THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:46

Hiệu quả từ nghị quyết phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa

Theo nghị quyết, Ngân hàng nông nghiệp & phát triển nông thôn Hà Giang được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện giải ngân tín dụng, khuyến khích, hỗ trợ cá nhân, gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp phát triển sản xuất. Trên cơ sở đó, tính đến hết ngày 25/7/2016, ngân hàng đã thẩm định 591 hộ đủ điều kiện vay vốn phát triển kinh tế với số tiền vay là 51,917 tỷ đồng. Trong đó, nhóm hộ được vay để chăn nuôi trâu, bò chiếm tỷ lệ cao là 486 hộ, với số tiền được vay là 40,238 tỷ đồng; cho vay đầu tư thâm canh vườn cam là 55 hộ, với tổng số tiền 7,54 tỷ đồng...

Có thể nói, từ khi bắt tay thực hiện nghị quyết, nhiều người dân có nhu cầu đã tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Điển hình cho việc phát huy có hiệu quả nguồn vốn là gia đình anh Thèn Văn Tung (huyện Hoàng Su Phì). Nhận thấy việc nuôi trâu sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao nên anh đã quyết định đăng ký vay 100 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố và mua thêm 4 con trâu sinh sản, nâng tổng đàn trâu của gia đình lên 7 con. Anh Tung chia sẻ: Mình muốn mở rộng chăn nuôi nhưng lại khó khăn về nguồn vốn. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay từ Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh mà gia đình mình có điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Cái nghèo, cái đói chẳng mấy chốc mà bị đẩy lùi xa đâu.

Cũng như anh Tung, nhờ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá mà nhiều gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Đến thăm mô hình chăn nuôi của gia đình anh Tráng Văn Lù (xã Tụ Nhân, huyện Hoàng Su Phì) một trong những người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi nhốt trâu bò vỗ béo, gia đình anh hiện có 20 con trâu bò nuôi nhốt theo hình thức bán chăn thả. Ngoài tận dụng nguồn cỏ tự nhiên để làm thức ăn cho đàn trâu bò, gia đình anh cũng đầu tư trồng 2ha cỏ sãn sàng vỗ béo cho đàn gia súc. Anh Lù chia sẻ: Kỹ thuật nuôi trâu, bò vỗ béo khá đơn giản, có thể nuôi bán chăn thả hoặc nhốt chuồng hoàn toàn. Thức ăn để vỗ béo chủ yếu là rau, cỏ voi trộn lẫn cám và thường xuyên bổ sung thức ăn tinh như ngô, khoai, sắn... để đàn gia súc nhanh lớn. Sau 9 tháng đến 1 năm chăm sóc tốt, trọng lượng con trâu, bò có thể tăng 50 - 70%, như vậy có thể thu lãi từ 15-20 triệu đồng một con. Bên cạnh đó, gia đình anh luôn chú trọng công tác vệ sinh chuồng trại và tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ thú y...

Hoặc như gia đình Hầu Văn Đông (xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì), nếu như trước đây gia đình anh chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc không ngoài mục đích phục vụ cày kéo, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn thì giờ cuộc sống gia đình anh đã khác nhiều. Theo đó, nhận thấy điều kiện đất đai rộng lớn, gia đình anh đã vay mượn vốn để phát triển chăn nuôi trâu hàng hóa. Hiện nay, trong chuồng của gia đình anh thường xuyên duy trì từ 13-14 con trâu. Anh Đông chia sẻ: Hiện nay, gia đình anh chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả, ngoài tận dụng nguồn cỏ tự nhiên để làm thức ăn cho đàn trâu, anh còn trồng thêm gần 1 ha cỏ để vỗ béo đàn trâu. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu nhập 40–50 triệu đồng từ chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa.

Không chỉ có gia đình anh Đông, mà còn có nhiều hộ gia đình ở các thôn: Nậm Ty, Nậm Lìn, Tấn Xà Phìn, Tả Hồ Piên..., cũng đã phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa.

Cùng với đó, theo ghi nhận từ huyện Bắc Mê, số lượng các cá nhân và tập thể có nhu cầu vay vốn với mục đích phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tiếp tục gia tăng. Còn tại huyện Xí Mần, huyện đã xác định ngành chăn nuôi trở thành xương sống trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Ông Bùi Minh Hiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Xí Mần cho biết: Mục tiêu đầu tư chăn nuôi gia súc chiếm trên 35% giá trị sản xuất nông nghiệp vào năm 2020 đã được Đảng bộ huyện xác định là “mũi nhọn đột phá” để xóa nghèo, để hội nhập kinh tế. Mục tiêu trên đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, thực hiện bài bản và được làm từng bước vững chắc. Và để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc, huyện đã chủ động chuyển đổi một lượng diện tích đất trồng cây lương thực kém hiệu quả để trồng mới trên 250 ha cỏ.

Chung tay thực hiện mục tiêu nghị quyết, các huyện trong tỉnh tiếp tục tích cực huy động mọi nguồn lực để giúp người dân được vay vốn phát triển chăn nuôi đàn gia súc. Ðồng thời, thực hiện việc chuyển giao các tiến bộ KHKT giúp người dân nâng cao được hiệu quả chăn nuôi, nhất là chất lượng con giống, chuyển đổi diện tích đất không chủ động nguồn nước sang trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, qua đó góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Với những chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa từ Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh Hà Giang đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực và tạo sự bứt phá trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi của huyện; từng bước làm thay đổi tư duy, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ của người dân sang chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Và đặc biệt, đây là đòn bẩy, mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân tại địa phương.

HUYỀN NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh