Hiệu quả từ mô hình 9+
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:25 - 22/04/2021
Em Trần Xuân Mạnh, lớp 12A4 học hệ 9+ Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi cho biết: "Nhà nghèo, có 2 anh em, bố mẹ đều làm nông nghiệp nên em muốn học nghề sau này có thể tốt nghiệp sớm, đi làm hỗ trợ bố mẹ. Lúc đầu nghe nói sẽ phải học nghề một trường, văn hóa ở một trường khác khiến em hoang mang và lo lắng vì không thể cùng một ngày di chuyển 20 - 30km để đi học. Nhờ trường liên kết được với Trung tâm GDTX, các thầy cô đến tận trường dạy nên em cũng bớt vất vả hơn, vừa không phải đi xa, vừa không tốn kém. Em rất hài lòng về quyết định học nghề sớm của mình".
Mặc dù đã kết thúc học văn hóa và thi đậu THPT quốc gia nhưng em Nguyễn Thành Trung (Hưng Yên) quyết định học liên thông lên cao đẳng. Trung từng học nghề 9+ và đạt được nhiều thành tích. Năm 2019, Trung giành giải Nhất cuộc thi cơ điện của Bộ NN&PTNT, sau đó giành giải Ba thi Kỹ năng nghề cấp quốc gia. Trung tâm sự: "Đến giờ em hoàn toàn tin tưởng vào quyết định học nghề của mình. Trong khi các bạn cùng tuổi đang học lớp 12 thì em sắp tốt nghiệp, đi làm".
Chia sẻ thêm về câu chuyện học tập, Trung cho biết, dù mong muốn được đi học nghề, làm nghề nhưng các em đều mong muốn có bằng tốt nghiệp THPT. Bởi đó là tấm "hộ chiếu" để nếu sau này cần, em có thể học lên cao hơn. "Còn 3 tháng nữa là em sẽ tốt nghiệp, công ty điện lạnh ở Hà Nội đã đồng ý tiếp nhận em vào làm việc chính thức với mức lương 11 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương đáng mơ ước với một học sinh nghèo như em".
Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đào tạo nghề 9+, bà Đỗ Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cơ điện và Thủy lợi cho biết, tuyển học sinh học 9+ chiếm tới 2/3 tổng số học sinh của trường. Hiện số lượng vào hơn 1.000 học sinh. Chất lượng đào tạo văn hóa và đào tạo nghề của trường nhiều năm qua được đánh giá tốt. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghề đạt 100%. Riêng văn hóa THPT, 97,62% (cao hơn tỷ lệ chung tại địa phương 97,33%) học sinh thi đậu tốt nghiệp THPT và nhận bằng THPT quốc gia.
Để có được kết quả trên, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp, như: Tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho phụ huynh và học sinh về ưu việt của mô hình 9+. Phối hợp với các trường THCS tổ chức các chương trình tham quan trải nghiệm tại trường để giúp các em có thêm thông tin về trường và ngành nghề muốn học cùng xu hướng nghề nghiệp tương lai...
Ông Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề và Công tác xã hội cho biết, cả nước có hơn 300.000 học sinh THPT đang vừa học văn hóa, vừa học nghề. Thay vì phải kéo dài thời gian học tập 3 năm THPT và 2 - 4 năm cao đẳng hay đại học thì chỉ sau 3 năm vừa học văn hóa, vừa học nghề, các em có thể bước chân vào thị trường lao động với đầy đủ kỹ năng của người thợ trình độ trung cấp. Không những vậy, các em còn có bằng tốt nghiệp THPT.
Một số trường nghề cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua cho thấy, học sinh học văn hóa tại trường nghề có kết quả cao do được bố trí đủ giáo viên, cơ sở vật chất. Trong khi đó, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên rất khó đảm nhiệm dạy văn hóa có cả nghìn học sinh cùng lúc.