Hòa Bình: Bãi tập kết cát sỏi không giấy phép đe dọa hành lang sông Đà
- Pháp luật
- 21:36 - 28/06/2018
Mặc dù đã hết thời hạn hoạt động gần 1 năm, thế nhưng Bến Lâm Bình vãn ngang nhiên hoạt động
Theo phản ánh của người dân, bến Lâm Bình (bãi tập kết cát sỏi) của Cty CP đầu tư và xây dựng Lâm Bình (Cty Lâm Bình), hoạt động từ nhiều năm qua, gây ảnh hưởng đến dòng chảy sông Đà, uy hiếp hành lang đê điều cũng như giao thông đường thủy. Mặt khác, hàng trăm lượt xe trọng tải lớn của công ty này hoạt động ngày đêm đã gây bụi bẩn, ảnh hưởng đến đường giao thông và an toàn cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Hùng, một người dân ở đây cho biết, bến tạm này được công ty Lâm Bình thuê, mua lại đất nông nghiệp của người dân trong vùng, sau đó san lấp làm bến bãi từ nhiều năm nay. Hoạt động của bến Lâm Bình đã gây ra không ít phiền phức cho người dân trong vùng, bởi xe tải trọng lớn ngày nào cũng ra vào bến nườm nượp, đó là chưa kể tiếng ồn động cơ máy móc, mỹ quan đô thị.
Những bãi cát chất cao như núi tại Bến Lâm Bình
Ghi nhận thực tế của phóng viên tại bờ sông Đà khu vực tổ 17, P. Tân Hòa, TP. Hòa Bình, Bến Lâm Bình của Cty CP đầu tư và xây dựng Lâm Bình có diện tích khoảng 10.000m2 chạy dài theo những bãi cát, sỏi chất cao như những ngọn núi. Tại bến có băng chuyền dài hàng chục mét để chuyển cát, sỏi từ tàu vào bờ, đó là chưa kể máy xúc và các phương tiện khác. Chỉ trong vòng khoảng 15 phút, PV đã ghi nhận hàng chục lượt xe tải hạng nặng liên tục xuống bến để lấy cát, sỏi.
Đáng lưu ý, tại Bến Lâm Bình, khu vực mép sông đã được doanh nghiệp đổ đất lấp, lấn một đoạn dài sông Đà và có kè bê tông. Ghi nhận cho thấy, hàng ngàn m3 cát, sỏi được đơn vị này tập kết tại đây, từ đó vận chuyển về trạm bê tông để phân phối đi khắp nơi trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động của Bến Lâm Bình trong mùa mưa bão uy hiếp đến an toàn hành lang đê điều
Điều đáng quan ngại, đó là bến tạm này nằm sát mép sông, mặc dù đây là thời điểm mùa mưa bão, hành lang đê điều cần được bảo vệ, thế nhưng tại Bến Lâm Bình, hàng loạt máy móc công suất lớn vẫn hoạt động bình thường, đe dọa đến hành lang đê điều.
Để làm sáng tỏ vấn đề, PV đã có buổi làm việc với ông Trần Trung Hiếu, Chủ tịch UBND phường Tân Hòa, TP. Hòa Bình. Ông Hiếu cho biết, trước đây Công ty Lâm Bình đã đứng ra thuê đất của 30 hộ dân làm bến bãi tập kết và đến nay bến này đã hết thời hạn hoạt động. Từ năm 2017 đến nay, chính quyền địa phương cũng chưa lần nào xuống kiểm tra tại bến này. "Vừa qua UBND tỉnh Hòa Bình đã có chủ trương di dời các bến bãi tập kết cát, sỏi trên địa bàn phường, đến 30/6/2018 là hạn cuối để di dời, vì phường không có trong quy hoạch các bãi tập kết" -ông Hiếu thông tin.
Trả lời PV tại sao bến đã hết hạn nhưng vẫn hoạt động, ông Hiếu thừa nhận thiếu sót và cho biết sẽ cho lực lượng chức năng xuống kiểm tra bãi tập kết này.
Ông Trần Trung Hiếu, Chủ tịch UBND phường Tân Hòa, TP. Hòa Bình tại buổi làm việc với PV
Trước phản ánh của PV, ông Nguyễn Trần Anh, Phó GĐ Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cho biết, vừa qua UBND tỉnh đã yêu cầu các điểm tập kết di dời về điểm mới. Việc Công ty Lâm Bình tự thuê đất nông nghiệp của người dân để làm bến bãi là sai quy định, đồng thời cho biết Sở TN&MT sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý (nếu có sai phạm) đối với Bến Lâm Bình.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 10/6/2014, Bến Lâm Bình thuộc Cty CP đầu tư xây dựng và TM Lâm Bình được Cảng vụ đường thủy Nội địa Khu vực II cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa số 4715/GPBTNĐ. Vị trí bến từ Km 51+100 đến 51+160 bên bờ trái của sông Đà, thuộc tổ 17, phường Tân Hòa, TP. Hòa Bình. Với kết cấu, quy mô là bến tạm, có phạm vi là 8.987,4m2, dùng để bốc, xếp hàng hóa thông thường. Giấy phép hoạt động có thời hạn đến ngày 23/10/2017.
Hàng loạt phương tiện trọng tải lớn hoạt động tại bến
Như vậy, giấy phép hoạt động của Bến Lâm Bình đã hết thời hạn gần 1 năm nay, thế nhưng không hiểu vì sao, có được ai “bật đèn xanh, đèn đỏ” hay không mà đến nay bến này vẫn ngang nhiên hoạt động?
Liên quan đến vụ việc trên, báo điện tử Dân sinh nhận được đơn phản ánh của 3 hộ dân đang sinh sống tại tổ 17 phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) là ông Nguyễn Văn Vĩ có 439,70 m2 đất , ông Nguyễn Văn Phượng có 430,39 m2 đất, ông Nguyễn Văn Cứu 413,40 m2 đất phản ánh: Tháng 10 năm 2012, các hộ dân này cho cho Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và Thương mại Lâm Bình thuê đất để làm bãi tập trung cát sỏi, thời gian là 05 năm. Trước khi họ cho Công ty Lâm Bình thuê đất, 2 bên đều có hợp đồng đầy đủ và đưa ra các quy định chung "Trong thời gian thuê đất không được chuyển nhượng cho người thứ ba; không được xây dựng kiên cố công trình trên khu vực đã thuê; sau khi hết hợp đồng thuê đất phải trả lại nguyên vẹn hiện trạng ban đầu cho các hộ dân". Đến tháng 10/2017 thời hạn hợp đồng đã chấm dứt 03 hộ dân trên không cho Công ty Lâm Bình thuê nữa và đòi trả lại nguyên vẹn hiện trạng đất cũ để họ tiếp tục trồng hoa màu nhưng Công ty Lâm Bình chỉ trả lại diện tích đã thuê trên còn phần đất lối đi phía dưới bờ sông trước đây các hộ dân làm lối đi để lấy nước tưới phục vụ nông nghiệp thì Công ty Lâm Bình vẫn không hoàn trả lại lối đi vào ven bờ sông vào đất của các hộ dân trên. "Công ty Lâm Bình không hoàn trả lối đi từ ruộng ra bờ sông như trước đây chúng tôi vẫn sử dụng khiến cho việc trồng trọt hoa màu ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống khó khăn của chúng tôi" - đại diện các hộ dân bày tỏ. |
CÙNG CHUYÊN MỤC
Cảnh báo bệnh tay chân miệng bùng phát mùa hè: cha mẹ cần biết gì?
Tay chân miệng – cơn ác mộng mùa hè của bé yêu nhà bạn? Đừng chủ quan! Bệnh có thể biến chứng nguy hiểm chỉ trong tích tắc. Cùng tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách...
5 tháng trước
Tin nên đọc