Họa sĩ Trương Hán Minh: Rực rỡ sắc xuân trong tranh thủy mặc
- Văn hóa - Giải trí
- 22:54 - 18/02/2015
Hoa, điểu và sơn thủy hữu tình
Tôi quen họa sĩ Trương Hán Minh trong lần tham dự cuộc triển lãm tranh cá nhân lần thứ 18 của ông, tổ chức tại Hội Mỹ thuật TP số 218 A đường Pasteur (quận 3, TP Hồ Chí Minh) vào dịp đầu xuân Kỷ Sửu (2009).
Lần ấy, ông trưng bày rất nhiều họa phẩm về chủ đề “hoa, điểu” và “sơn thủy hữu tình”. Đó là những đề tài quen thuộc theo trường phái tranh thủy mặc Lĩnh Nam của Trung Hoa mà ông đang kế thừa, phát huy như một sở trường thật đắc dụng.
Trong không gian phòng tranh hôm ấy còn có nhiều bức tranh thể hiện những phong cảnh đẹp thơ mộng của Việt Nam mà ông từng đặt chân tới như: Rừng Sác (Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh), Sa Pa (Lào Cai), hồ Gươm (Hà Nội), thác Bản Giốc (Cao Bằng), Tam Nông (Đồng Tháp), Hà Tiên (Kiên Giang), phố cổ Hội An... rất ấn tượng.
Ngay từ lần đầu tiên chiêm ngưỡng những bức tranh thủy mặc về phong cảnh và hoa xuân rực rỡ sắc màu của ông, tôi đã bị mê hoặc bởi vẻ đẹp huyền ảo, thần thái sống động trong từng bức tranh.
Đó là những bức thủy mặc vừa phảng phất vẻ cổ điển Trung Hoa truyền thống, vừa mang yếu tố hội họa hiện đại đương thời của thế giới. Sau lần ấy, hễ biết ông tổ chức triển lãm tranh là tôi có mặt.
Họa sĩ Trương Hán Minh đang thực hiện một bức tranh về hoa.
Qua trò chuyện tôi được biết, ông vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có ai hoạt động nghệ thuật. Nhưng ông đã mê vẽ ngay từ nhỏ và khi đi học vẽ đã may mắn được thọ giáo với họa sĩ Lương Thiếu Hằng là một bậc thầy tranh thủy mặc theo phái Lĩnh Nam.
Đó là phái tranh thủy mặc kết hợp giữa truyền thống và cách tân theo phong cách hội họa hiện đại phương Tây. Chính với sự kết hợp nhuần nhuyễn này, tranh thủy mặc của họa sĩ Lương Thiếu Hằng rất được giới họa sĩ và người yêu hội họa đương thời ngưỡng mộ.
Họa sĩ Lương Thiếu Hằng chính là người sáng lập và làm hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Phương ở Chợ Lớn, nhằm mục đích quảng bá dòng tranh thủy mặc theo trường phái Lĩnh Nam.
Họa phẩm “Tùng hạc trường tuế nguyệt”.
Có năng khiếu bẩm sinh lại được thọ giáo với một họa sĩ bậc thầy như họa sĩ Lương Thiếu Hằng, nên ông sớm thành danh hơn những bạn đồng niên thời ấy.
Ông cho biết, cũng là bút lông (ngựa, chó sói, dê), nhưng người họa sĩ điêu luyện phải biết mỗi thể loại đề tài phải dùng một loại bút khác nhau cho thích hợp. Khi đặt bút vẽ phải thuần thục đạt tới mức cao siêu như Từ Bạch Thạch vẽ tôm và Từ Bi Hồng vẽ ngựa.
Theo ông trong tranh thủy mặc có 3 yếu tố cần chú trọng đó là: Hình, thần và ý. Hình là cái để người họa sĩ gửi gắm ý nghĩa tư tưởng, triết lý của bức tranh, còn thần cốt làm cho bức tranh sống động.
Một bức tranh thủy mặc được coi là hoàn chỉnh phải đạt được: Thi, thư, họa, ấn. Tất cả những yếu tố này phải hòa hợp với nhau trong tổng thể bức tranh thủy mặc.
Họa phẩm “Hân hân hướng vinh”.
Trong các loài hoa ông say mê vẽ như: Mẫu đơn, sen, mai, đào, cúc, có lẽ hoa mẫu đơn là loại hoa đem đến cho ông nhiều cung bậc cảm xúc sáng tạo nhất. Vì thế, hoa mẫu đơn xuất hiện trong tranh ông nhiều nhất, với nhiều bút pháp khác nhau thật lung linh rực rỡ và biến ảo.
Ông nói, hoa mẫu đơn là Quốc hoa của Trung Hoa, tượng trưng cho phú quý và có ý nghĩa “quốc sắc thiên hương”. Thường mỗi bức tranh về các loài hoa và phong cảnh “sơn thủy hữu tình” của mùa xuân, đều được ông đề thơ bằng chữ Hán viết theo phong cách thư pháp Trung Hoa như “rồng bay, phượng múa”.
Trong một bức tranh vẽ hoa mẫu đơn ông đề thơ: “Niên niên xứ xứ hữu xuân phong/ Khai xuất chi đào đệ nhất hương/ Hà chỉ Lạc Dương hoa như cẩm/ Phàm hoa đô tại đồ họa trung”.
Họa sĩ Trương Hán Minh với họa phẩm “Phú quý trường xuân”.
Dịch nghĩa tiếng Việt là: “Ở khắp nơi, hằng năm đều có gió xuân thổi đến/ Trong các loài hoa, hoa mẫu đơn là số một/ Có phải Lạc Dương mới có loài hoa đẹp này?/ Nhưng đâu chỉ ở Lạc Dương mà ở nơi đây (Sài Gòn – Chợ Lớn) cũng có”.
Ngay cạnh bài thơ là lạc khoản được thể hiện bằng thư pháp và dấu ấn (tên tác giả) đã làm nên sự hoàn chỉnh của một bức tranh thủy mặc hội đủ cả: Thi, thư, họa, ấn. Đó là một bức tranh vừa đẹp về hình, màu sắc vừa sống động về thần khí và sâu sắc giàu ý nghĩa trong tứ thơ.
Cảm hừng từ thi ca
Cũng như nhiều họa sĩ vẽ tranh thủy mặc khác, cảm hứng sáng tác đến với ông qua nhiều cửa ngõ của tâm hồn, trong đó có những tuyệt tác thi ca từ cổ chí kim. Có thể nói, thi ca là một trong những nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận trong tranh thủy mặc của ông.
Cổ nhân nói “thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” là vậy. Nhiều bức tranh thủy mặc của ông được vẽ từ cảm xúc của những bài thơ Đường nổi tiếng. Như bốn câu thơ: “Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên/ Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên/ Cô Tô thành ngoại Hàm San tự/ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”.
Dịch thơ là: “ Trăng tà tiếng quạ kêu sương/ Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ/ Thuyền ai đậu bến Cô Tô/ Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San”.
Bốn câu Đường thi đã gợi cảm xúc cho ông thể hiện tổng thể một bức tranh kỳ ảo, với từng mảng màu không gian như đang cùng chuyển dịch theo nhịp của thời gian.
Tính đến nay ông đã vẽ trên 5.000 bức tranh thủy mặc, trong đó số lượng tranh về đề tài thiên nhiên mùa xuân và cảm hứng từ những áng thơ hay viết về mùa xuân chiếm khá nhiều.
Đặc biệt, ông rất tâm đắc với bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên đã dành nhiều thời gian, tâm huyết của mình để thể hiện mỗi câu thơ của Người thành một bức tranh thủy mặc thật tuyệt.
“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên/ Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên/ Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lai, nguyệt mãn thuyền”.
Bốn câu thơ là bốn bức tranh thủy mặc được ông thể hiện theo bút pháp “điểm bút”, “phá mặc” vừa thực, vừa ảo với mây, núi, khói sương, rừng cây tràn đầy sức sống của mùa xuân bao phủ vạn vật đất trời, sông nước.
Ngoài bài thơ “Nguyên tiêu”, với bút pháp thư, họa kết hợp ông còn thể hiện nhiều bài thơ trong tập “Nhật ký trong tù” thành những bức tranh thủy mặc rất mãn nhãn người thưởng lãm.
Sinh năm 1951, tại Chợ Lớn, năm nay ông đã bước vào tuổi 64, nhưng sức sáng tạo nghệ thuật tranh thủy mặc của ông còn rất dồi dào bút lực. Năm nào cũng vậy cứ vào dịp xuân về, Tết đến họa sĩ Trương Hán Minh lại bận rộn với rất nhiều đơn đặt hàng của những người khách mê tranh thủy mặc và thư pháp của ông.
Đó thường là những bức tranh rực rỡ sắc xuân mà khách mua với hy vọng có một năm mới “phú quý trường xuân” an lành, may mắn nhiều tài, lộc.