CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:25

Hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán người hòa nhập cộng đồng

Nhiều mô hình hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán người

Cũng theo thông tin từ bà Dương, giai đoạn 2016 - 2017, các đơn vị chức năng đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 3.500 trường hợp, trong đó, xác định 1.117 trường hợp là nạn nhân bị mua bán. Năm 2018 là 322 trường hợp; năm 2019 là 340 và năm 2020 là 115 nạn nhân. Số lượng nạn nhân bị mua bán được tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu tập trung đông tại một số tỉnh như: Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Hậu Giang, Vĩnh Phúc, An Giang, Kiên Giang... 100% nạn nhân bị mua bán, sau khi tiếp nhận được lực lượng chức năng phối hợp bảo vệ, tổ chức bàn giao, cung cấp thông tin và thực hiện dịch vụ hỗ trợ, để nạn nhân nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán người hòa nhập cộng đồng - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng giải cứu các nạn nhân bị buôn bán người.

Bà Dương cho biết, hiện nay, tại các địa phương đang thực hiện hỗ trợ nạn nhân thông qua nhiều hình thức. Hỗ trợ nạn nhân gắn với công tác tiếp nhận: hầu hết các trường hợp nạn nhân trở về chính thức, tự trở về hoặc được giải cứu đều nhận được sự hỗ trợ phù hợp. Dịch vụ hỗ trợ chủ yếu là cung cấp nơi ăn nghỉ tạm thời, tư vấn tâm lý xã hội, đối với các trường hợp ốm đau, sức khỏe yếu được hỗ trợ chữa trị ban đầu; trợ cấp tiền tàu xe, tiền ăn khi trở về gia đình. Hỗ trợ tại cộng đồng: hỗ trợ pháp lý (làm thủ tục về hộ khẩu, cấp chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh), học nghề, hỗ trợ việc làm, học văn hóa và bảo vệ nạn nhân tố giác tội phạm.

Đối với một số nạn nhân, thông qua dự án tại Lào Cai, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang được hỗ trợ tại Trung tâm, Nhà tạm lánh. Theo đó, các trường hợp nạn nhân bị mua bán trở về được cung cấp nơi ăn nghỉ, tư vấn tâm lý xã hội và được tiếp cận với các dịch vụ ngoài Trung tâm để học văn hóa, học nghề hoặc khám chữa bệnh theo nhu cầu và khả năng của đối tượng. Các nạn nhân được hưởng các dịch vụ này đạt tỷ lệ cao về hòa nhập cộng đồng. Tiêu biểu là mô hình Nhà nhân ái tại tỉnh Lào Cai.

Thời gian nạn nhân lưu trú tại Nhà nhân ái là từ 12 tháng trở lên, đến khi học xong phổ thông, học nghề, có việc làm thì hồi gia. Sau gần 9 năm triển khai hoạt động, Nhà nhân ái Lào Cai đã tiếp nhận và hỗ trợ cho 200 nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng, gia đình an toàn. Trong đó, 100% được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh mua bảo hiểm y tế, được tư vấn giáo dục kỹ năng sống, được học hết văn hóa phổ thông; 80% được học nghề, có việc làm ổn định; 70% đã xây dựng hạnh phúc gia đình ổn định cuộc sống; nhiều em đã tự tin trở thành người truyền thông trực tiếp bằng tiếng dân tộc mình trước các phiên chợ vùng cao và tại các trường học.

Ngoài ra, còn nhiều hình thức hỗ trợ nạn nhân buôn bán người, như: Hỗ trợ thông qua các hoạt động lồng ghép, phòng ngừa và tái hòa nhập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn; Hỗ trợ thông qua các mô hình do các Dự án quốc tế hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật...

Đa dạng hình thức hỗ trợ

Theo quy định hiện nay, nạn nhân sau khi được tiếp nhận tại cơ sở bảo trợ xã hội/ cơ sở hỗ trợ nạn nhân (gọi chung là cơ sở) được xem xét, trợ cấp quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết. Đồng thời, được hưởng các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ sau: Bố trí nơi ăn, ở riêng biệt cho phụ nữ và trẻ em.

Đối với nạn nhân chưa có thẻ bảo hiểm y tế, trong thời gian lưu trú tại cơ sở được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; Hỗ trợ tiền thuốc thông thường. Được tư vấn tâm lý, tham vấn cá nhân và nhóm; giới thiệu và liên hệ với các Trung tâm trợ giúp pháp lý để giúp nạn nhân tìm hiểu về các quy định của pháp luật, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của họ. Giáo dục, hướng nghiệp; liên hệ, giới thiệu, hỗ trợ nạn nhân tham gia các chương trình dạy nghề miễn phí do các tổ chức, cá nhân cung cấp, trong hoặc ngoài cơ sở.

Hỗ trợ cơ quan thi hành pháp luật phỏng vấn nạn nhân liên quan đến việc bị mua bán và bảo vệ quyền hợp pháp của nạn nhân trong quá trình tố tụng.. Đánh giá khả năng tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân về mức độ ổn định tâm lý, định hướng việc làm, quan hệ gia đình, môi trường cộng đồng, kỹ năng phòng ngừa tái bị mua bán. Kết hợp chặt chẽ với cơ quan Công an, LĐ-TB&XH ở các địa phương để liên hệ với gia đình hoặc người thân của nạn nhân trước khi họ trở về gia đình.

Tại cộng đồng, nạn nhân được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập. Trường hợp nạn nhân học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng được hỗ trợ một lần chi phí học nghề. Chi hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo khi trở về nơi cư trú mức tối thiểu là 1.000.000 đồng/người. Đối với nạn nhân trong thời gian chờ thu xếp về nước do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện được hỗ trợ tiền ăn, chỗ ở tạm thời cho nạn nhân;  Hỗ trợ quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết, trợ giúp phương tiện đi lại tại nước sở tại và các chi phí cần thiết khác liên quan đến cấp giấy tờ, làm thủ tục về nước như: lệ phí lưu trú quá hạn, lệ phí sân bay, lệ phí cấp giấy tờ về nước, chi phí bảo đảm an ninh, chi phí dịch thuật. Chi phí mua vé máy bay, tàu, xe đối với nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú mà không có khả năng chi trả.

Đề xuất sửa đổi chế độ và dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán người

Trong năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành của Luật phòng, chống mua bán người (thay thế nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người), trong đó, tập trung vào việc sửa đổi chế độ chính sách và dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, nhằm hướng đến mục tiêu hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân bị mua bán trở về, giúp họ dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ và ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Những thay đổi cụ thể bao gồm: Mở rộng thêm đối tượng là người nước ngoài bị mua bán và trao trả qua Việt Nam. Trước đây, NĐ 09 quy định chỉ nạn nhân là trẻ em khi trở về nơi cư trú mới có người đưa về. Nhưng dự thảo Nghị đinh mới quy định, trong những trường hợp cần thiết, để đảm bảo an toàn cho nạn nhân, các cơ quan bố trí người đưa nạn nhân về gia đình hoặc nơi cư trú.

Tăng thời gian hỗ trợ phục hồi tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp xã hội từ 2 tháng lên 3 tháng. Nạn nhân được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong thời gian hỗ trợ phục hồi tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

Bổ sung đối tượng nạn nhân thuộc hộ cận nghèo  được miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu; thay vào đó quy định tất cả các nạn nhân, nếu có nhu cầu và đề nghị thì đều được miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hưởng hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu.

Đối với mức trợ cấp khó khăn ban đầu, quy định mức tối thiểu 1tr đồng và được hỗ trợ  không quá 3 tháng. Trước đây, quy định chỉ hỗ trợ 1 lần. Bỏ quy định, trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày được xác định là nạn nhân, nạn nhân hoặc gia đình làm đơn đề nghị hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu.

Bổ sung chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài hoặc người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân. Đa dạng hóa các hình thức, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, dự thảo Nghị định quy định 1 điều về đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh