THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:39

Hiệu quả từ đề án bệnh viện vệ tinh

 

Các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thực hiện ca chụp DSA để chẩn đoán bệnh.

 

Theo đề án bệnh viện vệ tinh, Đồng Nai có ba bệnh viện gồm: Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Đồng Nai, BVÐK Thống Nhất, Bệnh viện Nhi là bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện: Chợ Rẫy, Nhi Đồng 2, Từ Dũ, Ung bướu tại TP. Hồ Chí Minh. Dự án được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn một từ năm 2013 - 2015, giai đoạn hai từ 2016 - 2020. Sau khi hoàn thành giai đoạn một, các bệnh viện vệ tinh ở Đồng Nai đã làm chủ được các kỹ thuật y học cao do bệnh viện hạt nhân chuyển giao, thiết thực giúp người bệnh, nhất là người bệnh nghèo được tiếp cận và được sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại các cơ sở y tế tỉnh nhà.

Do làm chủ được chuyên môn, kỹ thuật, từ đầu năm 2016 đến nay, BVĐK Thống Nhất đã thực hiện nhiều ca can thiệp tim mạch phức tạp. Cụ thể, giữa tháng 10 vừa qua, dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa Phẫu thuật tim Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ Khoa Hồi sức - phẫu thuật tim BVĐK Thống Nhất đã thực hiện thành công ca phẫu thuật tim hở đầu tiên ở Đồng Nai. Sau phẫu thuật, chị Nguyễn Thị Phương Bích L. (26 tuổi), xã Phú Trung, huyện Tân Phú bị bệnh tim bẩm sinh, hở van ba lá, thông liên nhĩ, tình trạng thể lực phục hồi tốt. Hay mới đây, dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ, bác sĩ Phạm Minh Ánh, Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ BVĐK Thống Nhất đã thực hiện thành công ca đặt stent graft (giá đỡ) động mạch chủ bụng đầu tiên tại Đồng Nai cho người bệnh Vũ Văn V. 75 tuổi, ngụ tại khu phố 3, phường Tân Biên, TP Biên Hòa.

Bác sĩ Phạm Quang Huy, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp BVĐK Thống Nhất cho biết: Người bệnh nhập viện trong tình trạng mệt, đau bụng. Qua kiểm tra, thấy túi phình ở động mạch chủ bụng đã phát triển nhanh lên 45 mm (bình thường khoảng 25 mm) nên quyết định đặt stent graft vào động mạch chủ bụng. Nếu không được can thiệp kịp thời, có thể dẫn đến vỡ động mạch chủ bụng đó.

Sau giai đoạn một thực hiện dự án bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch can thiệp tại BVĐK Thống Nhất, tình hình người bệnh chuyển lên tuyến trên giảm từ 47,4% xuống còn 2,72%. Bệnh viện cũng xây dựng thành công đơn vị vệ tinh tim mạch can thiệp, tiến hành can thiệp tổng cộng 1.976 ca bệnh, trong đó đã tự thực hiện can thiệp cho 386 trường hợp.

Theo bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc BVĐK Thống Nhất, số người bệnh đến khám về tim mạch những năm qua ngày càng tăng. Trước đây, trung bình mỗi tháng bệnh viện phải chuyển từ 40 đến 50 ca lên tuyến trên để can thiệp tim mạch. Tuy nhiên, từ khi Trung tâm Can thiệp tim mạch của bệnh viện đi vào hoạt động, số ca chuyển lên tuyến trên giảm hẳn, phần lớn được thực hiện can thiệp ngay tại bệnh viện. Bác sĩ Dũng cũng cho biết, cấp cứu người bệnh tim mạch “thời gian vàng” là rất quan trọng. Thực tế, có nhiều trường hợp cấp cứu, nếu di chuyển xa, người bệnh có thể chết ngay trên đường đi, cho nên nếu được cấp cứu điều trị ở tuyến dưới, thì người bệnh có cơ hội sống cao.

Tại BVĐK Đồng Nai, hai chuyên khoa được lựa chọn để chuyển giao kỹ thuật từ dự án bệnh viện vệ tinh là Ngoại tổng quát và Ngoại thần kinh. Trong giai đoạn một, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuyển giao ba gói kỹ thuật cho chuyên khoa ngoại thần kinh và sáu gói kỹ thuật chuyên khoa ngoại tổng quát. Sau khi được chuyển giao, làm chủ các kỹ thuật này, số lượng người bệnh được chẩn đoán, điều trị ở hai chuyên khoa này đã là hơn một nghìn trường hợp. Đáng chú ý, các bác sĩ của BVĐK Đồng Nai đã làm chủ được thêm nhiều kỹ thuật cao, tự thực hiện được những ca phẫu thuật khó. Tình hình chuyển tuyến cũng kéo giảm rõ rệt, tại Khoa ngoại Thần kinh giảm từ gần 22% (năm 2014) xuống còn 9,6% (năm 2015); Khoa ngoại Tổng quát 18,7% (năm 2014) xuống còn 8,7% (năm 2015).

Phó Giám đốc BVĐK Đồng Nai, bác sĩ Trương Thiết Dũng cho biết: Thực hiện theo dự án bệnh viện vệ tinh, BVĐK Đồng Nai đã cử nhiều bác sĩ lên Bệnh viện Chợ Rẫy học hỏi kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn. Sau đó mời các bác sĩ đầu ngành của Bệnh viện Chợ Rẫy xuống hướng dẫn, thực hành, chuyển giao kỹ thuật. Hiệu quả lớn nhất của dự án này là trình độ, chuyên môn của các bác sĩ đã được nâng cao, tự mình thực hiện được các ca bệnh phức tạp mà trước đây chỉ thực hiện được tại các bệnh viện tuyến trên.

Trên cơ sở kết quả của giai đoạn một, BVĐK Đồng Nai tự tin triển khai giai đoạn hai của đề án bệnh viện vệ tinh. Theo đó, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh sẽ chuyển giao cho BVĐK Đồng Nai 15 gói kỹ thuật, như: đào tạo bác sĩ thực hành ung thư cơ bản; hóa trị các bệnh lý ung thư; gói kỹ thuật điều trị phẫu thuật ung thư bệnh lý tuyến giáp, đầu cổ; kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh; giải phẫu bệnh lý, hóa mô miễn dịch; xạ trị ngoài các bệnh lý ung thư… Việc chuyển giao này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cũng như giúp người bệnh ung thư được chẩn đoán và điều trị ngay tại tỉnh nhà, giảm thời gian và chi phí; đồng thời giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, nhất là Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, một “điểm nóng” về quá tải bệnh viện tại khu vực phía nam.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh