THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 07:16

Hỗ trợ trẻ em ứng phó khẩn cấp trong đại dịch và sau phục hồi

Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến trẻ em trên nhiều khía cạnh

Chia sẻ tại hội thảo, bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến trẻ em trên nhiều khía cạnh như: Đe dọa sự sống còn của trẻ em (nhiều em bị mắc Covid-19 hoặc trở thành F1, F2...). Sự tiếp cận giáo dục chất lượng của trẻ em bị gián đoạn, đặc biệt là trẻ em ở lứa tuổi tiểu học, trẻ mới bước vào lớp 1 hay trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Trẻ khuyết tật đối diện với nhiều khó khăn hơn. Vấn đề an toàn của trẻ em, nguy cơ xâm hại bạo lực với trẻ em tăng cao, tai nạn thương tích cũng tăng lên do môi trường thiếu an toàn, cha mẹ thiếu kỹ năng, kiến thức....

Các diễn giả tham dự hội nghị trực tiếp.

Các diễn giả tham dự hội nghị trực tiếp.

Trước thực trạng đó, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành đã nhanh chóng triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ trẻ em trong đại dịch, đặc biệt đối với những em bị mồ côi mất cha, mẹ. Cùng với sự vào cuộc của Nhà nước, có rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã tích cực hỗ trợ trẻ em trong đại dịch Covid-19. “Khi các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những chính sách, biện pháp hỗ trợ trẻ em tức thì thì các doanh nghiệp cũng nhanh chóng đưa ra các chương trình để hỗ trợ trẻ em sớm nhất có thể”, bà Vũ Thị Kim Hoa nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD đặt vấn đề, liệu sự hỗ trợ ồ ạt tại thời điểm hiện tại, tuy rất đáng quý nhưng có lâu dài, có đáp ứng được đúng và hết các nhu cầu của trẻ? Liệu mọi sự trợ giúp, tuy là good-will – là với tinh thần rất tốt, rất mong muốn hướng thiện nhưng đã hiệu quả nhất chưa?

Đại diện Nhóm Công tác về quyền trẻ em, ông Lê Ngọc Bảo đưa ra khuyến nghị, sự đồng hành và hỗ trợ của các doanh nghiệp, mạnh thường quân tới trẻ em mồ côi nên được điều phối thật tốt để có thể hỗ trợ cho trẻ được chăm sóc trong môi trường gia đình. Những hỗ trợ này phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc của Công ước LHQ về Quyền trẻ em, Luật Trẻ em 2016 và các văn bản pháp lý khác có liên quan. Ngoài ra, sự hỗ trợ và đồng hành của các doanh nghiệp, mạnh thường quân trong việc nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em nói chung hoặc các chương trình tập huấn nâng cao năng lực cán bộ trẻ em, cán bộ công tác xã hội ở các địa phương cũng rất cần thiết.

Tập trung hỗ trợ trẻ em phục hồi sau đại dịch

Ông Phạm Trường Sơn, Phó chủ tịch Mạng lưới phi lợi nhuận miền Nam chia sẻ về thực trạng và những hoạt động hỗ trợ trẻ em của Mạng lưới. Ông Sơn cho hay, trong quá trình khảo sát, tìm hiểu thực tế hoàn cảnh của trẻ em tiếp xúc, có 2 nhiệm vụ chính: Một là ứng phó khẩn cấp trong bối cảnh đại dịch vẫn tiếp diễn, hai là phục hồi sau đại dịch. Thực tế nhiệm vụ thứ 2 quan trọng và cần thiết hơn vì điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống lâu và tương lai của các em. Các tổ chức xã hội đã có nhiều cách thức, hoạt động để thực hiện nhiệm vụ này, có thể kể đến như: Hỗ trợ tinh thần, tâm lý và vật chất cho trẻ em mồ côi, hỗ trợ nguồn sống, sinh kế cho gia đình. Mạng lưới ưu tiên hỗ trợ trẻ em tiếp tục sống với gia đình để được hưởng sự chăm sóc tốt nhất, khi gia đình có nguồn thu nhập thì họ sẽ bảo vệ được trẻ em.

Là một nhà giáo dục, doanh nhân tích cực trong các hoạt động hỗ trợ trẻ em, bà Tô Thuỵ Diễm Quyên, Chuyên gia giáo dục, Nhà sáng lập, CEO InnEdu cho biết: “Chúng tôi mong muốn có thể nỗ lực biến những tổn thương của trẻ em thành động lực của chính các em. Chúng tôi có 5 dự án trong cộng đồng để chạm đến tất cả nhu cầu của các em, để đảm bảo thành công và cuộc sống cho các con. Chúng ta không thể đem trẻ em thành món hàng chỉ để xin tiền hỗ trợ, đây không thể là phương án lâu dài. Nguyên tắc của thành công là chia sẻ, vì vậy tôi đề xuất Cục Trẻ em điều phối để thành lập mạng lưới các tổ chức xã hội để hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em và xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ các em.”

Ông Hoàng Đức Minh chia sẻ về hoạt động trách nhiệm xã hội của Ví điện tử MoMo. Về vấn đề vận động quyên góp, ông Minh nhấn mạnh: “Các nhà tài trợ hoặc cộng đồng nên tài trợ, đóng góp cho các tổ chức chuyên nghiệp, có tư cách pháp nhân hoặc nền tảng uy tín.”

Từ những đóng góp của các diễn giả, các đại biểu tại hội thảo nhất trí cho rằng, hỗ trợ trẻ em trong đại dịch Covid-19 đòi hỏi sự góp sức từ nhiều phía. Hướng đi tốt nhất đó là các cơ quan lập pháp cần nhanh chóng ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp. Doanh nghiệp góp công, góp của. Và đặc biệt, là sự quan tâm của người thân, gia đình đối với đời sống, tâm lý của trẻ...

VÂN KHÁNH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh