuông, rồi cô sẽ trao lại đứa con mình cho ông nuôi dưỡng, còn cô sẽ tìm đường làm lại cuộc đời. Mọi việc diễn ra sau đó đều đúng với dự đoán của ông. Chỉ có điều, là khi trao đứa con trai mới sinh cho ông, người mẹ trẻ đã đưa cho ông tờ giấy viết tay xin được đặt tên con là Đức, nói rõ tên mẹ là Kim, tên cha là Quang, cùng quê quán. Đồng thời yêu cầu ông phải cam kết: “Chỉ đến khi ông sắp qua đời, mới được trao lại tờ giấy này cho thằng bé, và dặn nó không đi tìm mẹ, để giữ gìn sự ổn định về sau của  mẹ”. Nói đến đây, anh Đức rút từ túi áo ngực ra một tờ giấy có những dòng chữ viết tay bằng bút sắt màu mực tím, có chứng thực của Trại an dưỡng thương binh và ký xác nhận của chính quyền địa phương. Tuy lâu ngày, nhưng vẫn còn rõ nét, được cất kỹ trong một túi nilon nhỏ, cho mọi người xem. Đoạn anh gấp tờ giấy cẩn thận cất đi. Anh Đức nghẹn ngào:

- Ai đã từng sống cảnh ngộ trớ trêu như cháu, bị mang tiếng là đứa con rơi, con hoang, đứa con không hề biết cha mẹ mình là ai, sẽ thông cảm và hiểu được suy nghĩ của cháu lúc bấy giờ như phát điên lên khi biết rõ sự thật, cháu chỉ muốn gào thét lên kêu trời và chạy nhanh ra đường đi tìm bố mẹ đẻ, để hiểu rõ nguồn gốc dòng máu của mình. Nên sau khi chôn cất bố nuôi xong, cháu đã lập tức lên đây  hỏi thăm và tìm gặp bác Vinh. Bác nhận ra cháu ngay vì bác bảo cháu giống bố như đúc. Qua bác cháu biết tin bố đẻ cháu đã hy sinh, còn muốn biết tin về mẹ đẻ cháu phải hỏi thăm bên ngoại. Lập tức cháu đến bên ngoại, được biết, mẹ cháu sau đó đi làm công nhân đường sắt ở ga Hà Nội. Rồi lấy chồng, có hai đứa con trai, đã khôn lớn trưởng thành. Mẹ cháu và ông bố dượng giờ đều đã nghỉ hưu, gia đình tương đối khá giả, hiện ở Hà Nội.

Hôm cháu tìm đến nhà mẹ, cháu không thể ngờ thái độ của mẹ cháu, lúc đầu mừng rỡ, ngỡ ngàng, sau lại hốt hoảng, cố tình tỏ ra lạnh nhạt thờ ơ, coi cháu như người dưng nước lã. Chỉ đến khi tiễn cháu đến đầu hẻm, mẹ cháu mới nói: “Thông cảm cho hoàn cảnh của mẹ hiện nay, con đừng đến tìm mẹ nữa, nhớ không? Khi nào điều kiện cho phép mẹ sẽ đến tìm con. Đây là số tiền mẹ gửi làm quà cho các cháu ở nhà”. Cháu miễn cưỡng nhận số tiền mẹ cho cháu! Về đến nhà mở ra mới biết số tiền đó 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng). Cháu đã dùng số tiền này để sửa chữa ngôi nhà đang ở. Theo đề nghị của bác Vinh, cháu đã làm đơn đề nghị với các cấp chính quyền cho cháu được nhận là con đẻ của liệt sĩ Quang, nhưng cơ quan chức năng hướng dẫn cháu phải có đơn của mẹ Kim, có xác nhận của chính quyền địa phương, cơ quan tư pháp mới làm thủ tục đề nghị Nhà nước ra quyết định công nhận cháu là con trai liệt sĩ Quang hợp pháp. Cháu đã viết thư cho mẹ cháu nói rõ sự việc, nhưng vẫn không thấy mẹ cháu trả lời. Cháu sợ mẹ cháu không dám viết giấy nhận con, vì lo sợ ông chồng không thông cảm khi biết chuyện cũ.

Anh Đức vừa ngừng lời, chưa kịp ngồi xuống, đã thấy bát hương trên bàn thờ bốc cháy hết cả chân hương, khiến mọi người lo lắng hốt hoảng và xôn xao bàn tán. Bỗng cụ Bùi đã ngoài 90 tuổi đứng lên nói như reo vui:

- Bốc chân hương là điềm lành đấy. Như vậy linh hồn liệt sĩ Quang đã linh ứng, vui mừng với buổi đoàn tụ lịch sử có một không hai của gia đình ta. Tôi đề nghị thế này: từ hôm nay, ông trẻ Vinh hãy giao trách nhiệm thờ cúng ông trẻ Quang cho cháu Đức, còn  chuyện liên quan đến pháp luật sẽ giải quyết sau. Mọi người có đồng ý thê không?

Mọi người hiểu ra, vô cùng phấn khởi, ai cũng nhất trí với ý kiến cụ Bùi vừa nêu. Chờ mọi người ổn định trật tự, ông Vinh mới chậm rãi:

- Được các cụ cao niên trong họ chỉ giáo, nhà cháu xin làm theo. Sau buổi lễ giỗ hôm nay, bác giao cho cháu Đức được rước bát hương, Bằng Tổ quốc ghi công và di ảnh của bố cháu mang về nhà. Nhân đây, bác xin gửi lại cháu toàn bộ số tiền chế độ người thờ cúng liệt sĩ, mà bác đã nhận được bấy lâu nay, vẫn còn để trên bàn thờ, vì bác nghĩ đây là đồng tiền xương máu của bố cháu, để dành cho việc lớn của bố cháu sau này và bác vẫn nuôi hy vọng gia đình ta có ngày vui hôm nay, được trao lại số tiền chế độ chính sách này cho cháu.

Ông Vinh gọi anh Đức đến trước bàn thờ, rồi ông lấy ra bọc giấy báo cuốn như một viên gạch để trong một cái hộp bằng sắt kê dưới bát hương. Ông cẩn thận mở ra và giao lại số tiền tận tay cho người cháu, khiến mọi người xúc động ứa nước mắt.Bỗng có tiếng còi xe ô tô con ngoài cổng, cả nhà đều nhìn ra, thấy bà Kim đi vào. Tuy đã cao tuổi, nhưng nhờ mái tóc cắt ngắn vẫn đen nhánh và nước da trắng, bà lại mặc chiếc áo dài màu hoa thiên lý vàng xanh nhạt, ngoài khoác thêm chiếc áo len màu sữa, nên trông bà vẫn trẻ nhiều hơn so với tuổi. Bà Kim xách một chiếc làn nhựa đựng đồ lễ và mấy bó hương. Khi đi ngang qua nơi có giàn hoa thiên lý năm xưa, bà dừng lại giây lát, vẻ mặt sững sờ, rồi mới rảo bước đi nhanh vào nhà.

Theo sau bà, một người đàn ông đứng tuổi, mái tóc bạc trắng, mặc bộ comple đen, đi đôi dày đen, nét mặt rạng rỡ, tươi cười, từ xa đã chào hỏi mọi người, thể hiện một phong cách lịch sự, hào hoa và viên mãn. Mọi người cùng đoán chắc đây là chồng bà Kim, nên vội vàng đứng dậy đón tiếp niềm nở chào hỏi. Sự xuất hiện của vợ chồng bà Kim khiến cả gia đình ông Vinh ngạc nhiên, hồi hộp. Chỉ đến khi vợ chồng ông bà Kim cùng nhau bước qua ngưỡng cửa, vào nhà, ghé tai nói nhỏ với ông Vinh, rồi sắp lễ đặt lên bàn thờ, trong đó có cả một đĩa hoa thiên lý tỏa hương thơm ngát, mọi người mới hiểu ra. Sau khi vợ chồng ông bà Kim làm lễ xong, ông chồng bà Kim mới quay lại, cười rất tươi nhìn mọi người và nói:

- Tên tôi là Thành, chồng bà Kim. Hôm nay, hay tin gia đình ông Vinh làm lễ giỗ và  nhận con trai của liệt sĩ Quang. Tôi đã tình cờ và may mắn được đọc lá thư của cháu Đức gửi cho mẹ đẻ. Tuy rất bất ngờ, nhưng suy nghĩ lại, tôi hoàn toàn thông cảm, khuyên bà Kim hãy làm tất cả những gì tốt đẹp nhất, để đền đáp công ơn của liệt sĩ Quang. Đây là đơn xin nhận con đẻ của bà Kim, có xác nhận của chính quyền địa phương, tôi xin giao lại cho cháu Đức, để làm cơ sở đề nghị Nhà nước xem xét ra quyết định công nhận là con của liệt sĩ Quang. Nhân đây tôi cũng xin đề nghị, chúng ta nên khép lại quá khứ, vì tương lai của các con cháu, cần nối lại tình cảm của ba gia đình chúng ta, trong ngôi nhà lớn của liệt sĩ Quang để lại, có đúng thế không ạ?.

Thay cho câu trả lời, ông Vinh giang tay ôm lấy vai ông Thành, bà Kim cũng chạy đến gục đầu lên vai anh Đức con trai bà. Đến đây mới thấy bà khóc nức nở, khiến nhiều người cảm động khóc theo. Phút chốc, ngôi nhà thấm đẫm những  giọt nước mắt hạnh phúc trong ngày đoàn viên.

Ngoài kia, đất trời dường như cũng đồng cảm, đổ nắng hanh vàng rực rỡ sáng cả mặt nước ao Nội, xua tan lớp sương mù đang theo làn gió thổi, lãng đãng bay xa.

Truyện ngắn Bùi Ngọc Quế

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh