Trên 70% người nghiện ma túy dưới 35 tuổi
- Tây Y
- 02:34 - 11/06/2017
Đây là thông tin được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra tại buổi Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng Hành động phòng, chống ma túy diễn ra sáng nay (10/6) tại Bắc Giang.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cùng 2.000 công nhân, nhân dân lao động, thanh niên, sinh viên, cán bộ công chức, sĩ quan quân đội, cảnh sát... đã về dự mít tinh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi mít tinh
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, kiên trì và đạt được kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, xuất hiện nhiều loại ma túy mới; việc buôn bán, vận chuyển, sản xuất ma túy tổng hợp gia tăng; người sử dụng và người nghiện ma túy tổng hợp tăng nhanh, nhất là trong thanh, thiếu niên và học sinh, gây bức xúc trong xã hội.
Đông đảo các lực lượng tham gia trong lễ mít tinh
Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức, quan điểm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về sử dụng ma túy, nghiện, cai nghiện ma túy chưa đầy đủ, chưa thống nhất; trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được đề cao; hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách chậm đổi mới, chưa đồng bộ; công tác tuyên truyền chưa đạt được hiệu quả mong muốn; việc huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra. Hậu quả do tệ nạn ma túy gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển KT-XH, trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe, nòi giống dân tộc.
Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các cấp ủy Đảng thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 21/CT-TW và Kết luận 95/KL-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đưa nội dung phòng, chống ma túy vào các chương trình hoạt động, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền.
Các bộ, ngành tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phòng chống ma túy, điều trị, cai nghiện; triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về tác hại của ma túy, phòng chống tội phạm ma túy, chỉ đạo mạnh mẽ việc đổi mới công tác cai nghiện.
Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan thông tin đại chúng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, học sinh sinh viên về hiểm họa ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp; giáo dục, phổ biến kỹ năng sống để mọi người tự tin với lối sống lành mạnh, có hoài bão, không bị ma túy cám dỗ.
“Cần làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ: Điều trị, cai nghiện ma túy là quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp nhưng có thể điều trị, cai nghiện được. Người nghiện ma túy cần được đối xử bình đẳng, không kỳ thị, phân biệt, cần thật sự yêu thương, giúp đỡ người nghiện điều trị, cai nghiện, tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các cá nhân tiếp tục tham gia ủng hộ, tạo nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống ma túy nói chung và công tác cai nghiện, tạo việc làm cho người nghiện sau cai nói riêng để công tác này ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả...
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi lễ mít tinh
Tại cuộc mít tinh, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy. Công tác phòng, chống ma túy ở nước ta đã thu được nhiều kết quả trên các mặt. Tuy nhiên, tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, hiện nay cả nước có hơn 210.000 người nghiện ma túy, người nghiện có ở mọi thành phần xã hội và lứa tuổi, trong đó, hơn 70% người dưới 35 tuổi; có 35% người nghiện có tiền án, tiền sự liên quan đến tội phạm; tình hình buôn bán, sản xuất, vận chuyển ma túy với quy mô ngày càng lớn, đặc biệt là việc mua bán và sử dụng ma túy tổng hợp tăng nhanh trong thanh thiếu niên. Người sử dụng ma túy tổng hợp ảnh hưởng hệ thần kinh, thường có những hoang tưởng, ảo giác không làm chủ được hành vi của mình, có hành động gây nguy hiểm cho bản thân và xã hội.
Chủ đề của Tháng hành động phòng chống ma túy năm nay là: Cộng đồng chung tay hỗ trợ người nghiện ma túy. Điều đó cho thấy quan điểm của Đảng, Nhà nước là tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy; mong muốn các cấp, các ngành và toàn dân quan tâm hơn nữa đến người nghiện ma túy, không kỳ thị, chung tay giúp đỡ, hỗ trợ người nghiện cai nghiện và hòa nhập cộng đồng.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tham quan triễn lãm ảnh về hiểm họa ma túy
Nhân Tháng Hành động phòng, chống ma túy năm nay, Bộ trưởng đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục nghiên cứu, xây dựng bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách phòng chống ma túy, điều trị, cai nghiện; triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về tác hại của ma túy, phòng chống tội phạm ma túy...
Cấp Ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới (theo Nghị quyết 98/NQ- CP ngày 26/12/2014 về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, Chỉ thị số 25/CT-TƯ ngày 05/6/2017 về tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy).
Đẩy mạnh công tác quản lý người sử dụng, người nghiện ma túy; nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, đặc biệt công tác tự nguyện và công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; người nghiện ma túy cần được đối xử bình đẳng, không kỳ thị, phân biệt, cần được giúp đỡ người nghiện điều trị, cai nghiện tạo các điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng.
Tăng cường việc quản lý an ninh trật tự trong các cơ sở cai nghiện; đầu tư nâng cấp sửa chữa các cơ sở cai nghiện; đào tạo nâng cao đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện và cộng đồng; triển khai thực hiện và lồng ghép các chương trình, chính sách an sinh xã hội, nhất là chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, các chính sách về dạy nghề tạo việc làm, xuất khẩu lao động để thanh niên có cơ hội tự tạo việc làm, tự lập xây dựng cuộc sống mới, tránh xa hiểm họa ma túy.
Các lực lượng Công an, hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển phải đóng vai trò chủ lực trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; đồng thời phát huy sức mạnh phong trào toàn dân phát hiện, tố giác tội phạm nói chung đặc biệt tội phạm ma túy để từng bước đấu tranh làm giảm tội phạm ma túy trên tuyến biên giới, đường hàng không, đường biển và trên các địa bàn trọng điểm. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng ngừa việc lạm dụng các chất gây nghiện, chất hướng thần và sử dụng sai mục đích các loại tiền chất.
"Mỗi chúng ta hãy hưởng ứng Tháng Hành động phòng chống ma túy bằng một việc làm thiết thực. Toàn dân “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy”, “Cộng đồng chung tay hỗ trợ người nghiện ma túy” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngăn Ngừa Bệnh Tim Và Đột Quỵ Ở Người Cao Tuổi: Bí Quyết Sống Khỏe Mạnh Và An Toàn
Bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và vai trò của y học hiện đại...
2 tháng trước
Tin nên đọc