THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:34

Huyện Tây Hòa (Phú Yên): Học nghề nông để làm giàu

 

Anh Đặng Ngọc Lý ở thôn Phước Thành Đông, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa tham gia lớp học nghề cho lao động nông thôn từ tháng 9 đến tháng 11/2016. Anh Lý cho biết, từ khi tham gia lớp học nghề, anh đã nắm vững kiến thức về chăm sóc, phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm nên đã mạnh dạn phát triển sản xuất chăn nuôi với quy mô lớn hơn, kết quả sản xuất đã mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Từ đó đã giúp anh tự tin trong việc mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi gia súc gia cầm. "Hiện nay gia đình tôi đã hình thành trang trại chăn nuôi khép kín với 22 con heo nái, 170 con heo thịt, 2.000 con gà, 11 con bò. Số lượng này đã tăng hơn gấp đôi so với trước khi học nghề. Năm 2017, tôi còn nuôi thêm 500 con vịt xiêm nữa", anh Lý phấn khởi.

 

Nhờ học nghề mà anh Lý áp dụng KHKT vào chăn nuôi hiệu quả.


 Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi mà năng suất trong chăn nuôi của gia đình anh Lý tăng lên rõ rệt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Lý cho biết, kết quả sản xuất kinh doanh trong năm 2016, sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận mang lại cho gia đình anh lên đến gần 600 triệu đồng. Sang năm 2017, anh Lý cho biết, do giá heo hạ từ 45.000 đồng/kg hơi nay chỉ còn dưới 30.000 đồng khiến lợi nhuận trong chăn nuôi heo giảm đi rõ rệt. Tuy nhiên, nhờ gia đình chăn nuôi nhiều loại như bò, gà, vịt xiêm nên bù đắp lại phần lợi nhuận giảm trong chăn nuôi heo. Kết quả từ đầu năm 2017 đến nay, sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận từ chăn nuôi đã mang lại cho gia đình anh Lý khoảng 200 triệu đồng. Đây là thu nhập đáng mơ ước của bao gia đình nông dân khi biết cách làm ăn ngay trên chính mảnh đất quê hương của của mình.

Rời nhà anh Lý, chúng tôi đến nhà anh Trần Ngọc Hào cũng là một nông dân tham gia khóa học nghề “Nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò” từ tháng 7 đến tháng 10/2017. Anh Hào cho biết, trước đây khi chưa tham gia khóa học, anh chỉ chăn nuôi bò theo kinh nghiệm, cảm tính. Thức ăn cho bò chỉ là cắt cỏ tự nhiên, ngày có thì cho ăn nhiều, không thì cho ăn ít nên bò thường gầy, ít phát triển. Khi tham gia khóa học anh đã biết quy trình chăn nuôi bò đạt hiệu quả. Như tận dụng nguồn thức ăn cho bò phong phú hơn: cây bắp khô ủ lên men, ủ rơm khô, cỏ non cắt cho ăn, lấy gốc ủ tiếp; làm đá liếm cho bò qua các nguyên liệu: vôi, đường, xi măng, cám nghiền ép lại thành cục để cho bò liếm. Anh đã biết cách phòng trừ bệnh cho bò khi mắc bệnh tụ huyết trùng, chướng hơi dạ cỏ, bò cái đẻ ngược…

Anh Hào mới bán 2 con bò 65 triệu và tiền tích lũy xây nhà ngôi nhà khang trang đến 200 triệu đồng. Hiện anh còn 5 con bò, trong đó có hai bò cho phối giống. Anh muốn xã mở thêm một lớp học về kỹ thuật phối giống cho bò để anh theo học có thêm kiến thức bài bản, áp dụng trong sản xuất chăn nuôi.

Ông Nguyễn Ngọc Triêm - Giám đốc Công ty hỗ trợ và phát triển nghề nghiệp Phú Yên - doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh Phú Yên tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho biết, công ty bắt đầu tham gia đào tạo từ năm 2016 đến nay đã mở được 11 lớp nghề nông nghiệp ở huyện Tây Hòa. Qua đào tạo bà con được cung cấp kiến thức, KHKT trồng trọt và chăn nuôi, áp dụng vào sản xuất hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm, lợi nhuận lớn hơn. Kết quả đào tạo 100% học viên đều có việc làm ổn định, tăng nguồn thu nhập.

Ngoài các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, từ đầu năm 2017 đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Tây Hòa cũng đã tổ chức đào tạo 5 lớp nghề phi nông nghiệp. Tập trung vào các nghề phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất tại địa phương như: Kỹ thuật chế biến món ăn, Kỹ thuật làm bánh Âu Á, Vi tính văn phòng.

            

NGỌC MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh