Hỗ trợ tín dụng, cắt giảm thuế phí để giúp doanh nghiệp ‘vượt bão’ Covid-19
- Huyệt vị
- 18:58 - 05/03/2020
Doanh nghiệp gặp khó vì Covid-19
Thông tin trên Người lao động, chịu tác động lớn từ dịch Covid-19, ngành sản xuất, lắp ráp ôtô đang lo thiếu hụt nguồn linh phụ kiện nhập khẩu để sản xuất. Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp sản xuất ôtô dự kiến đến giữa hoặc cuối tháng 3, tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng rõ rệt đến tình hình sản xuất trong nước, sản lượng sản xuất sẽ bắt đầu giảm.
Hiện nay, ngoài Trung Quốc, các doanh nghiệp lắp ráp xe còn nhập khẩu linh kiện từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Các nước này cũng đang có số lượng người nhiễm Covid-19 tăng nhanh. Diễn biến này khiến các doanh nghiệp càng khó khăn hơn về nguồn cung linh phụ kiện. "Một số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất xe tải như Công ty CP Ôtô TMT đang thiếu lao động bởi đội ngũ chuyên gia Trung Quốc vẫn chưa trở lại Việt Nam làm việc", ông Trương Thanh Hoài cho hay.
Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam cho rằng, dù cần bảo đảm phòng chống dịch nhưng cũng nên có phương án tạo thuận lợi nhập khẩu linh kiện, nguyên phụ liệu. Hiệp hội kiến nghị Chính phủ trực tiếp đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới để thông quan nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước. Về lâu dài, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách mới về thuế nhập khẩu linh kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp ôtô; chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất trong nước.
Cũng đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp điện - điện tử chỉ còn đủ lượng linh phụ kiện sản xuất đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020. Ông Trương Thanh Hoài nhấn mạnh, nguyên phụ liệu cao cấp, linh kiện, phụ tùng rất khó tìm nguồn thay thế trong ngắn hạn do đặc thù phân bổ chuỗi sản xuất toàn cầu và yêu cầu riêng biệt về kỹ thuật, chất lượng của từng công ty.
Đi vào những khó khăn cụ thể, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (Samsung Việt Nam) cho biết, việc kiểm soát biên giới nhằm phòng dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất một số mẫu sản phẩm chiến lược đời mới của hãng do linh phụ kiện sản xuất được nhập khẩu từ Trung Quốc, qua cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn.
Bên cạnh đó, khi Hàn Quốc bùng phát dịch, 1 nhà máy Samsung tại quốc gia này đã đóng cửa nên Samsung Việt Nam dự báo tình hình bảo đảm yếu tố đầu vào cho sản xuất khó khăn hơn. Do đó, việc áp dụng giải pháp linh hoạt để nhập khẩu linh kiện, phụ kiện tại cửa khẩu đường bộ phía Bắc là một giải pháp cấp thiết được Samsung kiến nghị.
Về dài hạn, nếu dịch còn diễn biến phức tạp, Samsung đang xem xét phương án nhập khẩu các lô hàng linh phụ kiện qua đường hàng không hoặc đường biển. Tuy nhiên, chi phí cao và khó đáp ứng được sản lượng.
Cần hỗ trợ kịp thời và tốt nhất
Trước tình hình này, báo Đấu Thầu đưa thông tin, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 3/3, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nâng gói hỗ trợ tài khóa từ 27.000 tỷ đồng lên thành gói 30.000 tỷ đồng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: "Phải chuẩn bị tốt mọi điều kiện, có chính sách hỗ trợ tốt nhất trong khả năng của Chính phủ, của các cấp, ngành đối với sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Các gói hỗ trợ phải có hiệu lực ngay đến doanh nghiệp và người dân, không được để lâu, không có cơ chế xin - cho, thiếu minh bạch".
Nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan, chuyên gia hoàn chỉnh Dự thảo Chỉ thị trình Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách ứng phó với tác động của dịch Covid-19.
Giải pháp đầu tiên được nêu tại Dự thảo là: Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành hàng có tính mùa vụ, gặp khó khăn trong tiêu thụ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch, bảo đảm xác định đúng đối tượng thụ hưởng, không để trục lợi chính sách.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất chính sách tín dụng phù hợp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do dịch Covid-19. Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công.
Về chính sách thuế - phí, xem xét gia hạn nộp các loại thuế, tiền thuê đất, một số khoản phí, lệ phí, không phạt chậm nộp thuế đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, bảo đảm đúng quy định pháp luật; chuẩn bị phương án đảm bảo cân đối thu chi, đặc biệt phải bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch. Rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; trên cơ sở đó, thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh cảng, kho bãi giảm giá, phí bốc xếp, lưu kho, lưu bãi, giá dịch vụ tại các cảng hàng không, cảng biển, cảng đường thủy nội địa, hạ tầng đường sắt. Tiếp tục bảo đảm thông quan, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong Quý I và II năm 2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá thuộc lĩnh vực quản lý.
Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình lớn, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế - xã hội.
Biến khó khăn thành cơ hội
Trước khó khăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Công nghiệp khẩn trương ghi nhận nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất thời điểm này đồng thời, tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế trong bối cảnh nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Tuấn Anh giao nhiệm vụ cho các thương vụ và chi nhánh thương vụ tìm kiếm các nhà phân phối nguyên phụ liệu cho các ngành sản xuất trong nước và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước với nhà cung cấp nước ngoài.
Về lâu dài, người đứng đầu ngành công thương cho rằng cần có biện pháp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường.