THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:48

Dự án Tự tin lập nghiệp giai đoạn 1:

Hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho hàng nghìn thanh niên yếu thế

Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2021- 2022, lúc khó khăn bởi tác động của đại dịch Covid-19. Dự án ra đời kịp thời và đầy ý nghĩa, tạo cơ hội học nghề, cơ hội việc làm cho hàng nghìn thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn Thủ đô Hà Nội có kỹ năng nghề và ổn định kế sinh nhai, vượt qua thử thách của thời kỳ hậu Covid-19.

Dự án đã mang đến cơ hội việc làm và đời sống tốt đẹp hơn cho thanh niên Việt Nam, đặc biệt là nữ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, thông qua chương trình đào tạo nghề có chất lượng, định hướng phù hợp với nhu cầu thị trường. Tổng số vốn của dự án là 7,3 tỷ đồng được thực hiện từ tháng 3/2021 đến 12/2022.

Bà Phạm Thị Hường – Hiệu trưởng CĐN Công nghiệp Hà Nội phát biểu tại lễ tổng kết

Bà Phạm Thị Hường – Hiệu trưởng CĐN Công nghiệp Hà Nội phát biểu tại lễ tổng kết

Sau 2 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ 1.210 thanh niên (63% là nữ) được đào tạo nghề và trang bị các kỹ năng, kiến thức cần thiết và được giúp đỡ tìm việc làm phù hợp với nhu cầu xã hội. Cùng đó, dự án cung cấp các khóa học về kỹ năng mềm và hỗ trợ kết nối việc làm cho 5.257 thanh niên, hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác giảng dạy và học thông qua việc làm thí điểm bao gồm: 3 mô đun học trực tuyến trên nền tảng Yes! Academy, tổ chức 8 sự kiện kết nối việc làm với quy mô khác nhau, nhiều khóa tập huấn về nhạy cảm giới trong công tác giảng dạy cho giáo viên của nhà trường thu hút sự tham gia của 298 giảng viên.

Bà Phạm Thị Hường – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thông thường, tỷ lệ nam sinh viên của nhà trường khá cao bởi tính chất đặc thù nghề nghiệp và tư duy mặc định những ngành học về công nghiệp, cơ khí, điện tử là không dành cho nữ giới. Là nữ hiệu trưởng của nhà trường, tôi thấy điều này cần phải thay đổi, cần có hành động thiết thực để tăng cường cơ hội học nghề cho các bạn nữ thanh niên được học tập và phát triển kỹ năng nghề trong Trường HNIVC. Dự án này là cơ hội tuyệt vời làm đòn bẩy cho HNIVC hiện thực hóa ước mơ này. Thông qua dự án này, nhà trường có cơ hội nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút nhiều học sinh, sinh viên và duy trì mô hình trong những năm tiếp theo nhằm đào tạo nghề và tạo ra các cơ hội việc làm cho thanh niên Việt Nam”.

Với sự hỗ trợ của Dự án, nhiều học viên nghề chăm sóc sắc đẹp đã tim được việc làm ổn định, thu nhập khá.

Với sự hỗ trợ của Dự án, nhiều học viên nghề chăm sóc sắc đẹp đã tim được việc làm ổn định, thu nhập khá.

Ông Lê Minh Thảo, Trưởng phòng GDNN (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) đánh giá: “Dự án tập trung vào nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội mà nguồn lực của nhà nước vẫn chưa thể hỗ trợ, như: Cấp học bổng, hỗ trợ thanh niên vùng dân tộc thiểu số, hộ nghèo, người khuyết tật… Bởi vậy, dự án của các tổ chức phi chính phủ mang đến những kinh nghiệm thí điểm tại Việt Nam, trên cơ sở đó các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tham khảo, từ đó có điều chỉnh và đưa vào các chính sách liên quan để lan tỏa nhân rộng mô hình”.

Đại diện nhà tài trợ dự án, bà Marija Ralic, Quản lý Google.org khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội và Tổ chức Plan International đã luôn tận tâm, linh hoạt trong công việc và kịp thời đưa ra những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo các đợt giãn cách xã hội, các yếu tố khách quan khác không làm gián đoạn việc thực hiện dự án. Thành quả đó được khẳng định bằng việc tạo cơ hội việc làm bền vững cho thanh niên Việt Nam vượt qua khó khăn, cũng như có một tương lai bền vững”.

Em Đào Thị Bích Ngọc, học viên khóa ngắn hạn nghề Chăm sóc sắc đẹp, khoa Trung cấp và Sư phạm Dạy nghề cho biết: “Chương trình đã cho chúng em các kiến thức, kỹ năng nghề, kỹ năng sống và kỹ năng làm việc. Lĩnh hội được kiến thức, kỹ năng giúp em tự tin hơn trong cuộc sống và  sự lựa chọn tốt hơn trong quá trình tìm việc. Hiện tại, em đã có một công việc và mức lương khá ổn định”.

Phương Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh