THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:57

Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Để kịp thời đồng hành, hỗ trợ và đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh dịch bệnh, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động cụ thể, thiết thực, vừa góp phần chung tay cùng toàn hệ thống chính trị phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời giúp hội viên, phụ nữ, trẻ em gái bị ảnh hưởng bởi đại dịch sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Hội LHPNVN tặng quà cho phụ nữ  trẻ em trong khu cách ly.

Hội LHPNVN tặng quà cho phụ nữ trẻ em trong khu cách ly.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp đã cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về các quy định của chính phủ và các địa phương về phòng, chống dịch Covid-19. Hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cho hội viên, phụ nữ về phòng, chống dịch bệnh tại gia đình, nơi làm việc, nơi sinh sống. Đặc biệt là tuyên truyền về các cách làm sáng tạo, hiệu quả của các cấp Hội trong phòng, chống dịch bệnh để lan toả và nhân rộng các mô hình hay, biểu dương kịp thời các hành động đẹp, khẳng định lòng tin của nhân dân với sự chỉ đạo của Đảng.  Linh hoạt chuyển đổi phương thức tuyên truyền để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch tại từng thời điểm, từng địa bàn.

Đối với những tỉnh chưa có dịch bệnh, cán bộ Hội tăng cường theo hướng vừa duy trì tuyên truyền tại thôn, xóm. Khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội thì các cấp Hội tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông của Hội (Báo điện tử, Cổng Thông tin điện tử), khai thác triệt để mạng xã hội để tuyên truyền, chia sẻ thông tin chính thống, bác bỏ các tin xấu, tin giả; duy trì các nhóm zalo trong cán bộ các cấp để chỉ đạo công tác tuyên truyền bảo đảm kịp thời, đầy đủ.

 Phát huy nhiều sáng kiến, cách làm hay, hiệu quả trong tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ phòng, chống dịch, thể hiện vị thế, vai trò của phụ nữ tiên phong, sáng tạo, kết nối, phát huy ảnh hưởng của Hội, thúc đẩy bình đẳng giới trong bối cảnh dịch bệnh.

Cùng với đó, các cấp Hội phát huy vai trò tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, huy động cán bộ, hội viên tích cực tham gia các hoạt động phòng chống dịch ở địa phương, tham gia Tổ công tác phòng chống dịch cộng đồng, hỗ trợ các lực lượng chức năng, các chốt kiểm soát dịch, điểm cách ly, các cơ sở y tế về nhân lực, vật lực.

Tích cực triển khai hiệu quả các mô hình dựa vào phụ nữ và phát huy thế mạnh của phụ nữ như Bếp ăn nghĩa tình phục vụ y bác sỹ; Bếp yêu thương; Bếp nhỏ nhà Hội; Bếp cơm chay 0 đồng; Tủ bánh mì nghĩa tình; Mô hình Biệt đội xanh, Shipper 0 đồng; mô hình đi chợ hộ miễn phí; hỗ trợ đổi công, chăm sóc người già, con nhỏ cho các gia đình có người bị đi cách ly; tham gia tiếp phẩm trong các khu vực cách ly và phục vụ lực lượng tuyến đầu. Ủng hộ hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn…).

TW Hội trực tiếp vận động nguồn hàng tài trợ từ các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ cho công tác phòng chống dịch Covid của Hội LHPN Việt Nam. Giao trách nhiệm cho Hội LHPN cấp tỉnh trực tiếp tiếp nhận và chuyển nguồn hỗ trợ thực phẩm thiết yếu kịp thời cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Hội LHPN các tỉnh, thành, đơn vị tại các vùng an toàn đã đoàn kết, chung sức huy động quyên góp các nhu yếu phẩm thiết yếu để ủng hộ phụ nữ, nhân dân vùng dịch tại các tỉnh/thành phố phía Nam.

Tính từ tháng 1/2021 đến hết ngày 23/9/2021, các cấp Hội từ TW đến cơ sở đã huy động được nguồn lực (gồm tiền mặt, hiện vật…) là 358,95 tỷ đồng hỗ trợ phòng chống dịch.

Cùng với đó, Hội có nhiều hoạt động bảo vệ, chăm lo đời sống hội viên, phụ nữ và trẻ em gái. Tập trung chăm lo, động viên thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách và gia đình thành viên tham gia chống dịch. Hỗ trợ phụ nữ phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, nhất là trong điều kiện giãn cách xã hội (thiết lập và triển khai các đường dây nóng tại địa phương, các địa chỉ tin cậy, Ngôi nhà Bình yên). Ngôi nhà Bình yên – cơ sở tạm lánh của nạn nhân bạo lực gia đình - đã phối hợp với chính quyền địa phương tư vấn khủng hoảng/can thiệp khẩn cấp, giải cứu gần 30 vụ, tăng 40%. Sáu tháng đầu năm 2021, số lượng người gọi qua tổng đài và đường dây nóng vào khoảng 1.100 cuộc, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2020; kịp thời phát hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý các vụ việc bạo lực, không coi đó là việc riêng của các gia đình; đặc biệt sử dụng mạng xã hội để xây dựng không gian cho bản thân phụ nữ có thể chia sẻ, học hỏi lẫn nhau, ứng phó tốt hơn với đại dịch, đặc biệt chú trọng quan tâm với các nhóm phụ nữ yếu thế trong xã hội: phụ nữ khuyết tật, phụ nữ có HIV, phụ nữ di cư….

VÂN KHÁNH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh