Hòa Bình: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
- Giáo dục nghề nghiệp
- 07:26 - 05/12/2021
Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã phê duyệt Phê duyệt Đề án “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” tỉnh Hòa Bình. Sau 10 năm thực hiện Đề án 1956 trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các địa phương đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các nguồn lực xã hội, các huyện, thành phố bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương trên 2 tỷ đồng/năm cho đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người học sau khi học nghề được giải quyết việc làm, tham gia sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập; nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo trở thành hộ khá. Tiến trình đó góp phần rất lớn vào chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khơi dậy hoạt động các làng nghề và tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: 07 Trường Cao đẳng (có 02 cơ sở tư thục, 06 trường đã hoạt động tuyển sinh, đào tạo; 01 trường đang trong giai đoạn đầu tư); 04 trường trung cấp (có 03 cơ sở tư thục, 03 trường đã hoạt động tuyển sinh, đào tạo; 01 trường đang trong giai đoạn đầu tư); 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên cấp huyện; 02 trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục; 01 doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã mở rộng quy mô đào tạo theo hướng đa ngành, đa nghề và sát với thực tiễn xã hội. Chuyển dạy nghề từ đào tạo theo năng lực sẵn có của các cơ sở dạy nghề sang đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động và xã hội, gắn đào tạo nghề với nhu cầu thị trường và người lao động. Nhiều nghề phi nông nghiệp như: điện tử, điện lạnh, may công nghiệp… những nghề này rất phù hợp với lao động nông thôn, kỹ thuật may tương đối đơn giản, ít công đoạn, người học nghề dễ tiết thu; mức thu nhập ổn định từ 4 đến 7 triệu đồng/người/tháng; các nghề phi nông nghiệp gắn với thế mạnh địa phương như: trồng, chế biến chè, trồng cây ăn quả, trồng rau an toàn… đã được tăng cường.
Với sự hỗ trợ đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề, tổng số lao động được đào tạo trong 10 năm qua là 51.207 lao động, kinh phí hỗ trợ người học trên 70 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 60 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 13 tỷ đồng. Nếu như năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh mới đạt 22,8% thì hết năm 2019 đạt 48,3% và năm 2020 ước đạt trên 50,5%. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 177.000 lao động, bình quân 16.000 lao động mỗi năm, trong đó, đã giải quyết việc làm cho 4.000 người thông qua xuất khẩu lao động; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%.
Năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo 56%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề khoảng 50,6%. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã xây dựng kế hoạch đào tạo cho từng giai đoạn cụ thể, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lao động của địa phương, gắn đào tạo nghề với công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Cơ cấu ngành nghề đào tạo sẽ giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo trong các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, thương mại, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động và các ngành nghề nông thôn, đảm bảo nguồn nhân lực có tay nghề, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian tới, cần tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của dạy nghề; Gắn việc đào tạo nghề với đầu ra tạo việc làm cho người lao động; Đổi mới và phát triển chương trình dạy nghề cho lao động theo hướng đáp ứng nhu cầu việc làm của thị trường; Quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên dạy nghề để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.