THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:05

Hoa hậu lừa đại gia, vận xui bám bầu Đức

 

Hoa hậu lừa đại gia đối diện án chung thân

Với hành vi bị cho là đã lợi dụng mối quan hệ với đại gia để lừa đảo, Hoa hậu người Việt tại Nga bị cáo buộc đã chiếm đoạt 16,5 tỷ đồng và đối diện mức án cao nhất lên đến tù chung thân.

Theo đó, VKSND TP.Hồ Chí Minh vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Trương Hồ Phương Nga (SN 1987, Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) và bạn của Nga là Nguyễn Đức Thùy Dung (SN 1989) cùng về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 12 đến 20 năm, tù chung thân.

 

Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga

 

Theo cáo trạng, Trương Hồ Phương Nga có mối quan hệ thân thiết với ông C.T.M. (ngụ quận 7, TP.Hồ Chí Minh). Ông M. là tổng giám đốc một số chuỗi công ty kinh doanh đa ngành nghề dịch vụ, cung ứng tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Biết ông M. là một đại gia, sau thời gian quen biết, Phương Nga nói với người này mình là hoa hậu nên có nhiều mối quan hệ, có thể mua nhà giá rẻ hơn giá thị trường. Tin tưởng, ông M. đã chuyển cho Nga 6 tỷ đồng để mua một căn nhà ở quận 5, TP.Hồ Chí Minh. Nhận tiền xong, Nga nói căn nhà trên đã bị bán và nói rằng có một căn khác ở quận 2, giá thị trường 20 tỷ đồng nhưng nếu Nga mua sẽ được giá 16,5 tỷ đồng.

Tin lời Hoa hậu, ông M. lại tiếp tục chuyển tiền để mua căn nhà ở quận 2. Sau đó, Nga không thực hiện thỏa thuận mà âm thầm làm giả nhiều giấy tờ mua bán một căn nhà trên đường Nguyễn Trãi (quận 1) rồi nói rằng căn nhà ở quận 2 "có vấn đề", nếu ông M. đồng ý thì mua căn nhà ở quận 1 với giá tương đương để thay thế. Lần này, ông M. lại đồng ý.

Thế nhưng, đợi mãi không mua được nhà ông M. liên hệ để hỏi cho rõ thì người đẹp này lẩn tránh rồi cắt đứt liên lạc. Ông M. đã tố cáo đến cơ quan công an. Hoa hậu Phương Nga đã bị bắt vào tháng 3/2015 khi đang lưu trú tại một căn hộ ở quận 2. Sau đó, Nguyễn Đức Thùy Dung cũng bị bắt giữ để làm rõ hành vi liên quan.

Cơ quan công tố xác định quá trình thực hiện hành vi lừa đảo, Nga đã được bạn thân là Nguyễn Đức Thùy Dung giúp sức làm giả nhiều giấy tờ nhằm chối bỏ khoản tiền 16,5 tỷ đồng nhận của vị đại gia.

Người mới thay ông Trần Bắc Hà lãnh đạo BIDV

Sau nhiều đồn đoán, ông Trần Bắc Hà vừa chính thức từ nhiệm vị trí Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) từ 1/9 để nghỉ hưu, việc điều hành ngân hàng được giao cho ông Trần Anh Tuấn.

BIDV công bố thông tin về thay đổi nhân sự cấp cao vào cuối ngày 1/9. Theo đó, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV nghỉ hưu, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 1/9. Cũng từ thời điểm này, ông Trần Anh Tuấn - Ủy viên HĐQT BIDV được bầu phụ trách điều hành hoạt động của ngân hàng.

 

Ông Trần Bắc Hà chính thức chia tay BIDV

 

Ông Trần Bắc Hà với hơn 35 năm gắn bó tại BIDV được xem là một linh hồn của ngân hàng. Ông còn là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), sang Lào (AVIL) và sang Myanmar (AVIM).

Ông Trần Anh Tuấn - người được HĐQT bầu để điều hành hoạt động của ngân hàng, sinh năm 1958. Ông gắn bó với BIDV từ năm 1981, từng là tổng giám đốc BIDV từ năm 2008 đến năm 2012, trước khi là thành viên HĐQT của ngân hàng.

Rẻ như mớ rau, cổ phiếu của bầu Đức còn không được giao dịch ký quỹ

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh vừa quyết định bổ sung danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Hai trong 3 doanh nghiệp nằm trong danh sách này là của ông Đoàn Nguyên Đức, gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG).

Nguyên nhân là do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm là số âm. Cụ thể, báo cáo của HAG ghi nhận khoản lỗ hơn 1.191 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2016. Lỗ sau thuế riêng cổ đông công ty mẹ hơn 862 tỷ đồng. Với HNG, khoản lỗ trước thuế cũng trên 500 tỷ.

Giao dịch ký quỹ (Margin Trading) trên thực tế là hoạt động cho phép nhà đầu tư vay tiền để mua chứng khoán. Cụ thể, nhà đầu tư mua cổ phiếu có sử dụng hạn mức tín dụng do công ty chứng khoán môi giới cấp. Hoạt động này được đảm bảo bằng khoản ứng trước bằng tiền hoặc thế chấp chính cổ phiếu được mua. Tuy nhiên, không phải tất cả chứng khoán đều được các nhà môi giới cung cấp dịch vụ margin, mà thông thường chỉ có danh sách giới hạn được chọn lựa.

Trong tuần qua, cổ phiếu HAG và HNG đều mất 7% thị giá. HAG từ mức 6.400 đồng/cổ phiếu xuống 6.000 đồng/cổ phiếu, HNG giảm từ 7.500 đồng/cổ phiếu xuống 7.000 đồng/cổ phiếu.

Hai cổ phiếu này giảm giá sau khi báo cáo tài chính soát xét bán niên công bố kết quả lỗ, và những vấn đề cần nhấn mạnh như khoản nợ 12.000 tỷ đồng phải thanh toán trong vòng 12 tháng tới, trong khi phương án tái cơ cấu nợ vẫn đang trong thời gian chờ đợi Chính phủ phê duyệt.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh