THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:17

HLV trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung: “Bông hồng thép”

 

HLV Nguyễn Thị Nhung.

 

Tự hào vì cả châu Á có một HLV nữ

* Tóc ngắn, áo phông, vòng đeo tay và đồng hồ thời trang, mỗi khi chị xuất hiện khiến nhiều người phải ngỡ ngàng. Ở cái tuổi ngoài 50 trông chị vẫn trẻ chẳng kém gì các học trò mười tám đôi mươi của mình?

Thực sự là tính tình tôi luôn vui vẻ, nên vì thế mà trẻ lâu chăng? Nhưng trên hết là sự lạc quan, yêu đời. Tôi cũng có may mắn được làm việc với nhiều VĐV trẻ, nên phải nói là mình học được họ không ít.

* Chị có thể kể một chút về cái duyên đến với nghiệp bắn súng, đặc biệt là vai trò của một HLV trưởng?

Tôi đam mê bắn súng từ năm 14 tuổi, đến giờ đã trải qua gần 40 năm với nghề. Từ năm 1977 đến 1983, tôi là VĐV, bắn sở trường ở nội dung 25m. Đang ở phong độ đỉnh cao của một VĐV thì Liên đoàn bắn súng thế giới quyết định bỏ nội dung này của nữ, tôi giã từ sự nghiệp VĐV, quyết định theo học lớp huấn luyện viên chuyên ngành bắn súng tại Trường Thể dục Thể thao Matxcơva (Liên Xô cũ).

Cái duyên với nghiệp bắn súng đã kéo tôi về với nghề huấn luyện viên. Từ một VĐV, giờ tôi đang làm Phó Chủ tịch Liên đoàn bắn súng, kiêm HLV trưởng đội tuyển quốc gia. Đến thời điểm hiện tại, ở châu Á có mình tôi là HLV nữ trên cương vị một thuyền trưởng.

* Thật hiếm có người phụ nữ nào lại gắn với 1 môn thể thao ngày nào cũng phải lên đạn, bóp cò, những tiếng nổ nhức tai đến màn “tra tấn” thần kinh ở loạt bắn quyết định. Đâu là tính cách mà chị đã làm nên thương hiệu ở bắn súng Việt Nam?

Nếu bạn hỏi bất cứ VĐV nào mà tôi từng huấn luyện đều nhận được câu trả lời là quá nghiêm khắc, đó là nguyên tắc làm việc của tôi. Không phải tôi mà bất cứ HLV nào cũng vậy. Trong thể thao, vượt qua chính mình đã là một điều khó khăn và phải rèn luyện nghiêm khắc để thành VĐV đỉnh cao càng khó hơn nữa. Do vậy, sự nghiêm khắc sẽ là điều quyết định để vận động viên nỗ lực và xác định được mục tiêu phấn đấu.

 

HLV Nguyễn Thị Nhung và các học trò.

 

* Còn ngoài cuộc sống của chị thì sao?

Trong cuộc sống đời thường, tôi là người yếu mềm. Có những khi đối diện với áp lực, tôi là người kìm nén cảm xúc rất tốt.

* Là HLV bắn súng, những chiến công luôn thầm lặng, thưa chị?

Đúng vậy, bắn súng là môn khô khan, làm việc trong thầm lặng, cho nên tôi muốn các VĐV gặp tôi phải thấy được sức sống mới mỗi ngày. Cá nhân tôi luôn chuẩn bị rất kỹ về hình thức khi ra ngoài. Bởi tôi muốn mang hình ảnh sẵn sàng, giàu sức sống để truyền đến cho các VĐV.

Đỉnh cao sự nghiệp

* Chị đảm trách ghế nóng HLV trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam trong hơn 10 năm liên tục một cách xuất sắc, với những thành quả nổi bật và dấu ấn riêng, khiến ngay cả các đồng nghiệp nam cũng phải nể phục.Đặc biệt, với một HLV có học trò giành HCV Olympic là chưa từng có trong lịch sử. Olympic 2016 đã qua rất lâu rồi, nhưng cảm xúc ngày mà Hoàng Xuân Vinh làm nên điều kỳ tích vẫn còn vẹn nguyên?

Tôi vui và hạnh phúc lắm, có nằm mơ cũng không nghĩ bắn súng Việt Nam lại có HCV Olympic. HCV là niềm mơ ước không chỉ ở VĐV Việt Nam mà tất cả các VĐV trên thế giới. Họ là những người giỏi. Mình cũng giỏi nhưng không thể khẳng định chắc chắn được. Thế nên HCĐ cũng là điều tuyệt vời lắm rồi nhưng không ngờ Vinh lại đoạt HCV.

Tôi đã khóc rất nhiều sau khi Vinh giành HCV, HCB, lập kỷ lục ở Thế vận hội Rio 2016, để giải tỏa những ấm ức bấy lâu. Tôi tin Hoàng Xuân Vinh và các thế hệ kế tiếp của bắn súng Việt Nam sẽ còn làm rạng danh cho thể thao nước nhà.

* Đằng sau tấm huy chương danh giá này, ít người biết rằng, chị là người âm thầm góp phần không nhỏ trong các thành tích đạt được của Hoàng Xuân Vinh cũng như của bắn súng Việt Nam. Điều đó thực sự khiến chị rất tự hào?

Khi tôi hứa với lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Tổng cục TDTT về việc bắn súng sẽ có huy chương ở Thế vận hội Rio 2016, không ít người đã bảo tôi điên. Có người bóng gió rằng tôi tuyên bố như vậy để “câu” thêm kinh phí cho bộ môn và đội tuyển bắn súng, nhưng xưa nay tôi đâu cần “làm màu”. Chính Hoàng Xuân Vinh và các học trò đã mang lại cho tôi niềm tin lớn lao như vậy.

* Đâu là những quyết định mang tính bước ngoặt tạo nên thành công của Hoàng Xuân Vinh cũng như đội tuyển bắn súng tại Olympic 2016?

Có hai quyết định chính xác nhất. Đầu tiên là quyết định rút đội tuyển bắn súng Việt Nam không tập huấn ở Trung Quốc gần 10 năm trước. Bởi thành tích của các xạ thủ Việt Nam không tiến triển mấy khi tập huấn ở Trung Quốc. Quyết định chính xác thứ hai là đội tuyển bắn súng quốc gia quyết định dành nửa kinh phí hàng năm ở đội cho Hoàng Xuân Vinh và đồng đội ở tổ súng ngắn. Nói thật số kinh phí ấy cũng chỉ tập trung tối đa cho việc thi đấu.

 

HLV Nguyễn Thị Nhung và Hoàng Xuân Vinh.

 

Cũng may chúng tôi liên hệ thành công để Hàn Quốc hỗ trợ về tập huấn, chuyên gia với mức chi phí ưu tiên đặc biệt. Nhờ thế, mỗi năm Hoàng Xuân Vinh có thể sang rèn giũa 3 tháng theo các đợt, được thi đấu 7-10 giải quốc tế/năm. Đó chính là một quyết định quan trọng để Hoàng Xuân Vinh liên tục nâng tầm. Tuy nhiên, tôi cho rằng, điều quyết định nhất vẫn là ở chính tài năng đặc biệt và sự khổ luyện phi thường của tuyển thủ quân đội Hoàng Xuân Vinh.

* Trong vòng 4 năm, tức hơn 1.400 ngày, trước mỗi buổi tập bắn súng, Đại tá quân đội, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đều hét lớn: “Tôi là người đoạt huy chương Olympic”. Ít ai biết khẩu hiệu này do chính HLV Nguyễn Thị Nhung đặt ra cho học trò, kể từ khi Hoàng Xuân Vinh trắng tay rời Olympic 2012. Chị có thể chia sẻ về câu chuyện thú vị này?

Tại ASIAD 2010, Xuân Vinh đã trải qua một thất bại đầy bi kịch khi để vuột HCV vì để súng cướp cò đúng viên đạn cuối. Tại Olympic London, tôi cùng Xuân Vinh ở rất gần một tấm huy chương, nhưng một lần nữa lại thất bại. Tôi vẫn còn nhớ như in, trong sự nuối tiếc về lần để vuột HCĐ nội dung 50m súng ngắn tự chọn, với khoảng cách thua người xếp trên vỏn vẹn 0,1 điểm.

“Em làm được. Em sẽ giành huy chương Olympic”. Tôi đã luôn động viên Xuân Vinh khi anh mất niềm tin vào chính bản thân.

Để vượt qua, Hoàng Xuân Vinh đã luyện tập một phương pháp bí mật. Cách luyện tập đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được là trong vòng một năm, mỗi ngày Vinh đứng yên bất động, không di chuyển, không nói, suốt hai tiếng đồng hồ liên tục.

* Để có được thành tích ở đấu trường thế giới đòi hỏi VĐV phải có tài năng và sự rèn luyện vô cùng gian khổ và một bản lĩnh thép, bản thân người HLV phải tìm ra được con đường dẫn dắt VĐV đến đỉnh cao?

“Chất thép” của HLV sẽ là tấm gương truyền cảm hứng, động lực cho học trò. Hoàng Xuân Vinh cũng đặc biệt mạnh mẽ. Tôi và Vinh, hai cá tính mạnh gặp nhau, chuyện xung đột là khó tránh khỏi. Nhiều thời điểm trong công việc, cả hai va chạm như cơm bữa. Nhưng chính những cuộc tranh luận, những bất đồng quan điểm, khiến chúng tôi hiểu nhau hơn. Chúng tôi có thể nói chuyện với nhau về súng đạn cả ngày không chán.

* Đến giờ chị vẫn rất luôn nghiêm khắc với Hoàng Xuân Vinh, dù xạ thủ người Quân đội đang là nhà vô địch Olympic?

Là mẫu người nghiêm túc, luôn đòi hỏi sự hoàn hảo trong công việc nên tôi cũng đặt ra vô số giới nghiêm cho các VĐV. Điển hình như việc cấm tiệt họ sử dụng điện thoại di động, không chỉ trong giờ tập mà cả ở những lúc rảnh rỗi, sinh hoạt đời thường. Vinh hay bất cứ ai cũng phải có kỷ luật, thậm chí phải nghiêm khắc hơn vì mình giờ là người của công chúng.

Trăn trở với nghiệp bắn súng

* Cùng học trò Hoàng Xuân Vinh lập kỳ tích ở Olympic 2016 có thể nói là đỉnh cao của sự nghiệp “cầm quân”. Đến thời điểm này, chị còn nỗi niềm gì với môn bắn súng?

Tôi chỉ mong muốn một điều rằng sau khi bắn súng đã thành công ở đấu trường thế giới, đặc biệt đã giành được HCV và lập kỷ lục Olympic, chúng tôi tiếp tục nhận được sự đầu tư và quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước đối với môn bắn súng này cả về cơ sở vật chất.

Thực tế bắn súng là một trong những mũi nhọn của thể thao Việt Nam, nhưng lại chưa được đầu tư tương xứng. Trường bắn Nhổn - Hà Nội (Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia) lạc hậu nhất nhì khu vực Đông Nam Á. Đến giờ các VĐV Việt Nam vẫn phải tập bắn bằng bia giấy (trong khi thi bia điện tử).

Ngoài một số VĐV trọng điểm được cấp súng, đạn ở mức “vừa đủ”, thì hầu hết đều tập chay, đạn nhiều khi phải đi “vay” trước mỗi giải đấu.

* Theo chị, sự đầu tư như thế nào mới tương xứng với một môn mũi nhọn như bắn súng?

Cả bộ môn bắn súng với rất nhiều kế hoạch tập huấn, thi đấu của hàng chục VĐV, nhưng lại chỉ được nhận khoảng 4 tỷ đồng mỗi năm, tương đương với mức đầu tư cho VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội). Nhờ các mối quan hệ của mình, tôi đã bù đắp phần nào những thiệt thòi, thiếu thốn, nhưng tình trạng này không thể kéo dài.

Chúng ta không thể đứng mãi trên thành công sau tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh. Vấn đề mang tính sống còn với bắn súng Việt Nam là đảm bảo về cơ sở tập luyện, thiết bị súng ống đạn dược, những kế hoạch tập huấn nước ngoài và xa hơn nữa là sự phát triển một cách đồng bộ, toàn diện cho môn bắn súng.

Xin cảm ơn chị!       

HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung chưa bao giờ khóc trong mỗi thành công hay thất bại của các học trò. Nhưng “người đàn bà thép” của bắn súng Việt Nam đã khóc nhiều lần sau tấm HCV lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở Olympic 2016. Đó là những giọt nước mắt của niềm tự hào, hạnh phúc, và có lẽ cả sự nghiệp HLV mới được trải qua những cảm xúc đặc biệt như vậy.

QUANG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh