Lần đầu công bố báo cáo nghiên cứu “Hiện trạng doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam”
- Tây Y
- 17:42 - 24/03/2019
Lần đầu công bố báo cáo nghiên cứu “Hiện trạng doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam”. Ảnh do Hội đồng Anh cung cấp.
Ngày 22/3/2019, tại Hà Nội, lần đầu tiên một báo cáo nghiên cứu tổng thể và hoàn chỉnh về hiện trạng doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam đã chính thức được ra mắt và giới thiệu.
Tại Việt Nam, sau gần 5 năm Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 có hiệu lực và các văn bản hướng dẫn được ban hành, các DNXH đã có nền tảng pháp lý đầu tiên cho việc thành lập và hoạt động. Tuy nhiên, khu vực DNXH đang phát triển ở mức độ nào, quy mô ra sao, cần có những hỗ trợ gì để có thể phát triển mạnh mẽ hơn là những câu hỏi lớn cần được giải đáp thông qua một nghiên cứu toàn diện.
Báo cáo Nghiên cứu hiện trạng DNXH tại Việt Nam sẽ giúp đánh giá thực trạng và tiềm năng của DNXH sau 10 năm thúc đẩy và phát triển tại Việt Nam. Bên cạnh những thông tin, số liệu thống kê rất hữu ích đối với mỗi DNXH nói riêng và cho một hệ sinh thái DNXH nói chung, báo cáo lần này cũng đã đưa ra được những đánh giá và nhận định về các chính sách quan trọng đã và đang hỗ trợ các DNXH.
Kể từ năm 2009, Hội đồng Anh đã giới thiệu chương trình Hỗ trợ DNXH tại các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Hội đồng Anh tại Việt Nam đã gắn bó và đồng hành cùng DNXH Việt Nam ngay từ những ngày đầu thông qua bốn lĩnh vực ưu tiên: Nghiên cứu; Đối thoại chính sách; Xây dựng năng lực và Nâng cao nhận thức công chúng.
Báo cáo nghiên cứu hiện trạng DNXH tại Việt Nam nằm trong chuỗi nghiên cứu khảo sát của Hội đồng Anh được thực hiện tại 15 quốc gia trên toàn cầu trong hai năm gần đây. Tại Việt Nam, Hội đồng Anh đã phối hợp với tổ chức DNXH Vương quốc Anh và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện, trong thời gian từ tháng 7/2018 đến tháng 3/2019.
Bà Donna McGowan, Giám đốc Quốc gia, Hội đồng Anh Việt Nam cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng được giới thiệu và cho ra mắt Báo cáo nghiên cứu hiện trạng DNXH tại Việt Nam...". (Ảnh do Hội đồng Anh cung cấp).
Phát biểu tại hội thảo, bà Donna McGowan, Giám đốc Quốc gia, Hội đồng Anh Việt Nam cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng được giới thiệu và cho ra mắt Báo cáo nghiên cứu hiện trạng DNXH tại Việt Nam. Hội đồng Anh tin rằng, báo cáo nghiên cứu hiện trạng DNXH tại Việt Nam sẽ không chỉ là nguồn thông tin hữu ích đối với các tổ chức, các bên có liên quan tới lĩnh vực DNXH tại Việt Nam mà còn cả với các đối tác tại Vương quốc Anh và trong khu vực”.
Một trong những điểm đáng chú ý của báo cáo, đó là khái niệm về DNXH đã được phát triển với một cách thức tiếp cận rộng rãi hơn thông qua các khái niệm tinh thần doanh nhân xã hội, sáng tạo xã hội, khởi nghiệp tạo tác động xã hội.
Báo cáo đã chỉ ra rằng, khái niệm về doanh nghiệp xã hội và sáng tạo xã hội bước đầu được giới thiệu vào chương trình đào tạo ở các trường đại học, thông qua hình thức cung cấp các khóa đào tạo về tinh thần doanh nhân xã hội cho các giảng viên đại học, cho sinh viên khởi nghiệp thông qua các cuộc thi thanh niên Việt Nam với sáng tạo xã hội.
Đây là hướng tiếp cận quan trọng bởi những hoạt động này sẽ góp phần nhân rộng việc đào tạo và phổ biến các kiến thức và kỹ năng cần thiết nhằm trang bị và chuẩn bị cho các em sinh viên trở thành những thế hệ doanh nhân và doanh nhân xã hội năng động trong tương lai.
DNXH là mô hình hiệu quả để giải quyết các vấn đề xã hội cũng như mang lại sự thịnh vượng chung cho cộng đồng, góp phần quan trọng vào nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đề ra của Liên Hợp quốc.
Báo cáo nghiên cứu hiện trạng DNXH tại Việt Nam sẽ là cẩm nang giúp các DNXH và những người muốn tìm hiểu về DNXH có được bức tranh tổng thể về lĩnh vực này để từ đó có những đánh giá và đưa ra những nhận định cho từng lĩnh vực để có những sự thay đổi, cải cách để phù hợp hơn với sự phát triển của cộng đồng DNXH ở cả trong nước và quốc tế.
Với sự công nhận hợp pháp, khu vực DNXH đang được kỳ vọng sẽ phát triển và mở rộng hơn nữa tại Việt Nam trong những năm tới và đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế và xã hội ở Việt Nam.