Hỗ trợ tiền mặt cho người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng Covid-19: Giúp người nghèo vơi đi nỗi lo cơm, áo
- Dược liệu
- 01:07 - 11/04/2020
Công nhân nghèo vơi nỗi lo…
Chị Nguyễn Thị Minh Ngân, chủ vựa bán trái cây đường Bình Trị Đông (Quận Bình Tân) cho biết, từ đầu năm tới giờ tình hình dịch bệnh nên buôn bán ế ẩm, đầu tháng 4 cho đến nay là nghỉ bán luôn. Hai vợ chồng nuôi hai đứa con, lúc trước còn buôn bán có đồng ra đồng vào để chi phí tiền sinh hoạt, tiền thuê nhà, nay ở nhà không làm gì cũng khó khăn lắm nhưng hai vợ chồng ráng gồng gánh chờ qua dịch rồi tính tiếp. Sau khi nghe tin các hộ nghèo được hỗ trợ 250 nghìn đồng/khẩu/tháng cũng thấy vui, tuy số tiền không lớn nhưng được Chính phủ, Nhà nước quan tâm đến dân cũng thấy ấm lòng trước tình hình dịch bệnh khó khăn như hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Lan (54 tuổi) hớn hở kể, hôm qua, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Phước Kiển (huyện Nhà Bè), cùng với cán bộ phường, đại diện khu phố đến tận khu nhà trọ để trao tiền hỗ trợ cho bà con bán vé số đang trạm trú ở đây. Nhận được 750.000 đồng Nhà nước hỗ trợ mà chúng tôi rơm rớm nước mắt, bà kể những người thuê trọ ở đây là dân nghèo khổ từ các nơi lên TP để bán vé số mưu sinh và giúp đỡ cho gia đình. Lúc trước, mỗi ngày tôi đi bộ khoảng 5 đến 10 km để bán vé số kiếm được 200.000 – 300.000 đồng, ngày nắng cũng như ngày mưa đều đi bán. Sau khi trừ tiền thuê nhà và ăn uống thì mỗi tháng còn dư được vài triệu gửi về qua để cho con. Từ đầu tháng 4 đến giờ thực hiện lệnh của TP nên chúng tôi nghỉ ở nhà, ở nhà đã không có tiền mà phải trả tiền thuê nhà và chi phí hàng ngày khiến bà con ở đây rầu hổm giờ.
Nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước, có tiền trả tiền thuê nhà bớt được một nỗi lo, chúng tôi cũng cảm ơn Nhà nước đã quan tâm và giúp đỡ cho người dân nghèo chúng tôi. "Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đời sống công nhân lao động chúng tôi được an ủi phần nào trước khó khăn hiện nay. Tình hình chung nên ai cũng khó khăn không riêng gì công nhân, xem tivi nghe tin công nhân lao động được nhà nước hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng thấy vui mừng lắm. Với số tiền này, cũng đủ để trả tiền nhà trọ hàng tháng và lo cho con". Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh, công nhân may tại tỉnh Bình Dương cho hay.
Với chị Trần Hội (quê Bến Tre, công nhân tại Khu công nghiệp Tân Tạo): "Nghe tin công nhân mất việc do dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ mỗi tháng 1,8 triệu tôi cũng đỡ lo phần nào về cuộc sống trong những ngày sắp tới".
Tiếp thêm sức mạnh cho người yếu thế
"Khi có thông tin, Chính phủ sẽ hỗ trợ tiền mặt cho các gia đình khó khăn ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 chúng tôi mừng quá. Nhận được sự giúp đỡ đúng lúc khăn khăn nhất hiện nay sẽ giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống do phải nghỉ làm vì dịch bệnh nên mất nguồn thu nhập", anh Nguyễn Minh Thắng (phường Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ.
Anh Thắng làm nghề chạy xe đã hơn 10 năm nay. Mỗi ngày, anh cũng túc tắc kiếm được khoảng 200.000 đồng/ngày. Vợ anh Thắng làm nghề bán xôi ăn sáng ở cổng chợ. Từ ngày Hà Nội xuất hiện bệnh nhân nhiễm Covid-19 lượng khách của hai anh chị đều giảm đi trông thấy. Đặc biệt, khi Chính phủ yêu cầu người dân "cách ly xã hội" hạn chế ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết thì hai vợ chồng anh Thắng "thất nghiệp". Nhà anh Thắng có 5 thành viên. Với nguồn thu nhập của hai vợ chồng hàng tháng tằn tiện chi tiêu cũng đủ qua ngày. Anh bảo: "Nghề của chúng tôi có làm thì mới có thu nhập, mà ráo mồ hôi thì cũng hết tiền. Chỉ cần nghỉ làm thì tuần sau thùng gạo cũng hết theo nên trước đây, chỉ khi nào ốm đau tôi hoặc vợ tôi mới nghỉ vài ngày. Nay cả hai vợ chồng cùng nghỉ, khó khăn chồng chất khó khăn".
Khi nghe tin được Chính phủ đã quyết định hỗ trợ tiền mặt cho người dân khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 anh Thắng rất phấn khởi. "Có Chính phủ hỗ trợ sẽ giúp gia đình tôi không phải lo tiền đong gạo trong thời gian phải nghỉ việc ở nhà. Không có sự hỗ trợ này, chúng tôi sẽ vô cùng túng quẫn chạy vạy để lo cái ăn cho cả gia đình, khó khăn sẽ chồng chất khó khăn hơn", anh Thắng chia sẻ.
Đối với gia đình hộ nghèo, hộ có gia đình thuộc diện bảo trợ xã hội, đời sống vốn dĩ đã khó khăn, nay dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ đến đời sống của họ. Ông Bùi Văn Nhân, xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình thuộc diện hộ nghèo. Khi nhận được thông tin, Chính phủ sẽ hỗ trợ mỗi thành viên hộ nghèo 250.000 đồng/tháng (hỗ trợ trong 3 tháng), ông Nhân vui lắm. "Trước đây tôi còn đi làm thuê phụ hồ kiếm thêm thu nhập nhưng nay không có việc phải ở nhà. Có Chính phủ hỗ trợ thì mừng quá", ông Nhân chia sẻ.
Gia đình chị Hoàng Thị Dung (TP Lạng Sơn) có con bị khuyết tật nặng. Cuộc sống gia đình chị nay càng thêm khó khăn vì những ảnh hưởng của Covid-19. Chị Dung bảo: "Nhận được sự quan tâm của Chính phủ, đúng là không niềm vui nào tả xiết. Thật may, trong khó khăn, chúng tôi không bị Chính phủ và xã hội bỏ rơi lại phía sau".
Kinh doanh nhỏ nhận được sự hỗ trợ
Là công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, sự kiện, từ khi dịch Covid – 19 bùng phát ở Việt Nam, công ty Thịnh Vượng (TP Hồ Chí Minh) gặp rất nhiều khó khăn.
Bởi sau Tết Nguyên đán đến nay, các hoạt động vui chơi giải trí hầu như đã "đóng băng", các sự kiện khai trương, hội thảo hội nghị... đều tạm dừng nên công ty cũng lâm vào cảnh thất nghiệp. Mặc dù không có nguồn thu, nhưng hàng tháng công ty phải trả chi phí mặt bằng, tiền lương nhân viên, tiền điện nước... Hiện tại, trụ sở công ty chỉ còn bảo vệ và nhân viên lễ tân làm việc. Còn lại tất cả nhân viên đều nghỉ ở nhà, tuy nhiên, công ty không thể cắt hay giảm lương của nhân viên được, vì như vậy cuộc sống của họ sẽ gặp khó. Nếu tình trạng dịch bệnh còn kéo dài, tôi không biết công ty còn trụ nổi không. Bà Trương Đinh Thục Vy, Giám đốc công ty chia sẻ: "Tôi đang đề nghị chủ nhà giảm bớt tiền thuê mặt bằng trong thời gian dịch bệnh. Đặc biệt, những doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ trong thời điểm này giống như người chết đuối có được phao cứu sinh".
Người dân khu phố cổ Hà Nội mong muốn nhanh chóng nhận được gói hỗ trợ An sinh xã hội.
Là một người khuyết tật (người lùn bẩm sinh), anh Đinh Văn Phú, ở 24 Hàng Cót, Hà Nội hằng ngày gắn bó với chiếc bàn nước chè nhỏ trên phố, cũng kiếm được đồng mua thức ăn hằng ngày, nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát và thực hiện việc cách ly xã hội đến giờ, anh cũng đã phải xếp hàng nước gọn gàng không bán nữa.
Khá xúc động khi nói về gói hỗ trợ của Nhà nước. Anh Phú kể: Vì tôi là người khuyết tật nên đã được hưởng những chế độ của Nhà nước rồi, giờ đây lại được nhận thêm gói hỗ trợ của Chính phủ nữa thì thật sự không còn gì bằng. Dù món tiền hỗ trợ nhiều hay ít đều quí với những người như tôi. Điều tôi cảm động hơn chính là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã luôn giúp đỡ, động viên chúng tôi để vượt qua khó khăn trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Trong khi chờ nhận được gói hỗ trợ của Nhà nước, ngày hôm qua (9/4) tôi cũng vừa nhận được quà cứu trợ của UBND quận Hoàn Kiếm, đó là: 300 ngàn đồng, 10 kg gạo Bắc Hương, 20 quả trứng gà, 5 chiếc khẩu trang, 1 thùng mì tôm. Điều này khiến tôi ấm lòng lắm, chỉ mong sao cho dịch bệnh nhanh hết để người dân trở lại cuộc sống bình thường”.
Là một hộ có thâm niên bán nước chè ở 27 phố Lãn Ông (Hà Nội), gia đình ông Phan Tư Anh có 8 nhân khẩu đều trông mong vào quán nước. Khi chưa có dịch bệnh, 6 giờ sáng mỗi ngày ông bắt đầu dọn hàng và đến 12 giờ mới thu dọn bàn ghế. Ngoài nước chè ra, anh bán thêm nước mía, sim thẻ điện thoại, mỗi ngày anh thu nhập cũng được 100 ngàn đồng, đủ tiền chi tiêu trong gia đình. "Nói thật, khi biết tin được Chính phủ hỗ trợ cho người dân, tôi mong lắm, ngày nào cũng theo dõi tin tức thời sự và qua chiếc đài bán dẫn để biết thêm thông tin. Tôi hy vọng sẽ nhận được gói hỗ trợ sớm nhất để khắc phục khó khăn trong những ngày dịch Covid-19 này”, ông Tư Anh chia sẻ.
"Một miếng khi đói bằng một gói khi nó", "Cảm ơn Chính phủ đã đồng hành cùng người dân"- Đó là ý kiến chung của các hộ kinh doanh cá thể trong các khu phố cổ: Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Chiếu, Hàng Ngang, Hàng Đào, Thuốc Bắc… khi đón nhận gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ trong thời gian dịch bệnh Covid-19. Theo ghi nhận của phóng viên thì ngoài sự vui mừng, phấn khởi vì được Nhà nước, Chính phủ quan tâm, nhưng có lẽ điều mà họ mong muốn nhất vẫn là làm sao để họ nhận được sự hỗ trợ sớm nhất và sẽ không có đối tượng nào bị bỏ sót lại trong mùa dịch Covid-19.
Luôn quan tâm đến người có công với cách mạng
Là một trong những đối tượng thuộc diện được hỗ trợ từ Nghị quyết của Chính phủ, ông Phạm Bích Ngọc - Chủ tịch Hội đồng thương binh – Trung tâm điều dưỡng thương binh Lạng Giang (Bắc Giang) chia sẻ, trong bối cảnh cả nước đang căng mình phòng chống dịch covid 19, việc Chính phủ đã dành một khoản tiền lên tới 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid là một chính sách đầy nhân văn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, thể hiện sự chăm lo kịp thời đối với những đối tượng yếu thế trong xã hội như người có công, người nghèo, lao động mất việc… "Với khoản hỗ trợ 500.000 đồng/tháng trong 3 tháng sẽ tạo điều kiện để các thương, bệnh binh nâng cao thể trạng nền để phòng chống dịch bệnh trong bối cảnh tình hình dịch Covid 19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Thay mặt các thương, bệnh binh tôi xin cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã luôn dành sự quan tâm đầy đủ, kịp thời đối với người có công" – ông Ngọc bày tỏ.
Vui mừng với những chính sách quyết liệt, nhân văn của Chính phủ, ông Nguyễn Đương Vượng, thương binh hạng 1/4 tại khu 2 phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh chia sẻ, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mỗi người dân đều thấy đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề đến các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của mọi người dân khiến nhiều người dân, doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn khi sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ. Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để hỗ trợ sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là những người nghèo, gia đình chính sách.
Đặc biệt, Chính phủ đã kịp thời nghiên cứu và đề xuất gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. "Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, dịch bệnh tác động nặng nề, gói hỗ trợ đã cho thấy rõ tính nhân văn của Nhà nước ta, đó là "không để ai bị bỏ lại phía sau". Điều này khiến mỗi người dân chúng tôi tin tưởng, đoàn kết, quyết tâm hơn nữa và luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong phòng, chống và chiến thắng dịch Covid-19" – ông Vượng chia sẻ.
Theo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 vừa được chính phủ ban hành, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần. Đến nay cả nước đã xác nhận được hơn 9,2 triệu người có công và số người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng là gần 1,4 triệu người.