THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 02:45

Hình tượng chúa sơn lâm trong văn hóa dân gian

Bức phù điêu thờ Chúa sơn lâm ở đình Cẩm An, huyện Gò Dầu (Tây Ninh).

Bức phù điêu thờ Chúa sơn lâm ở đình Cẩm An, huyện Gò Dầu (Tây Ninh).

1. Việt Nam thuộc miền nhiệt đới ẩm, có nhiều rừng rậm, đồi núi, rất phù hợp cho sự phát triển của loài hổ, do đó hổ xuất hiện nhiều trong tự nhiên từ rất lâu đời. Do đặc tính nhanh nhẹn và sức mạnh của nó, từ xa xưa cư dân người Việt đã tôn xưng, phong cho hổ là Chúa sơn lâm. Nhiều nơi do tâm lý sợ hổ, kiêng kỵ gọi tên hổ, nên gọi bằng những tên khác như: Ông Ba Mươi, Ông Cọp, Ông Thầy, Ông Cả, Hương Cả... Điều đó chứng tỏ loài hổ có một vị trí rất quan trọng trong đời sống văn hóa vật chất cũng như văn hóa tinh thần của người Việt. Cùng với thời gian và sự phát triển của đời sống văn hóa, xã hội, loài hổ được đặc biệt quan tâm và hình tượng Chúa sơn lâm đã xuất hiện trong văn hóa của cư dân Việt. Theo các nhà khảo cổ học, trên mặt những chiếc trống đồng Đông Sơn có cách đây khoảng 2.500 - 3.000 năm, đã xuất hiện hình ảnh Chúa sơn lâm được chạm khắc rất tinh tế.

Không chỉ trên trống đồng, trong những di tích người ta tìm thấy tượng Chúa sơn lâm bằng đá sớm nhất từ thời Trần, được thể hiện trên chiếc nhang án tại chùa Xuân Lũng (Phú Thọ). Thời hậu Lê, tượng đá Chúa sơn lâm xuất hiện ở lăng mộ Lê Lợi (Lam Kinh, Thanh Hóa), với nhiệm vụ canh gác và giữ của cho người chết. Đến thời kỳ Nho giáo phát triển, hình ảnh uy dũng của Chúa sơn lâm được chạm khắc trên nhiều công trình kiến trúc tôn giáo và thể hiện cho những người khoa bảng thi cử đỗ đạt, với cụm từ “Bảng hổ danh đề”.

Hình ảnh Chúa sơn lâm xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm hội họa dân gian, nhất là những bức tranh Ngũ hổ của dòng tranh Hàng Trống (Hà Nội), Đông Hồ (Bắc Ninh)... Ngũ hổ không chỉ là những tác phẩm hội họa đặc sắc về nghệ thuật mà ẩn chứa nhiều thông điệp của nền văn hóa cổ phương Đông. Đó là hình tượng 5 con hổ (ngũ hổ) được bố cục cân đối trên mặt giấy, mỗi con một dáng vẻ (con đứng, con ngồi, con cưỡi mây lướt gió…) từ vẻ mặt, ánh mắt, chòm râu cùng toàn thân toát lên sức sống mãnh liệt và uy linh của Chúa sơn lâm.

Tranh dân gian thờ Ngũ hổ của Hàng Trống (Hà Nội).

Tranh dân gian thờ Ngũ hổ của Hàng Trống (Hà Nội).

2. Hình ảnh Chúa sơn lâm cũng đã đi vào nền văn hoá dân gian Việt Nam với những hình thức thể hiện hết sức phong phú, đặc sắc. Theo thống kê chưa đầy đủ của các nhà nghiên cứu văn học dân gian, trong cộng đồng người Việt có hơn 1.200 câu ngạn ngữ, phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca liên quan tới Chúa sơn lâm.

Trong đó, những câu thành ngữ nói về Chúa sơn lâm được sử dụng rộng rãi phổ biến trong lời ăn tiếng nói, cũng như sáng tác văn học, với những câu ngắn gọn, hàm súc, giàu tính hình tượng, biểu cảm cao. Ví như, để nói về những kẻ bản chất vốn hèn nhát, nhưng lại thường mượn danh nghĩa của người mạnh, hay dựa vào thế lực của người khác để giương oai múa võ, lên mặt hợm hĩnh, chèn ép những người yếu thế trong cộng đồng, thì dân gian có những câu thành ngữ rất ấn tượng như: “Cáo mượn oai hùm” hay “Dựa hơi hùm, vểnh râu cáo”.  Hoặc những kẻ luôn tỏ ra táo tợn, mạnh mẽ, nhưng thực chất trong lòng lại rất nhút nhát, sợ sệt, yếu đuối, nên thường được ví: “Miệng hùm gan sứa”.

Khi nói về cách dùng mưu kế để dẫn dụ, tách đối phương ra khỏi môi trường sống quen thuộc, hay nơi ẩn nấp cố thủ thật an toàn để dễ bề chinh phục, tiêu diệt, trong dân gian có câu: “Điệu hổ ly sơn”. Ngược lại, nếu ai đó làm việc dại dột, tạo điều kiện cho kẻ mạnh hoành hành ở chính môi trường quen thuộc của chúng thì thành ngữ có câu: “Thả hổ về rừng”. Hoặc nếu chỉ những hành động dại dột, có tính liều lĩnh, chọc tức những kẻ có sức mạnh, có uy quyền hơn mình lại có câu: “Vuốt râu hùm”. Trong cuộc sống, khi tránh được kẻ hung hãn, độc ác này lại gặp phải kẻ khác tàn ác hơn, hung hãn hơn, đáng sợ hơn, dân gian ví đó là họa: “Tránh hùm mắc hổ”.

Trong kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam phong phú, đa dạng, đặc sắc có rất nhiều truyện cổ tích nói về Chúa sơn lâm mang yếu tố hư cấu, kỳ ảo nhưng lại có tính giáo huấn cao. Đó là “Sự tích con hổ”, “Sự tích ông Ba Mươi”, “Thỏ rừng và hùm xám”, “Con gà và con hổ”, “Người học trò và con hổ”, “Con hổ và cóc”, “Con hổ và bốn chú bò”… Đặc biệt, truyện cổ tích “Trí khôn của ta đây” đã cuốn hút tuổi thơ bao thế hệ. Truyện kể rằng, con hổ từ trong rừng đi ra, vì tò mò muốn biết về trí khôn của con người, nên đã bị anh nông dân lừa trói vào gốc cây, lấy rơm chất xung quanh, vừa châm lửa đốt, vừa quát lớn “trí khôn của ta đây”. Khi đó hổ mới nhận ra trí khôn của con người, nhưng bộ lông của nó mãi mãi có những lằn đen do bị cháy dở.

Tranh dân gian thờ Ngũ hổ của Đông Hồ (Bắc Ninh).

Tranh dân gian thờ Ngũ hổ của Đông Hồ (Bắc Ninh).

3. Tín ngưỡng thờ Chúa sơn lâm (thần Hổ) là sự tôn sùng, thần thánh hóa loài hổ cùng với việc thực hành hoạt động thờ phụng bằng các phương thức khác nhau, từ xa xưa rất được phổ biến ở một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Theo quan niệm phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, đều xem Chúa sơn lâm là loài tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng trong các loài muông thú và là linh vật trong 12 con giáp được coi là tứ Thánh cai quản Tây phương. Chúa sơn lâm thuộc sứ giả nhà trời được Ngọc Hoàng thượng đế phái xuống hạ giới ban phước, bảo vệ người lành, đồng thời giáng họa, trị tội những kẻ ác, hướng con người tới chân, thiện, mỹ.

Bức bình phong vẽ hình Chúa sơn lâm ở đình Xà Phiên, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ (Hậu Giang).

Bức bình phong vẽ hình Chúa sơn lâm ở đình Xà Phiên, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ (Hậu Giang).

Nguồn gốc, sự tích thờ Chúa sơn lâm rất đa dạng, phong phú, mỗi dân tộc, mỗi vùng có sự tích khác nhau, nhưng nói chung đều thể hiện có chức năng trừ tà ma và biểu thị cho quyền năng, sức mạnh phi thường. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tực thờ này bắt nguồn từ cuộc sống nguyên thủy, khi con người còn sống trong điều kiện săn bắt, hái lượm hoặc ở giai đoạn đầu của cuộc sống nông nghiệp, Chúa sơn lâm chính là biểu tượng cho sức mạnh thiên nhiên gần gũi và cũng là tai họa đối với con người, do đó con người thờ Chúa sơm lâm. Chính vì thế tục thờ Chúa sơn lâm đã đi vào tín ngưỡng dân gian của nhiều cộng đồng dân tộc, nhất là cư dân ở những vùng núi cao, rừng thẳm thì việc thờ Chúa sơn lâm càng trở nên cung kính, linh thiêng, thần bí.

Chúa sơn lâm được con người thờ phụng với vị thế là thần khai tổ, thần giám hộ, thần hộ môn (giữ cửa), thần vệ đạo. Với tâm thế này, hổ được coi là phúc Thần (thần may mắn). Chúa sơn lâm luôn được thờ phụng trong những không gian tín ngưỡng tâm linh rất tôn nghiêm, linh thiêng như đình, đền, chùa, ban thờ thông qua nghi thức cúng tế tranh thờ, tượng thờ, phù điêu…

Trong nhận thức tâm linh của cư dân Nam bộ “từ thuở mang gươm đi mở cõi” hổ được coi là vị Chúa sơn lâm cai quản rừng núi và ngự trị muôn loài. Chính vì thế hầu hết đình, miếu, đền, am đều có bàn thờ thần Cọp (Chúa sơn lâm) một cách trang trọng thiêng liêng với bài vị mang tên “Sơn quân chi thần”, “Sơn quân mãnh hổ”, “Sơn lâm chúa xứ”, “Sơn quân đại tướng quân”. Trước các ngôi đình, đền, chùa, miếu thường có những bức bình phong, hương án trấn được chạm trổ, đắp nổi tượng, phù điêu hoặc vẽ thể hiện vị Chúa sơn lâm với dáng vẻ thật uy nghi, dũng mãnh.

Điêu khắc Chúa sơn lâm mẹ và con ở đình Trùng Hạ, huyện Gia Viễn (Ninh Bình).

Điêu khắc Chúa sơn lâm mẹ và con ở đình Trùng Hạ, huyện Gia Viễn (Ninh Bình).

Lương Định

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh