Hỗ trợ tối đa để người lao động sớm trở lại thị trường sau đại dịch
- Bài thuốc hay
- 18:12 - 20/05/2020
*Ông đánh giá như thế nào về tác động của dịch covid 19 đối với thị trường lao động tại Hà Nội?
- Dịch Covid 19 đã và đang ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, từ đời sống xã hội đến tình hình phát triển kinh tế cũng như thị trường lao động. Thực tế cho thấy nhu cầu sử dụng lao động của một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhất là giảm nhân lực tại một số doanh nghiệp nằm trong lĩnh vực Thương mại – Dịch vụ và Công nghiệp – Xây dựng.
Tính đến ngày 12/05/2020, Trung tâm DVVL Hà Nội đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố và khảo sát, thu thập được thông tin từ 698 doanh nghiệp về tác động do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Kết quả thu thập cho thấy nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó, có 257 doanh nghiệp cắt giảm lao động, 68 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Trong 257 doanh nghiệp cắt giảm lao động, có 179 doanh nghiệp bị ảnh hưởng hoạt động trong khu vực thương mại – dịch vụ; 71 doanh nghiệp hoạt động trong khu vực công nghiệp – xây dựng và còn lại hoạt động trong khu vực nông, lâm, thủy sản. Số doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm phần lớn tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội tập trung chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực Thương mại - Dịch vụ.
*Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã triển khai các hoạt động hỗ trợ lao động thất nghiệp như thế nào? Đặc biệt việc hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội được triển khai như thế nào?
- Trong quý I/2020 đã tiếp nhận hơn 12.000 hồ sơ của người lao động (NLĐ) đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp (TCTN), tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Thực hiện chỉ đạo của Sở, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội đã kịp thời thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho người lao động giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Công tác giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, an toàn và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Về việc hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động hưởng chính sách BHTN trên địa bàn Hà Nội, Trung tâm đã triển khai đảm bảo 100% người lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn về chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, quyền được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí và quyền được hỗ trợ học nghề miễn phí theo quy định. Bên cạnh chú trọng đảm bảo chất lượng giảng dạy các nghề sẵn có tại Trung tâm, Trung tâm DVVL còn liên hệ, phối hợp với các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhu cầu và khả năng để tạo nhiều cơ hội học nghề cho người lao động theo nhu cầu. Các ngành nghề đào tạo, cơ sở đào tạo đa dạng phong phú hơn đáp ứng được nhu cầu của người lao động và nhận được sự hài lòng từ phía người lao động. Đã có rất nhiều học viên sau khi hoàn thành khóa học ngoài việc đã tìm được việc làm mới hoặc đã tự mở được cửa hàng ăn, cà phê giải khát, làm bánh ngọt…vv… ổn định cuộc sống bản thân và gia đình.
*Nhiều ý kiến cho rằng công tác đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp hiện nay còn nhiều bất cập khiến người lao động vẫn chưa mặn mà tham gia học nghề sau khi thất nghiệp. Là đơn vị trực tiếp triển khai công tác này ông đánh giá như thế nào về ý kiến trên?
- Qua quan sát tôi thấy còn một số người lao động chưa thực sự quan tâm nhiều đến chính sách hỗ trợ học nghề sau khi thất nghiệp. Trong những năm qua, Trung tâm DVVL HN đã có những biện pháp để đảm bảo 100% lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn về chính sách hỗ trợ học nghề. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng lao động BHTN đăng ký học nghề còn chưa cao so với số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động hiện nay với mức hỗ trợ không quá 1 triệu đồng/tháng và thời gian không quá 6 tháng. Vì vậy, rất khó khăn cho các cơ sở dạy nghề tổ chức đào tạo những ngành nghề có tính chuyên môn cao, ngành nghề mà thị trường lao động đang thiếu, đang cần.
*Trước xu hướng thị trường lao động cần nguồn nhân lực chất lượng cao, theo ông, các bên liên quan cần làm gì để chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trở thành "giá đỡ" cho lao động thất nghiệp?
- Trước xu hướng thị trường lao động cần nguồn lực chất lượng cao, chính phủ nên xem xét ban hành chính sách để hỗ trợ người lao động được tham gia các khóa học dài hơn với mức hỗ trợ cao hơn để đáp ứng được nguyện vọng học nghề của người lao động thất nghiệp nhằm mục đích chuyển đổi nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
*Hiện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã và đang triển khai các giải pháp như thế nào để tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động, việc làm tại Hà Nội?
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp cùng với việc thực hiện các chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, UBND thành phố, Sở Lao động TBXH Hà Nội. Trung tâm DVVL Hà Nội đã chủ động xây dựng các phương án trong việc thu thập, cung cấp thông tin về thị trường lao động và kết nối việc làm theo hướng online để hỗ trợ đăng ký tuyển dụng cho các Doanh nghiệp, nhu cầu tìm việc làm của người lao động trên hệ thống Sàn GDVL Hà Nội bao gồm: Sàn chính tại 215 Trung Kính, và 14 Sàn, Điểm GDVL vệ tinh. Bằng các hình thức trực tiếp, gián tiếp và hệ thống phỏng vấn online, Website: vieclamhanoi.net, các trang fanpage, của Trung tâm, các Sàn, điểm GDVL vệ tinh… Kết quả tính đến hết tháng 4 / 2020; Số doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với hệ thống Sàn GDVL Hà Nội là 2.077 doanh nghiệp, tổng số chỉ tiêu tuyển dụng là 22.499 chỉ tiêu
Bằng nhiều hình thức kết nối việc làm qua hệ thống Sàn GDVL Hà Nội gián tiếp và trực tuyến, Trung tâm đã kết nối, hỗ trợ về tuyển dụng cho 1.472 doanh nghiệp; tư vấn, cung cấp thông tin thị trường lao động cho hơn 17 ngàn lượt người lao động, kết nối việc làm cho hơn 9 ngàn lượt người.
Xin cảm ơn ông!