Họa sỹ "chuyên" vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Văn hóa - Giải trí
- 13:02 - 12/11/2015
Người họa sỹ vẽ tranh Bác Hồ
Trần Xuân Phúc là người chưa từng qua trường lớp đào tạo về mỹ thuật. Sinh năm 1963, ở Thanh Hóa, anh gắn bó chủ yếu với làng quê, đồng ruộng. Năm 1981, anh nhập ngũ, công tác tại Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Sư đoàn 442, Quân khu 4. Rời quân đội, anh làm việc tại Công ty Chiếu bóng của Thanh Hóa. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, anh chưa từng xa rời cây cọ. Bố anh là họa sỹ Trần Vị, một trong số ít họa sỹ từng có dịp vẽ chân dung Bác.
Họa sỹ Trần Xuân Phúc
Quan sát cha vẽ hàng ngày, anh thuộc từng khóe mắt, nếp nhăn… của Bác và từ đó, hình ảnh về Bác luôn là đề tài thường trực trong tranh của anh. Họa sỹ Trần Xuân Phúc được biết đến là một nghệ sỹ vẽ nhiều và tài tình nhất về Bác Hồ, với khoảng 2.000 bức chân dung về Người. Nhiều bức được lưu giữ trong bảo tàng, các tòa nhà hành chính, các cơ quan, được sử dụng làm tặng phẩm cho các phái đoàn ngoại giao…
Từ khi còn nhỏ, anh có biệt tài nặn các loại củ, quả trông như thật. Nó thật đến nỗi, một lần bà nội anh trông thấy quả ớt cháu nặn, liền mang ra dầm… nước mắm. Đến khi mọi người trong nhà ăn phải, thì mới... ngã ngửa. Suốt giai đoạn niên thiếu, anh cũng vẽ nhiều bức tranh lớn nhỏ, nhưng không có điều kiện đem đi trưng bày. Năm 1997, anh cùng vợ con lên Hà Nội lập nghiệp.
Hàng ngày, anh vẫn cặm cụi ngồi vẽ trong căn nhà chặt chội ở khu tập thể Thành ủy, cần mẫn nhận vẽ cho các gallery, các công trình tôn giáo, thậm chí là các áp phích phim ảnh… để kiếm tiền. Tuy nhiên, ngoài hội họa, anh không bao giờ nghĩ sẽ dùng cách nào khác để mưu sinh.
Xông pha khắp chốn rừng thiêng, nước độc
Khi đã ở tuổi 52, Trần Xuân Phúc mới quyết định mở một cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên. Giải thích điều này, anh nói: “Tôi là người cầu toàn, nên có gì không ưng ý là làm lại đến khi nào hài lòng mới thôi”. Mới hôm trước, anh còn tự tay bắc thang chỉnh từng bóng đèn, lo từng thiết bị âm thanh, ngồi lựa chọn ra từng bức tranh để trưng bày. Triển lãm lần này là dịp anh trưng bày những chân dung Bác Hồ mà anh tâm đắc, vừa giới thiệu những “đứa con tinh thần” mà anh đã nỗ lực sáng tạo trong suốt mấy chục năm.
Tác phẩm “Nhà máy điện Yên Phụ -1963”
Bởi vậy, triển lãm không có tên, chỉ đơn giản là “Triển lãm của Trần Xuân Phúc”. Nếu chiêm ngưỡng những tác phẩm có thể thấy rõ ràng anh đi theo trường phái “cực thực” và “siêu thực”. Cực thực trong những bức tranh về con người, về cảnh vật làng quê, quê hương đất nước… siêu thực là trong những bức tranh về đề tài xã hội, phản ánh những tệ nạn, những thói xấu ở đời.
Nhìn khuôn mặt nhang nhác diễn viên, cái phong cách chỉn chu, có phần “bóng bẩy” của Trần Xuân Phúc không nghĩ anh cũng đã từng xông pha khắp nơi, cả vào những chốn rừng thiêng nước độc để sáng tác được một tác phẩm hội họa. Trong những chuyến vào Vườn quốc gia Cúc Phương, Vườn quốc gia Pù Mát… anh sống nhiều ngày trong rừng, cùng với bộ đội, bà con dân tộc để có được một bức tranh hoàn chỉnh.
Anh kể: “Tôi đã có lần đến với đồng bào Đan Lai ở Vườn quốc gia Pù Mát - một tộc người đang có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam. Ở đó, một em bé đến gần chạm vào tay tôi như thể tôi là một sinh vật hoàn toàn xa lạ. Cùng ăn, cùng lao động, sinh hoạt với họ, trèo đèo lội suối, ở rừng, uống nước mưa, tôi mới hiểu được tâm can của người dân nơi đây”. Chính việc được gặp những con người, những số phận như vậy, khiến anh tích lũy nhiều tư liệu để vẽ nên những tác phẩm nghệ thuật của mình. Ở tuổi 52, anh mới giới thiệu được tới công chúng những bức vẽ, âu cũng không phải là muộn.