THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 07:08

“Hỏa Lò 2” và những chuyện ít người biết

 

“Những cái nhất” buốt lòng

Với quy mô và sự quy tập khá lớn tù nhân, nhưng nhà tù Khe Tù không được nhiều người và nhiều thế hệ biết đến. Sau khi thực dân Pháp bị đánh đuổi, nhà tù Khe Tù nhanh chóng bị cỏ cây lấn lướt và thời gian phủ bụi. Tới nay người ta cũng không có một con số thống kê cụ thể về những người Việt Nam bị kết án lao khổ, những chiến sĩ cách mạng đã nằm lại nơi đây.

Đến những năm 40 của thế kỷ trước, với diễn biến thuận lợi của cách mạng thế giới, phong trào cách mạng trong nước phát triển hết sức rầm rộ, các nhà tù có tiếng thời đấy như Hỏa Lò (xây dựng năm 1896), Điện Biên (xây dựng năm 1901), Sơn La (xây dựng năm 1908)… đều không còn chỗ chứa, trữ tù nhân. Để có sự giải thoát cho vấn đề này cũng như tính toán cho một tầm chiến lược dài hạn của chiến tranh, sau khi khảo sát hết sức cặn kẽ và quy mô, thực dân Pháp đã quyết định chọn Tiên Yên để xây dựng một nhà tù với tên gọi: Khe Tù.Cùng với gót giầy, roi da và gậy gỗ rớm máu quất không thương tiếc, gần 6 năm sau, “Hỏa Lò 2” có tên Khe Tù bắt đầu được định hình. Nhiều chiến sĩ cách mạng, nhiều nhân chứng đã có thời chứng kiến sự hiện diện của nhà tù Khe Tù đến nay gặp, hỏi lại chuyện không thể không rùng mình bởi những đày đọa và hủy diệt đã diễn ra tại đây.

Cụ Lương Quốc Chung.

Cụ Lương Quốc Chung năm nay gần 90 tuổi, một trong những nhân chứng còn sống sót trong những lần thảm sát có quy mô mà thực dân Pháp đã thực hiện tại đây, cho biết: “Tôi đã tận mắt chứng kiến sự tàn sát, cảnh tra tấn, đánh đập... đến nay không thể nào nguôi ngoai.

Ngày ngày, từng đoàn xe phủ bạt nối đuôi nhau chở tù nhân vào. Tiếng kêu la, ai oán vang lên cùng tiếng súng và sự nâng lên, hạ xuống không mệt mỏi của các lưỡi dao chém. Tiếng la ngày một ít đi. Xe lại vào, ai oán, kêu la lại vang lên. Rồi lại dịu đi… Nghe tiếng kêu, đếm xe vào ra, người ta biết đã có vài trăm người bị hạ sát trong mỗi đợt”.

Một phần di tích nhà tù Khe Tù còn giữ được nguyên trạng.

Trong các hệ thống “căng” và nhà tù của Pháp xây dựng tại miền Bắc Việt Nam, nhà tù Khe Tù thời bấy giờ (và đến nay) vốn không nổi tiếng. Nhưng thực ra trong cái sự chìm lắng về tiếng tăm này thì nhà tù Khe Tù lại đang dẫn đầu những cái nhất mà ít nhà tù nào thời ấy có được. Nếu so sánh với nhà tù Hỏa Lò - nhà tù thuộc “đàn anh” do thực dân Pháp xây dựng thời ấy, hơn nhà tù Khe Tù đến gần 50 tuổi thì các dụng cụ tra tấn và “đầu tư” các vật dụng để hành quyết tù nhân của Hỏa Lò còn thua xa Khe Tù.

Thời ấy, để ngăn đe và xử tử các tù nhân “cứng đầu” với đầy đủ tội danh thì Hỏa Lò được trang bị 2 máy chém. Riêng Khe Tù, để đáp ứng với “công suất” chém và hủy tù thực dân Pháp bố trí tại đây đến… 4 máy chém. Các máy chém ở đây cũng được bố trí “khủng” hơn Hỏa Lò rất nhiều, mỗi máy chém được trang bị 1 dao chém có trọng lượng 80kg, dài 2m và dày đến 3cm.

Từ trong bốt canh này, súng nhả đạn vào rất nhiều tù nhân.

Khác với máy chém ở Hỏa Lò, được đặt kín đáo trong buồng xử thì máy chém ở nhà tù Khe Tù hầu như được bố trí lộ thiên, không cần xây tường che bao. Nối từ các máy chém này xuống sông Khe Tù là các máng xi măng. Nhiều chứng nhân ở nhà tù Khe Tù ngày ấy cho biết, vì “công suất” xử tử tù nhân ở nhà tù Khe Tù quá cao nên phải thiết kế như vậy thì máu của tù nhân mới có đường thoát xuống sông. Vào những ngày cao điểm xử trảm tù nhân, máu phạm nhân theo máng xi măng, chảy xuống sông Khe Tù loang đỏ một khúc sông.

Nỗi đau còn lại

Bước vào Quốc khánh - ngày Độc Lập của dân tộc, theo chân cụ Lương Quốc Chung, chúng tôi có hành trình ngược dốc, vượt cỏ để tìm lại những chứng tích một thời của nhà tù Khe Tù. Trầm tư bên bệ máy chém được làm bằng xi măng, có màu bã chè do máu những người dân vô tội và những chiến sĩ cách mạng bị xử trảm một thời lưu lại, cụ Chung ứa nước mắt.

Cụ Chung cho biết, đọc các tài liệu về những đối xử tệ bạc của thực dân Pháp với dân thường và chiến sĩ cách mạng những nơi khác tôi thấy nhà tù Khe Tù cũng kinh hoàng không kém. Phạm nhân về đây, sau khi được phân loại, thực dân Pháp đem 5 - 7 người tống vào một buồng giam chật chội và ít ánh sáng. Những người hoạt động cách mạng bị biệt giam, còn những người lao động khổ sai thì ngày chúng áp tải ra bến Tiên Yên bốc đá. Ăn uống kham khổ, thiếu thốn, lại thêm sự bạc đãi nên nhiều người đã chết trong khi làm việc.

Những cảnh tra tấn rùng rợn với các tù nhân ở nhà tù Khe Tù cũng không thua kém bất cứ nơi nào. Ngoài những đòn tra tấn đã được đưa vào “giáo trình” của sự tệ hại lúc bấy giờ như đục tay, bẻ răng, móc mắt... thì lính canh gác phạm nhân ở đây còn có trò tiêu khiển là lùa phạm nhân lên những triền đồi xung quanh nhà tù Khe Tù rồi dùng súng máy được bố trí ở các chốt canh nã đạn vào họ. Tiếng súng nổ cả tràng, tiếng tù nhân kêu la oán thán rồi tắt lịm là khoảnh khắc đầy ám ảnh mà những người già đã từng sống ở đây chứng kiến.

Một trong những bệ máy chém còn sót lại.

Bằng việc “đầu tư” tới 4 máy chém và rất nhiều súng máy nên nhà tù Khe Tù được mệnh danh là “nhà máy chém” lớn nhất lúc bấy giờ không chỉ ở Việt Nam mà còn cả cõi Đông Dương thời thuộc Pháp. Ông Hoàng Cương (tên thật là Nguyễn Văn Chuyên), một cựu tù may mắn còn sống trong một lần đào tẩu vượt ngục hiếm hoi cho biết: “Do nằm nơi thâm u, cách biệt với thế giới bên ngoài và nằm ngoài tầm kiểm soát như vậy nên thực tế Khe Tù là nơi thực dân Pháp dùng để tiêu hủy tù thì đúng hơn”.

Ngoài nhiều cái nhất như đã kể thì nhà tù Khe Tù còn nổi danh với tiếng từ “luống mồ” mà ít nhà tù hà khắc nào của thời ấy có được. Theo ông Dương Văn Quốc, một chiến sĩ du kích bị bắt, bị kết án rồi bị đầy ải vào đây cho biết: “Chả có nơi nào như nhà tù Khe Tù cả. Nơi khác, sau khi bị hành quyết, tù nhân còn được dành cho manh chiếu hay áo quan để chôn. Nơi này hầu như mọi người sau khi bị hành quyết đều không nhận được ân huệ ấy vì mức độ chém giết quá dã man”.

Vì số lượng tù nhân bị hành quyết và bị bắn trong ngày quá nhiều nên những tên cai ngục ngày ấy đã bắt tù nhân đào những luống đất nông toen hoẻn, dài như những giao thông hào. Sau khi hành quyết tù nhân xong, chúng lại sai người khiêng và lấy đất lấp lại. Người nối người cứ dài dặc và có đến cả vài chục “luống mồ” hết sức đặc biệt như vậy được hình thành. Không tên tuổi, không đánh số phạm nhân, người nối người, đất đai vùi vội đã đưa cả ngàn con người xấu số thành những nấm mộ vô danh.

Với ý nghĩa lịch sử to lớn, gần đây, cùng với khảo sát, thống kê và đánh giá, khu Di tích lịch sử Khe Tù đã được UBND tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định số 3922/QĐ-UBND, ngày 13/12/2011 xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Cùng với Quyết định này, khu Di tích nhà tù Khe Tù đã được đầu tư một phần.

ĐỨC TUYỀN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh