CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:15

Tổ chức tài chính vi mô : Cơ hội thoát nghèo cho nhiều phụ nữ

Thành công từ nguồn vốn nhỏ

Được xem như một kênh tài chính trong công tác xóa đói, giảm nghèo cho phụ nữ ở nông thôn, hơn 20 năm qua, Tổ chức tài chính Vi mô Tình thương (TYM) của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam  như chiếc đòn bẩy giúp hàng nghìn phụ nữ nghèo làm chủ hộ, phụ nữ yếu thế không chỉ tự tin vươn lên thoát nghèo bền vững, mà còn nâng cao vị thế, tiếng nói của mình trong gia đình và xã hội.

Nhớ về những tháng ngày cơ hàn, chị Lương Thị Quý ở tổ 27, phường Quang Trung, TP Thái Nguyên nghẹn ngào kể, học hết lớp 12, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, chị đã không có điều kiện thi vào các trường chuyên nghiệp. Với đồng vốn ít ỏi của bố mẹ, chị chỉ có thể đạp xe đến các vườn hoa mua sỉ rồi rong ruổi khắp các ngõ ngách, phố phường trong thành phố mong “lấy công làm lãi”. Sau này khi lập gia đình với  2 đứa con lần lượt ra đời, thì nỗi lo gánh nặng cơm áo, gạo tiền càng đè nặng lên đôi vai chị. 

May mắn, năm 2010, thông qua Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 27, chị được vay 15  triệu đồng từ nguồn vốn của TYM. Với điều kiện vay vốn  không cần phải có tài sản thế chấp, thủ tục đơn giản, gọn nhẹ, lại không phải trả gốc và lãi một lần, mà số vốn vay sẽ được chia nhỏ để trả theo tuần; khi vay vốn chị được hưởng các chính sách hỗ trợ từ TYM, nếu không may đau ốm phải đi viện hoặc gặp hoạn nạn... Ngoài ra, mỗi tuần chị còn tham gia đóng vào Quỹ tiết kiệm. Số tiền đóng góp tuy không lớn, nhưng “tích tiểu thành đại”, dần dần chị cũng có được một khoản kha khá cùng với số vốn vay để có thể mở một cửa hàng hoa ở chợ Phú Thái (phường Tân Thịnh). Chị Quý cho biết, từ ngày có cửa hàng hoa, trung bình mỗi tháng trừ tất cả chi phí, chị thu lãi từ 6-7 triệu đồng cùng với thu nhập của chồng từ nghề xây dựng, gia đình chị đã vơi đi nhiều khó khăn và đang dần ổn định, phát triển. “Mình cảm thấy rất may mắn khi được vay nguồn vốn của tổ chức TYM” - chị Quý chia sẻ.

Từ nguồn vốn vay của Tổ chức tín dụng vi mô Tình Thương nhiều phụ nữ đã có cơ hội thoát nghèo.

Còn đối với chị Nguyễn Thị Thuỷ, ở tổ 6, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên) được trở thành hội viên của TYM cũng là một điều may mắn. Bởi trước năm 2010, cuộc sống của chị cũng phải đối diện với muôn vàn khó khăn, khi các con đang tuổi ăn học, chị không có việc làm, mọi sinh hoạt trong gia đình chỉ trông vào đồng lương hưu của chồng và quán nước nhỏ. Nhờ không phải thế chấp mà chỉ thông qua Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 6, chị đã được vay 10 triệu đồng để mở thêm hàng quán. Từ nguồn vốn đó chị đầu tư mua thêm máy ép nước mía để tăng thu nhập, do vậy chị đã trả được vốn và lãi đúng hạn và gia đình chị đã được nâng số vốn vay lên 30 triệu đồng. Có thêm vốn, chị  đầu tư mở rộng quy mô quán nước thành cửa hàng tạp hoá. Hiện nay, tổng thu nhập của gia đình chị đạt 15 triệu đồng/tháng.

Nâng cao quyền năng cho phụ nữ

Tại thành phố Uông Bí (Quảng Ninh), tổ chức TCVM với tên gọi “Quỹ khuyến khích phụ nữ phát triển” đã thu hút được sự tham gia của 7.000 thành viên là phụ nữ. Tham gia tổ chức, chị em không chỉ được vay vốn làm kinh tế với lãi suất thấp mà còn được hướng dẫn cách tiết kiệm tín dụng, làm kinh tế cải thiện thu nhập. Trong số đó có gần 1.000 thành viên thoát nghèo. Nhiều chị em ban đầu từ hai bàn tay trắng, sau khi tham gia chương trình, đến nay đã trở thành các hộ khá giả ở địa phương.

Điển hình trong số đó là chị Nguyễn Thị Huyền, ở xã Phương Nam. Trước khi bắt đầu vay vốn năm 2004 với số tiền 1.000.000 đồng, gia đình chị thuộc hộ nghèo có thu nhập thấp, với số vốn ít ỏi hai vợ chồng chị đầu tư phát triển mô hình trang trại vườn - ao - chuồng. Sau nhiều năm phấn đấu dành dụm, hiện trang trại ngoài việc đảm bảo công việc ổn định cho 2 vợ chồng còn tạo thêm công ăn việc làm cho 6 lao động có việc làm thường xuyên và 12 lao động thời vụ. Thu nhập hàng năm của gia đình chị là 250 triệu đồng/năm, với tổng tài sản trị giá trên 3 tỷ đồng.

Tại một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, ở Việt Nam có khoảng 79% người dân không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức. Hầu hết họ không thể hoặc không được tiếp cận dịch vụ ngân hàng nhưng cần có nhu cầu rất lớn về tiết kiệm và vay mượn. Nhiều khi để giải quyết nhu cầu tài chính của mình họ phải tự xoay xở từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Trong phần lớn trường hợp, nhiều người nghèo buộc phải vay nặng lãi với lãi suất cao hơn khoảng 100%/năm. Chính vì vậy, các tổ chức cung cấp TCVM như: Ngân hàng Chính sách Xã hội, Quỹ tín dụng Trung ương, các tổ chức TCVM... cung cấp dịch vụ tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm, các dịch vụ tài chính khác và các dịch vụ phi tài chính: Quản lý tài chính và rủi ro, hướng dẫn chăn nuôi, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường... đã mở ra cánh cửa thoát nghèo cho người dân và được người nghèo đánh giá cao.

Một khảo sát mới đây được Nhóm công tác TCVM Việt Nam tiến hành nhằm đánh giá mức độ bền vững của các tổ chức TCVM Việt Nam cho thấy, 90% đối tượng khảo sát bày tỏ sự hài lòng của mình khi vay vốn tại các tổ chức TCVM vì sự thuận tiện và phù hợp với nhu cầu bản thân họ; 95,3% người được hỏi cho rằng, muốn được vay vốn từ tổ chức này.  Khảo sát này cũng cho thấy, trong rất nhiều chương trình TCVM, phụ nữ nghèo là đối tượng khách hàng chủ yếu của các sản phẩm tài chính. Tham gia chương trình của tổ chức TCVM, phụ nữ sẽ được quản lý tiền, tiếp cận với tri thức dẫn tới nhiều lựa chọn hơn đã có thể khiến họ có quyền nhiều hơn trong các vấn đề của gia đình và xã hội, họ và chồng đã cùng nhau ra quyết định trong những khía cạnh quan trọng của đời sống. Bằng cách này hay cách khác, họ đang đóng góp đáng kể vào tài chính gia đình và thực tế này giúp họ dành thêm sự tôn trọng từ phía chồng, con, có thể thương lượng với chồng giúp đỡ việc nhà, tránh cãi vã về tiền bạc, và được họ hàng, gia đình nhà chồng coi trọng hơn. 

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh