Hình tượng trâu trong văn hóa dân gian
- Văn hóa - Giải trí
- 14:29 - 11/02/2021
1. xa xưa, con trâu đã là một vật nuôi quen thuộc, gắn bó với nông thôn, làng mạc, ruộng đồng và cuộc đời "một nắng, hai sương" của người nông dân. Không chỉ gắn bó mật thiết với người nông dân, mà con trâu còn giữ vai trò quan trọng đối với sản nghiệp của họ. Vì thế "con trâu là đầu cơ nghiệp" đối với người nông dân Việt Nam, là vốn liếng sản nghiệp của một gia đình. Ba việc lớn trong cuộc đời người đàn ông xưa là "tậu trâu" mới "lấy vợ" và "làm nhà".Khi mà công việc đồng áng của người nông dân chưa được cơ giới hóa, thì việc cày bừa chủ yếu nhờ vào sức kéo của con trâu. Do vậy, trâu không chỉ là loại vật nuôi bình thường như những loại vật nuôi khác, mà còn là "người bạn đồng hành" cùng họ trong mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp. "Trâu ơi, ta bảo trâu này/Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/Cấy cày vốn nghiệp nông gia/Ta đây trâu đấy ai mà quản công/Bao giờ cây lúa còn bông/Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn". Hay bài ca dao: "Nghé ơi, ta bảo nghé này/Nghé ăn cho béo, nghé cày cho sâu/Ở đời khôn khéo cho đâu/Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần". Qua cái nhìn văn hóa dân gian, nhất là tục ngữ, ca dao, dân ca thì giá trị của con trâu, sự gắn bó của con trâu với những người nông dân ở làng quê Việt Nam càng hiện lên rõ ràng hơn, sinh động hơn. Đó là cả trâu với người đều chung chịu sự nhọc nhằn, quanh năm vất vả "một nắng, hai sương".
2 . Ở các làng quê Việt Nam, cách nay chưa xa lắm, ta vẫn thường bắt gặp những đàn trâu ung dung gặm cỏ trên những cánh đồng sau mùa gặt, tiếng sáo diều vi vút vọng trên từng không hòa trong tiếng cười hồn nhiên của những trẻ mục đồng luôn là những hình ảnh gợi lên cảnh thanh bình với vẻ đẹp thật nên thơ. Con trâu trong dòng tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh) rất phong phú, đa dạng về nội dung như: "Chăn trâu thả diều" "Hiếu Học" (Chăn trâu đọc sách), "Chọi trâu", "Lão nông nghỉ ngơi", "Chăn trâu thổi sáo"…với những hình ảnh thật sống động nói lên sự gắn kết thân thiết giữa con người (từ trẻ mục đồng tới lão nông) với con trâu như người bạn cùng chia sẻ buồn vui. Bức tranh "Chăn trâu thổi sáo" với bố cục chặt chẽ, màu sắc hài hòa, miêu tả một chú bé với khuôn mặt khôi ngô, thân hình khỏe mạnh, trên đầu đội một lá sen tỏa rộng, ngồi trên lưng trâu ung dung thổi sáo, xung quanh là cỏ cây hoa lá, đất trời khoáng đạt. Con trâu trong bức tranh đang vểnh cả hai tai lên thật ngộ nghĩnh, chân tung tăng trên cỏ, với vẻ mặt tươi vui như thể đang nghe và nhảy theo nhịp tiếng sáo bay bổng du dương. Bức tranh cho thấy cảnh thanh bình an lạc của cuộc sống nơi thôn quê thật sống động và thơ mộng. Trong quan niệm tôn giáo, đối với đạo Phật con trâu được coi là một trong những linh thú, được chạm khắc, tạc tượng trong những công trình kiến trúc chùa chiền tiêu biểu như chùa Kim Ngưu, chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Cảnh Phúc (Nam Định). Đặc biệt đến thời nhà Lý, khi đạo Phật trở thành quốc giáo, thì ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), được xây dựng vào năm 1057, đã tạc cặp tượng trâu to bằng trâu thật, trên đài sen ở sân chùa rất sống động và ấn tượng.
3. Trâu là loài vật xuất hiện sớm nhất trong tiềm thức của người dân Việt Nam, với biểu tượng của tính cách hiền lành, chịu khó, là biểu tượng của sức khỏe và sự chất phác thật thà đáng yêu. Trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, nhất là các dân tộc ít người coi trâu là một linh vật gắn với nhiều truyền thuyết và tín ngưỡng thờ cúng trong dân gian bản địa. Sử sách chép rằng, thời Lý, Trần (thế kỷ XI - XIV) đã lấy nông nghiệp làm nguồn kinh tế chính, nên từ năm 1123, vua Lý Nhân Tông đã xuống lệnh cấm giết trâu ăn thịt, ai vi phạm sẽ phạt nặng. Nhà Trần cũng noi theo, quy định hình phạt nặng về các tội ăn trộm và giết hại trâu. Hàng năm vào ngày đầu xuân, nhà vua thân chinh tới lễ đàn tế Thần Nông và trong ngày lễ này trâu được tắm rửa sạch sẽ, mặc gấm vóc. Sau khi tế Thần Nông xong, nhà vua xuống ruộng cày một đường tượng trưng, để mở đầu cho vụ mùa năm mới, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái, dân an. Trong dân gian ở nhiều vùng thôn quê Việt Nam từ lâu vẫn lưu truyền về phong tục Tết trâu, với nghi lễ mang tính tâm linh sâu sắc, thể hiện sự biết ơn, quý trọng của con người đối với con trâu. Hằng năm, vài ngày trước Tết Nguyên đán, người ta tìm thứ cỏ thật ngon và một bó rơm khô để thưởng cho trâu ăn Tết. Những ngày này trâu được gia chủ tắm rửa sạch sẽ, chuồng cũng được quét dọn thật kỹ càng tươm tất… Năm mới, gia chủ cũng chọn ngày tốt dắt trâu ra đồng thưởng xuân và cày thử vài đường cày để lấy may mắn. Trong câu chuyện kể về Yết Kiêu, viên tướng của Trần Hưng Đạo, đã nhờ có trâu thần mà có sức khỏe vô địch. Truyền thuyết kể rằng, một lần Yết Kiêu thấy có hai con trâu húc nhau dưới nước, đã nhảy xuống ngăn thì trâu hai con trâu đang chọi nhau rất hăng bỗng biến mất trong chớp mắt, chỉ để lại dấu vết mấy cái lông trâu. Yết Kiêu nuốt lông trâu vào bụng và từ đó trở nên có sức mạnh và tài bơi lội khó ai sánh kịp. Theo dân gian, trước đời Yết Kiêu, trâu thần cũng đã hiện ra trên bờ biển Đồ Sơn chọi nhau trong đêm tối, làm cả vùng đất sáng rực hào quang, và sau đó là một cơn mưa làm ruộng đồng đầy nước, cây cỏ trong vùng tốt tươi. Tin và sự phép mầu nhiệm từ truyền thuyết đầy linh thiêng này mà đất Đồ Sơn có truyền thống chọi trâu. "Dù ai buôn đâu bán đâu/Mồng mười tháng tám chọi trâu thì về/Dù ai buôn bán trăm bề/Mồng mười tháng tám trở về chọi trâu".