THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:55

“Hiệp sĩ Dế mèn” và nhân cách người cầm bút

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết, ông từ chối nhận giải thưởng vì tự nhận mình "chưa dũng cảm". Chưa dũng cảm thì không thể làm Hiệp sĩ – đương nhiên là vậy rồi!

Thật ra, câu chuyện chẳng có gì to tát: Ông Thiều giải thích là do ông ở trong ban giám khảo. Mặc dù cuộc thi này không có quy định thành viên ban giám khảo không được dự thi nhưng ông vẫn từ chối giải thưởng để tránh những dị nghị có thể khiến giải thưởng Dế mèn lần đầu tổ chức sẽ không được trọn vẹn. Ngay từ khi biết cuốn sách của mình - "Chuyện của anh em nhà Mem và Kya" do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2020 được ban sơ khảo đề cử, ông đã xin rút. Nhưng ban giám khảo và ban tổ chức vẫn quyết định tiếp tục đưa cuốn sách đó vào xét giải. Cuốn sách nhận được 6/7 phiếu của hội đồng chung khảo (1 người không bỏ phiếu cho tác phẩm chính là "cha đẻ" của nó).

Chính vì không dám bảo vệ "đứa con" của mình nên ông cũng tự nhận xét là mình "chưa dũng cảm" và không xứng đáng nhận giải "Hiệp sĩ Dế mèn"!

Như vậy, chỉ có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lên nhận giải thưởng "Hiệp sĩ Dế mèn" - giải thưởng cao nhất của cuộc thi do Báo Thể thao - Văn hóa tổ chức cho tác phẩm "Làm bạn với bầu trời", thay vì có cả tác giả Nguyễn Quang Thiều.

“Hiệp sĩ Dế mèn” và nhân cách người cầm bút - Ảnh 1.

Lễ trao giải chính thức giải thưởng Dế mèn lần thứ nhất diễn ra chiều 29/9.

"Vẫn biết không có giải thưởng nào trọn vẹn nhưng tôi muốn việc mình từ chối nhận giải thưởng sẽ giúp cho sự không trọn vẹn của cuộc thi mà tôi rất thích sẽ bớt đi. Tôi từ chối giải thưởng nhưng cuốn sách đã có được giải thưởng cao nhất khi nó ở trong lòng bạn đọc. Người Việt Nam thường hay e ngại việc tự bỏ phiếu cho mình và tôi vẫn chỉ là một người Việt Nam. Nhưng tôi mong xã hội sẽ có những người khác tôi, dám bảo vệ tác phẩm của mình", ông Thiều chia sẻ.

Chuyện một nhà văn gạo cội từ chối nhận giải thưởng mà ông "rất thích" khiến nhiều người suy nghĩ về một vấn đề lớn lao hơn: Nhân cách. Đã từng đoạt nhiều giải thưởng văn chương, nhiều tác phẩm đi sâu vào trái tim của độc giả, nhà văn mặc áo lính Nguyễn Quang Thiều dường như đã có đầy đủ những vinh quang của người cầm bút. Nhưng điều ông muốn nhắn nhủ với thế hệ trẻ qua hành động của mình là phải luôn dũng cảm trong mọi tình huống, dũng cảm ngay từ những việc tưởng như đơn giản, nhỏ nhặt nhất.

Ông Thiều cũng kêu gọi các nhà văn, mỗi người đang cầm bút chỉ cần viết một tác phẩm cho thiếu nhi thì nền văn học thiếu nhi nước nhà chắc chắn sẽ khởi sắc. Mong rằng, mỗi người cầm bút đều có trái tim dũng cảm, trách nhiệm và nhân hậu để trẻ em có được những tác phẩm hay, sâu sắc, làm cho tươi tắn, phong phú hơn tuổi thơ…

BẢO KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh